Chánh Văn phòng Điện Kremlin Sergei Ivanov cho biết, kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện không đồng nghĩa với việc lực lượng tác chiến trên bộ của Nga sẽ tham gia vào cuộc xung đột tại Syria mà quyết định này chỉ áp dụng với việc sử dụng không quân. Theo ông Ivanov, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã yêu cầu Nga trợ giúp quân sự.
Đây là thông tin khiến phương Tây hết sức bối rối, quan ngại vì nếu quân Nga thực sự tham chiến sẽ làm cho tương quan lực lượng chiến trường và tình hình khu vực thay đổi.
Trước đó, đã xuất hiện thông tin truyền thông từ Trung Đông nói rằng các máy bay Nga đã tiến hành không kích ở Syria. Điện Kremlin từ chối xác nhận thông tin này.
Trang Aviationist đưa tin, 6 máy bay cường kích khét tiếng Su-34 "thú mỏ vịt" của Nga đã tới một căn cứ không quân ở ngoại ô thành phố Latakia của Syria, nơi trước đó Nga đã đưa tới 28 máy bay chiến đấu.
Theo báo này, các máy bay ném bom trên bay theo máy bay Tu-154 của Không quân Nga, đã bay vào không phận Syria. Thông tin trên được lấy từ dữ liệu quan sát qua hệ thống radar.
Theo nguồn tin từ tình báo Mỹ, Nga đã triển khai hàng chục máy bay chiến đấu, trong đó có 4 máy bay ném bom chiến thuật Su-24, 12 máy bay cường kích Su-25, và 12 máy bay tiêm kích-ném bom Su-30.
Ria Novosti dẫn nguồn tin từ Cơ quan báo chí Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất Hội đồng Liên bang (Thượng viện) thông qua quyết định cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang Nga ở nước ngoài trên cơ sở các nguyên tắc chung đã được công nhận và luật pháp quốc tế.
Tổng thống Vladimir Putin
“Tổng thống Putin đã ký lệnh bổ nhiệm người Phụ trách chính quyền Tổng thống Nga - ông Sergei Ivanov, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov là những người đại diện chính thức của tổng thống khi xem xét đề xuất lên Hội đồng Liên bang thông qua quyết định cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang Nga ở nước ngoài trên cơ sở các nguyên tắc chung đã được công nhận và các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế” – Điện Kremlin thông báo.
Chủ tịch Thượng viện Valentina Matviyenko
Vào đầu cuộc họp toàn thể, Chủ tịch Thượng viện Valentina Matviyenko thông báo, Hội đồng Liên bang đang xem xét vấn đề này trong chế độ họp kín.
Theo chương trình nghị sự của cuộc họp, các báo cáo viên về vấn đề này gồm người đứng đầu Chính quyền Tổng thống Sergei Ivanov, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về quốc phòng và an ninh Viktor Ozerov, Thứ trưởng thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Vladimir Jabbarov.
Hiến pháp Nga quy định, quyết định vấn đề cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang Nga ở nước ngoài thuộc về Hội đồng Liên bang.
Cuộc họp của Hội đồng Liên bang
Lần gần đây nhất Thượng viện Nga đã sử dụng quyền này vào ngày 1/3 khi đồng ý cho Tổng thống Nga sử dụng các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraine để bình ổn tình hình tại đây.
Ngày 25/6, Hội đồng Liên bang thay đổi quyết định của mình theo yêu cầu của người đứng đầu quốc gia. Trả lời hàng thông tấn Tass, người phát ngôn báo chí của Tổng thống, ông Dmitry Peskov cho biết, quyết định này đã được thông qua ngay từ đầu cuộc đàm phán ba bên về giải quyết tình hình ở các khu vực miền Đông Ukraine.
Đề xuất của Tổng thống Nga Putin được Thượng Viện Nga thông qua với 162 phiểu ủng hộ, không có phiếu trống hay phản đối.
Nga đang trong quá trình tăng cường hiện diện quân sự tại Syria để hỗ trợ lực lượng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Lần gần nhất Quốc hội Nga trao cho ông Putin quyền triển khai binh sĩ ở nước ngoài, một yêu cầu về mặt nguyên tắc theo luật pháp Nga, là khi Mátxcơva sáp nhập Crimea hồi năm ngoái.
Chiến lược khôn ngoan
Hãng Interfax hôm 25/9 dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, ‘về lý thuyết’ Moscow có thể tham gia chống IS nếu các điều kiện được đáp ứng. Đêm 27/9, nhiều lãnh đạo châu Âu dường như đã chấp thuận các phương án mà Nga ngụ ý.
Các lãnh đạo châu Âu, gồm cả Thủ tướng Anh David Cameron, đã đồng tình để Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục duy trì quyền lực tại Syria. Đây luôn là điều kiện tiên quyết trong các cuộc mặc cả giữa Nga và phương Tây về Syria, trừ một lần trong năm 2012, Moscow đề xuất phương án ra đi cho ông Assad nhưng Mỹ đã khước từ.
Ông Cameron nói rằng, tương lai của Syria sẽ không thể có Assad, nhưng ít nhất trong giai đoạn chuyển đổi này, họ vẫn đáp ứng điều kiện của Moscow. Đó là Syria cần có một người lãnh đạo để tránh việc quốc gia này sụp đổ trước khi IS chiến thắng.
Muốn giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tận gốc rễ, thì châu Âu không còn cách nào khác là phải xử lý cho êm thấm cuộc nội chiến tại Syria, mà như vậy họ khó có cách nào khác, là phải đối thoại với Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết đã sẵn sàng thảo luận với Nga về Syria. Ông Stoltenberg nói thêm rằng, việc hợp tác với Nga là cần thiết vì để tránh ‘tai nạn hoặc sự vụ’ do liên minh mà Mỹ dẫn đầu vẫn đang oanh tạc IS.
Nhiều nhà phân tích coi bước đi này của ông Putin chỉ mang tính chiến thuật, và ông Putin khó lòng tranh thủ các thiếu sót của Tổng thống Obama tại Trung Đông trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi ích của phía Nga trong vấn đề này lớn hơn rất nhiều.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) |
Thứ nhất, Moscow tuyên bố việc đưa vũ khí vào Syria là để đối phó IS. Không ai có thể khước từ quyền của Moscow khi tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng đang gieo rắc tội ác kinh hoàng trên khắp Trung Đông, và có thể lan rộng ra thế giới.
Thực tế, những gì Mỹ đang làm trong cuộc chiến chống IS chỉ dừng lại ở mức độ ‘kiềm chế’, chứ không thể tiêu diệt được lực lượng này. Ông Putin chỉ ra thất bại của Mỹ trong các chương trình đào tạo các tay súng nổi dậy chống Assad quay sang đánh IS thê thảm tới mức nào.
“Mục tiêu là huấn luyện từ 5.000-6.000 tay súng, và sau đó là 12.000 hoặc hơn. Nhưng hóa ra chỉ có 60 trong số đó là được huấn luyện bài bản, và chỉ có 4-5 người thực sự cầm súng, trong khi số còn lại đã bỏ chạy cùng với vũ khí của Mỹ, để gia nhập IS” – ông Putin cho hay.
Hai năm trước, Putin từng thành công khi buộc Damascus giải giáp vũ khí hóa học, tránh một cuộc chiến mà Tổng thống Obama suýt phát động nhằm vào Syria. Nay, ông Obama lại lâm vào ‘thế khó xử’ khi không thể phản đối kế hoạch của ông Putin, mà có khi lại miễn cưỡng ủng hộ.
Trong khi đó, ngoài việc chống IS, khí tài và binh sĩ, cố vấn quân sự của Nga hiện diện tại Syria cũng sẽ khiến các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Assad (do Mỹ bảo trợ) kém hiệu quả.
Thứ hai, bằng cách gây dựng các mạng lưới đối tác chống IS, Nga đang tìm cách tăng cường hiện diện càng sâu rộng tại Trung Đông càng tốt, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Iraq.
Chỉ trong thời gian ngắn, Iraq đã nhất trí cùng Nga, Iran và Syria phối hợp tác chiến chống IS. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Damascus, Tehran sẽ góp sức tham gia chống IS cùng các lực lượng quốc tế.
Interfax dẫn lời nguồn tin quân sự - ngoại giao tại Moscow cho hay, một trung tâm phối hợp 4 bên sẽ được thiết lập tại Baghdad trên cơ sở luân phiên sĩ quan của Iraq, Iran, Syria và Nga. Đồng thời, Iraq cũng nhất trí trao đổi thông tin tình báo và vũ khí với các đồng minh này.
Trước đó, hơn 20 tỉ USD tiền Mỹ viện trợ và huấn luyện cho quân đội Iraq để chống IS gần như là đổ sông đổ bể, vì không những đội quân này suýt sụp đổ 2 lần trong năm ngoái, mà thậm chí Tướng Mỹ còn phải thốt ra rằng nhiều binh sĩ Iraq thậm chí còn không muốn đánh IS.
Cũng Syria, việc Nga lấy danh nghĩa chống IS tại Iraq cũng hợp lý. “Người Nga buộc phải làm việc với Iran bên trong Iraq để sử dụng sân bay vận chuyển vũ khí và máy bay tiếp liệu trên đường tới Syria", BI dẫn lời Tony Badran, nhà nghiên cứu tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ.
Không dừng ở đó, các công trình của Nga tại tây Syria đang có sự phối hợp với phía Iran. Nga còn đang sử dụng một căn cứ không quân tại Hamadan, Iran để tiếp liệu cho máy bay trên đường tới Syria.
Và nếu mục đích sau cùng của Nga là nhằm thiết lập một chỗ đứng chắc chắn, để từ đó phóng chiếu sức mạnh trong khu vực – và thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại đây – thì nhiều khả năng Putin có thể sẽ thử thách cả vùng biển tại Iraq.
Thứ ba, bằng việc chuyển trọng tâm sang chiến trường ở Trung Đông, Nga đã làm cuộc chiến ở Ukraina ít được chú ý hơn – kể cả với các lãnh đạo và giới truyền thông phương Tây. Khi đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS, Moscow sẽ có khả năng thuyết phục các nước phương Tây ngưng các trừng phạt liên quan tới khủng hoảng tại Ukraina.
Theo Tin tức/NĐT