|
Tàu đổ bộ đệm khí của Mỹ trong một cuộc tập trận hải quân |
Ngày 19/3, cảnh sát biển Trung Quốc dùng bạo lực cướp một chiếc tàu đánh cá bị Indonesia áp giải, gây sự cố ngoại giao với Jakarta . Hai nước dám chống lại tham vọng của Trung Quốc là Indonesia và Philippines. Trong trường hợp của Indonesia, tổng thống Joko Widodo không để cho Bắc Kinh tự tung tự tác. Tuần duyên Indonesia đã bắt tàu đánh cá lậu Trung Quốc, một chiếc bị đánh chìm để làm gương vào năm 2015.
Đối với Philippines, Trung Quốc gia cố đảo đá ngầm Scarborough sau khi lấn chiếm của Manila năm 2012. Hàng chục bãi đá ngầm khác ở biển Đông đã bị Trung Quốc lấn chiếm và biến thành đảo nhân tạo. Chiếm Scarborough, Bắc Kinh đã gây thương tổn cho danh dự Philippines. Về mặt quân sự, chiếm được Scarborough, Trung Quốc hoàn tất thế «chân vạc» với các căn cứ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không như ở Hoa Đông năm 2013.
Trước mục tiêu gần như không cần che giấu của Trung Quốc, Mỹ tăng cường tuần tra và kêu gọi Ấn Độ tham gia vào nỗ lực chung với Nhật và Úc. Manila cho phép Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự trong khuôn khổ hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường mở đường cho quân đội Mỹ trở lại quần đảo từng là tiền đồn của Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam. Tư lệnh lực lượng Mỹ lên án Trung Quốc «quân sự hóa» biển Đông nhưng Bắc Kinh đáp trả bằng lập luận chính Mỹ thiết lập một mạng lưới liên minh quân sự trong Thái Bình dương.
Trên thực tế, giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng chiến thuật gây hấn sẽ thắng. Chuyên gia Mỹ gốc Trung Quốc Tôn Vân thuộc viện nghiên cứu Stimson, giải thích: Trung Quốc đã tạo ra một vòng đai rộng hơn trong vùng tranh chấp và tăng cường kiểm soát trên thực tế. Họ vẽ lại lằn ranh, thực tế hay biểu tượng nhằm cố gắng giới hạn hoạt động quân sự của Mỹ tại biển Đông.