|
Ông Putin và ông Tập gặp gỡ tại điện Kremlin ở Mátxcơva hôm 8/5/2015 |
Dù phía Washington có đánh giá được đầy đủ sự thay đổi diễn ra từ từ nhưng hết sức sâu sắc này trong quan hệ tay ba của Mỹ với Nga và Trung Quốc trong những thập kỷ qua hay không thì rõ ràng là Mỹ đã trở thành bên thua cuộc lớn trong mối quan hệ này.
Đã qua rồi cái thời Richard Nixon và Henry Kissinger khéo léo tận dụng mâu thuẫn Xô- Trung để hai nước chống lại nhau, giành lấy cho mình những nhượng bộ từ mỗi bên. Đến nay, quan hệ đó đã thay đổi rõ rệt, một cách từ từ nhưng hết sức chắc chắn. Và sự phục hồi quan hệ Nga-Trung báo hiệu một sự chuyển dịch phương hại cho Mỹ. Tuy nhiên chính những hành động của Mỹ trong những thập kỷ qua đã đẩy hai nước này lại gần nhau.
UNZ đánh giá, dường như các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiện nay không đủ kinh nghiệm và thông tin tình báo để nhận ra sự thật này và tác động của nó tới sự tự do hành động của nước Mỹ. Dường như họ không hề đánh giá cao khả năng của mối quan hệ này trong các cuộc chiến trên không, trên bộ và trên biển.
Thay vào đó, chính quyền ông Donald Trump lại đang có những hành động khó đoán định, có phần thách thức như phóng 59 quả tên lửa Tomahawk tấn công quân đội Syria, bắn hạ máy bay của Syria, gây hỗn loạn ở Ukraine...
Tuy nhiên những hành động này có thể sớm khiến Trung Quốc thách thức tới lợi ích của Mỹ, hoặc thậm chí ở eo biển Đài Loan, cùng với đó có thể là cuộc đụng độ với Nga trên bầu trời Syria hoặc một cuộc chiến ở Ukraine.
Việc thiếu kinh nghiệm và thông tin tình báo có vẻ như là lời lý giải quá dễ dãi với chính quyền Washington. Hành động của Mỹ dường như xuất phát từ sự kết hợp giữa chủ nghĩa ngoại lệ và quyền lực của việc vận động hành lang Mỹ, Lầu Năm Góc và các nhân vật có tiếng nói. Tất cả có vẻ ngăn cản việc giảm căng thẳng với Nga và Trung Quốc. Dường như việc khuấy động sự sợ hãi Nga và Trung Quốc là một biện pháp đúng đắn để đảm bảo rằng tàu sân bay thế hệ tiếp theo hay các hệ thống vũ khí đắt giá khác sẽ tiếp tục được xây dựng.
Theo UNZ, có vẻ như hiện nay cũng giống với thời kỳ trước đây, nền quân sự Mỹ đủ nguồn lực để tham gia vào nhiều mặt trận cùng một lúc.
Thời gian gần đây, chính quyền Washington đã thực hiện một số hành vi khá mạnh tay:
- Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Stethem của Mỹ đã tiếp tục thực thi tự do hàng hải khiến Bắc Kinh bực tức. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức coi đây “là hành vi khiêu khích nghiêm trọng về chính trị và quân sự".
- Mỹ mới đây cũng đã tuyên bố một thương vụ mua bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD với Đài Loan, áp đặt trừng phạt lên một ngân hàng của Trung Quốc vì hoạt động giao dịch với Triều Tiên, và coi Trung Quốc là nước có nạn buôn người nghiêm trọng nhất thế giới.
- Vào ngày 20/6, Tổng thống Donald Trump đã đăng tải dòng tweet lên trang Twitter của mình, ngụ ý rằng Trung Quốc đã cố gắng nhưng không thể ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Sóng gió
Trước khi đến Mátxcơva, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS của Nga, trong đó ông tập trung vào vấn đề phòng thủ tên lửa - một vấn đề mà tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đặc biệt quan tâm. Ông Tập tập trung nhấn mạnh việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm cao cho Hàn Quốc là "phá vỡ cân bằng chiến lược trong khu vực" và đe dọa an ninh lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả Nga và Trung Quốc.
Ông Tập cũng nhắc lại rằng Bắc Kinh đang thúc giục Washington rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên và thậm chí nhà lãnh đạo Trung Quốc còn hy vọng rằng tân tổng thống của Hàn Quốc sẽ phản ứng một cách khôn ngoan hơn so với người tiền nhiệm của ông, người đã cho phép triển khai THAAD, điều khiến Triều Tiên càng thêm lo lắng về một cuộc tấn công phủ đầu.
Cách đây chưa đầy một tháng, ông Putin và chủ tịch Trung Quốc cũng đã gặp gỡ tại thủ đô Astana của Kazakhstan, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Vào thời điểm đó, ông Putin đã tuyên bố cuộc họp song phương (vừa diễn ra) tại Mátxcơva sẽ là "một sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương".
Nhà lãnh đạo Nga cũng nói thêm: "Theo truyền thống, chúng tôi tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ và thảo luận về quan hệ song phương và chương trình nghị sự quốc tế".
Theo UNZ, nếu "truyền thống" Trung-Nga là để mô tả mối quan hệ hơn ba thập kỷ trước, mối quan hệ này không phải luôn luôn tốt đẹp như vậy. Tuy nhiên điều này lại giúp khẳng định rằng quan hệ gần gũi hiện nay sẽ không dễ dàng biến mất sau quãng thời gian nhiều thăng trầm trước đây.
Những thay đổi về quan hệ Nga- Trung không thể nào bị phát hiện cho đến khi đã có những tác động to lớn. Theo một nhà phân tích chính về quan hệ Xô-Trung của CIA những năm 1960 và đầu 1970, Mỹ ở vị thế "ngư ông đắc lợi" khi Xô-Trung mâu thuẫn.
Theo UNZ, vào cuối những năm 1960, Liên Xô đã tăng cường lực lượng bộ binh ở biên giới Trung Quốc từ 13 lên 21 sư đoàn. Vào năm 1971, con số này đã tăng lên 44 sư đoàn, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu coi Liên Xô lúc đó là mối đe doạ trực tiếp thậm chí còn lớn hơn cả Mỹ.
Lợi dụng tình hình này, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã đến thăm Bắc Kinh để sắp xếp một cuộc viếng thăm cho Tổng thống Nixon tới Bắc Kinh vào năm sau. Sau đó, nước Mỹ được hưởng lợi do sự nghi kỵ lẫn nhau giữa Liên Xô và Trung Quốc và cả hai bên đều tranh nhau cải thiện quan hệ với Washington.
Tam giác quan hệ Mỹ-Trung- Nga
Chính việc khai thác triệt để vị trí tương đối mạnh trong quan hệ tam giác giúp xây dựng các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô. Sự thù hận giữa Bắc Kinh và Mátxcơva vào thời kỳ đó lên đến đỉnh điểm. Hai nước không chỉ mất quyền lợi hợp tác mà còn cố gắng phủ nhận chính sách của nước còn lại.
Trong khi đó, Mỹ lại nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với cả hai bên, còn Nga và Trung lại ở trong cuộc đua tranh giành quan hệ tốt đẹp từ phía Mỹ. Lãnh đạo của hai nước không thể không nhận ra điều này đã nâng cao vị thế mặc cả của Mỹ ra sao. Nhưng bất chấp cái giá phải trả, hai bên dường như vẫn không tìm thấy lối ra.
Tuy nhiên vào cuối những năm 1970, sau khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter công nhận chính quyền ở Trung Quốc thì động lực quan hệ tay ba Mỹ- Trung – Nga cũng dần chuyển dịch theo hướng giảm bớt căng thẳng Nga-Trung.
Dù mất nhiều năm để hoàn toàn gạt bỏ những nghi ngờ, vào giữa những năm 1980, Mátxcơva và Bắc Kinh có dấu hiệu bình thường hóa quan hệ. Các lãnh đạo Liên Xô cũng thoải mái hơn với quan hệ tay ba này và không còn lo lắng về cuộc chạy đua với Trung Quốc nhằm phát triển quan hệ với Mỹ.
Thực tế mới
Vào đầu tháng 10/2004, Tổng thống Nga Putin đã thăm Bắc Kinh để hoàn thiện thỏa thuận về các vấn đề biên giới và tuyên bố rằng các quan hệ hai bên đã đạt đến "đỉnh cao chưa từng có". Hai bên cũng ký một thỏa thuận để cùng nhau phát triển nguồn dự trữ năng lượng của Nga.
Một nước Nga trở lại và một nước Trung Quốc đang hiện đại hóa đã trở thành đối trọng tiềm năng với bá quyền toàn cầu của Mỹ, siêu cường duy nhất trên thế giới. Điều này khiến Mỹ tăng cường triển khai các hoạt động chiến lược để bao vây cả hai nước bằng các căn cứ quân sự và các liên minh đối đầu, thúc đẩy NATO tiến sát đến biên giới của Nga và “xoay trục sang châu Á".
Cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn ở Ukraine vào ngày 22/12/2014 đã đánh một dấu mốc xoay chuyển mang tính lịch sử, và Nga đã phản ứng bằng cách sáp nhập Crimea và phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Còn trên chính trường quốc tế, ông Putin đã ký kết một hợp đồng năng lượng khổng lồ với Trung Quốc, gồm hợp đồng khí đốt kéo dài 30 năm trị giá 400 tỷ USD. Động thái này giúp ông Putin khẳng định các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây chẳng đe dọa gì tới nền kinh tế nước Nga.
Quan hệ Nga- Trung cũng ngày càng gắn kết hơn khi cả hai nước cùng thể hiện lập trường tương tự như nhau trong các vấn đề quốc tế nóng như ở Ukraine và Syria. Hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác quân sự. Tuy nhiên điểm hạn chế là mỗi nước vẫn muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ hơn là xây dựng liên minh bền chặt với nhau (vì thực tế đến nay cả hai nước đều cần mối quan hệ với Mỹ hơn).
Nhưng một điều rõ ràng là Mỹ không còn ở vị thế “ngư ông đắc lợi” được nữa, UNZ nhấn mạnh.