F-22 Mỹ triển khai ở Australia sẵn sàng ứng phó xung đột
Tờ Jane's Defence Weekly Anh ngày 13 tháng 2 và tờ National Interest Mỹ ngày 17 tháng 2 cho hay Không quân Mỹ đã điều một phi đội 12 máy bay chiến đấu tàng hình F-22A Raptor đến căn cứ không quân Tindal, thành phố Darwin, miền bắc Australia (ngày 10 tháng 2) để tạo thuận lợi cho triển khai huấn luyện liên hợp giữa hai nước trong thời gian 3 tuần.
Điều này cho thấy Mỹ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc duy trì vị thế chủ đạo ở khu vực chiến lược Thái Bình Dương. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ coi việc làm này là “rất quan trọng về chiến lược”.
Trung tá Dave Skalicky, chỉ huy phi đội máy bay chiến đấu số 90 của Quân đội Mỹ cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được đến đây, có thể triển khai hợp tác với các đồng nghiệp Australia. Họ là chủ nhà tuyệt vời, mức độ hỗ trợ của họ có lợi cho chúng tôi nâng cao khả năng hành động liên hợp”.
Không quân Mỹ tiết lộ, triển khai phi đội F-22 là một nội dung trong “Sáng kiến tăng cường hợp tác trên không” do Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Quân đội Mỹ đưa ra, phù hợp với thỏa thuận giữa Mỹ và Australia.
Trung tá Mick Grant, chỉ huy phi đội số 75 Không quân Hoàng gia Australia cho biết: “Chúng tôi thông thường chỉ khi đến Mỹ tham gia các cuộc diễn tập lớn như Red Flag hoặc triển khai các hành động liên hợp mới hợp tác thực hiện nhiệm vụ với máy bay chiến đấu F-22.
Vì vậy, chúng tôi cảm ơn phi đội máy bay chiến đấu số 90 năm nay từ nơi xa xôi vạn dặm đến Australia. Khí hậu khắc nghiệt khu vực huấn luyện độc đáo ở miền bắc Australia đã tạo ra cơ hội hiếm có cho đồng minh của chúng tôi lái máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm triển khai huấn luyện trong một loạt điều kiện môi trường”.
Máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ sẽ cùng với biên đội máy bay chiến đấu F/A-18A/B Hornet của Australia tiến hành huấn luyện chung, nội dung huấn luyện sẽ bao gồm triển khai tập luyện tấn công và phòng thủ ở nhiều địa điểm trong đó có khu vực Northern Territory và bang Queensland.
Theo Không quân Mỹ, hoạt động huấn luyện lần này là huấn luyện liên hợp giữa Mỹ và Australia có sự tham gia của máy bay F-22 với thời gian dài nhất và quy mô lớn nhất. Thời gian triển khai F-22 sẽ kéo dài đến đầu tháng 3 năm 2017.
Triển khai huấn luyện ở Australia có lợi cho cả Không quân Mỹ và Australia. Một khi khu vực Thái Bình Dương nổ ra xung đột hoặc sự cố bất ngờ, không quân hai nước sẽ rất có khả năng cần phối hợp chặt chẽ, huấn luyện liên hợp giúp cho quân đội hai nước có cơ hội tìm hiểu về khả năng của đối phương, tìm cách phát huy tốt nhất hiệu quả hợp tác giữa hai bên.
Ngoài ra, huấn luyện liên hợp giúp cho Australia có cơ hội tìm hiểu tình hình của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Bởi vì, hiện nay Australia cũng đang tiếp nhận biên đội máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35.
Tăng cường hợp tác quân sự Mỹ - Australia
Theo tờ Aviationist Mỹ ngày 14 tháng 12 năm 2016, việc triển khai máy bay chiến đấu F-22A ở Australia để tiến hành huấn luyện liên hợp là thỏa thuận đạt được giữa Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và Tư lệnh Quân đội Australia.
Vào cuối năm 2016, khi thăm Australia, Đô đốc Harry Harris cho biết, Mỹ và Australia “đang tích cực tìm kiếm hợp tác chặt chẽ hơn trong vấn đề triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm ở Australia và có kế hoạch triển khai các hành động quan trọng trong năm 2017”.
Nhưng, sau khi ông Donald Trump lên làm ông chủ Nhà Trắng, quan hệ Mỹ - Australia đã xảy ra xáo trộn. Ông Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã xảy ra bất đồng về thỏa thuận người nhập cư trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này. Ngoài ra, việc ông Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng khiến cho Australia cảm thấy không vui.
Trong thời gian Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Australia vào đầu tháng 2, Thủ tướng Australia khẳng định Australia là người khởi xướng kiên định và người được lợi từ tự do hóa thương mại, sẽ cùng Trung Quốc kiên quyết phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Điều này hầu như đối lập với quan điểm “bảo hộ thương mại” của ông Donald Trump.
Tờ Thời báo New York Mỹ ngày 10 tháng 2 nói thẳng rằng đồng minh Mỹ và Australia đang đối mặt với một thách thức to lớn: làm thế nào để ứng phó với một nước Trung Quốc mạnh lên và ngày càng tự tin. Nhưng, tờ báo này lo ngại sự tin cậy giữa hai đồng minh này đang giảm đi.
Mặc dù vậy, “việc triển khai các máy bay chiến đấu F-22 lần này đã cho thấy mức độ hợp tác sâu sắc về quân sự giữa hai nước đồng minh Mỹ và Australia” – nhà nghiên cứu Trương Phong, khoa quan hệ quốc tế, trường Đại học Quốc gia Australia đánh giá.
Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ đã triển khai ở cảng Darwin. Darwin chính là cánh cửa để Australia vươn tới khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, thuộc khu vực xung yếu về giao thông, có cơ sở quân sự tương đối hoàn thiện, điều kiện triển khai hải quân và diện tích căn cứ như được “trời cho”.
Phương Hiểu Chí, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu quân đội nước ngoài, Học viện quan hệ quốc tế Nam Kinh, Trung Quốc cho rằng: “Về chiến thuật, F-22A là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tiên tiến nhất thế giới, có thể tăng cường hiệu quả quyền kiểm soát của Quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương;
cung cấp hỗ trợ có hiệu quả cho máy bay ném bom chiến lược B-1B, máy bay tiếp dầu trên không KC-10A triển khai ở Australia, đồng thời có thể phối hợp với lực lượng ở các căn cứ quân sự khác như Guam, Hawaii, hình thành cụm tấn công quân sự hải, không quân mạnh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
“Đặc biệt là trong tình hình quan hệ Mỹ - Philippines gặp khó khăn, vị trí địa lý của cảng Darwin đáng quý hơn” - Nhà nghiên cứu Lưu Lâm, Ban nghiên cứu quân sự thế giới, Viện Khoa học quân sự Trung Quốc bổ sung thêm.
Theo Lưu Lâm: “Hành trình lớn nhất của máy bay chiến đấu F-22A đạt hơn 3.000 km, từ miền bắc Australia có thể vươn tới khu vực Biển Đông triển khai hành động tác chiến, điều này sẽ rút ngắn không ít thời gian khi xuất phát từ Hawaii”.
“Máy bay F-22A triển khai ở Australia gần như đồng thời với máy bay chiến đấu tàng hình F-35B triển khai ở Nhật Bản. Hai sự kiện này cho thấy Mỹ đang thực hiện giai đoạn thứ ba trong chiến lược ‘quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương’ về quân sự. Tức là điều động nhiều trang bị tiên tiến hơn tới châu Á - Thái Bình Dương” – Lưu Lâm lưu ý.
Lưu Lâm còn nhấn mạnh: “Mặc dù chính sách châu Á - Thái Bình Dương hiện nay của ông Donald Trump còn chưa rõ ràng, cũng có khả năng từ bỏ tên gọi ‘tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương’, nhưng trên thực tế và về chiến thuật, một loạt chính sách tăng cường triển khai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ sẽ được tiếp tục”.
Sau khi Mỹ thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”, căn cứ vào thỏa thuận đạt được khi ông Barack Obama thăm Australia vào năm 2011, Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu đóng ở cảng Darwin. Hiện nay, Mỹ có trên 1.000 quân thường trú ở cảng Darwin và bố trí nhiều loại tàu chiến và máy bay chiến đấu tiên tiến tại đó.
Tháng 10 năm 2015, Tập đoàn Lam Kiều, một doanh nghiệp Trung Quốc đã giành được quyền thuê cảng Darwin với giá 506 triệu đô la Australia trong vòng 99 năm đã gây lo ngại và bất mãn cho phía Mỹ.
Australia sẽ thực hiện chính sách ngoại giao “cân bằng”?
Cùng với việc hợp tác quân sự giữa Mỹ và Australia ngày càng sâu sắc, nội bộ Australia lại đang xảy ra tranh cãi liên quan đến đồng minh Mỹ - Australia.
Cuối năm 2016, báo cáo nghiên cứu mang tên “Đấu tranh với Mỹ” của Viện nghiên cứu Roy, Australia cho rằng mặc dù Mỹ là đồng minh tin cậy và bảo đảm an ninh quốc gia của Australia trong 65 năm qua, nhưng cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cần tiến hành đánh giá mới một cách kỹ lưỡng để xử lý quan hệ đồng minh Mỹ - Australia.
Ngày 11 tháng 1, khi đang là ứng cử viên Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson đã phát biểu trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đưa ra tuyên bố cứng rắn về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh: “Không cho phép Trung Quốc tiếp cận các đảo, đá ngầm ở Biển Đông”.
Sang ngày 13 tháng 1, cựu Thủ tướng Australia đã lên tiếng coi phát biểu này của ông Rex Tillerson là kéo Australia vào một cuộc chiến tranh, cho rằng: “Chúng tôi muốn nói với Tân Chính phủ Mỹ rằng, Australia sẽ không làm như vậy, Australia sẽ không tham gia các hành động liên hợp ở Biển Đông, cũng sẽ không hỗ trợ các hành động như vậy của Mỹ”.
Nhưng Chủ tịch Hart, phân hội Northern Territory thuộc Hiệp hội Australia - Mỹ ngày 12 tháng 2 cho rằng đồng minh Mỹ - Australia là tình hữu nghị được xây bằng máu. Mỹ đã giúp đỡ Australia đánh lui các cuộc tấn công của Nhật Bản đối với cảng Darwin trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì vậy, đồng minh Mỹ - Australia sẽ không lay chuyển vì chính sách của ông Donald Trump.
Đối với việc máy bay F-22 triển khai ở Australia, chủ nhiệm Graham, chương trình an ninh quốc tế, Viện nghiên cứu Roy, Australia cho rằng thái độ cứng rắn của Đô đốc Harry Harris dễ gây hiểu nhầm, nhưng nội bộ Australia thực sự có tiếng nói cho rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã không đủ cứng rắn khi đối mặt với Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Lâm cho rằng: “Mặc dù quan hệ Mỹ - Australia đối mặt với một số vấn đề, nhưng những mâu thuẫn này không gây tổn hại đến nền tảng của quan hệ đồng minh Mỹ - Australia. Trong việc ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông, Mỹ và Australia đều tràn đầy nghi ngờ đối với vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên ở Biển Đông”.
Theo Lưu Lâm: “Máy bay F-22 triển khai ở Australia cho thấy Australia vẫn coi đồng minh Mỹ - Australia là trụ cột của chiến lược an ninh quốc gia, đồng thời cũng cho thấy sự va chạm giữa hai bên trong vấn đề người nhập cư gần đây sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực an ninh”.
Nhưng “hợp tác quân sự ở mức cao giữa Mỹ và Australia hoàn toàn không có nghĩa là Mỹ và Australia cũng nhất trí cao về chính trị và chiến lược” – Nhà nghiên cứu Trương Phong khẳng định.
Theo Trương Phong: “Rất nhiều người Australia cho rằng không thể trói mình vào chiến xa của Mỹ, giữa Mỹ và Australia cũng có bất đồng về các vấn đề chính trị và chiến lược của châu Á - Thái Bình Dương”.
Trên tờ Thời báo New York ngày 10 tháng 2, giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White từ Đại học Quốc gia Australia có bài viết cho rằng theo lý tưởng của Australia, chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là “(Mỹ) khéo léo thể hiện quyết tâm của họ, làm xoay chuyển hoặc ngăn chặn vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, nhưng lại không gây ra những cuộc đối đầu mà Australia buộc phải thự hiện “hai chọn một” giữa đối tác thương mại lớn nhất với đồng minh thân cận nhất.
Theo tờ The Australian Financial Review ngày 6 tháng 2, Australia xuất siêu thương mại sang Trung Quốc đã lập kỷ lục mới. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của Australia, vượt xa các nước khác, đã tiếp nhận trên 30% xuất khẩu của Australia. So với xuất khẩu sang Mỹ, kim ngạch tiêu thụ của Australia ở Trung Quốc gấp 5 lần ở Mỹ.
Phó giáo sư Phí Thạnh, Trung tâm nghiên cứu châu Đại Dương, Đại học Trung Sơn, Trung Quốc cho rằng cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, mặc dù rất nhiều người Australia hoàn toàn không chủ trương gây thiệt hại quan hệ với Trung Quốc, thậm chí có người xuất phát từ quan điểm quốc tế lý tưởng, cho rằng Australia cần độc lập tự chủ, không nên bị trói buộc vào Mỹ.
Nhưng, điều cần chú ý là những người này chủ trương thoát Mỹ hoàn toàn không có nghĩa là thân Trung Quốc.
Trong khi đó, Phó giáo sư Dụ Thường Sâm, phó chủ nhiệm thường trực Trung tâm nghiên cứu châu Đại Dương, Đại học Trung Sơn cho rằng: “Chính sách Trung Quốc của Australia luôn mập mờ nước đôi, lúc nóng lúc lạnh. Australia luôn giao hảo với phương Tây về chính trị và an ninh, hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc về kinh tế, xây dựng cộng đồng lợi ích”.
Dụ Thường Sâm nói: “Australia luôn không đóng băng quan hệ với Trung Quốc, nhưng sự khác biệt về địa - chính trị và tâm lý, văn hóa giữa Trung Quốc và Australia cũng làm cho Australia không có nhiều khả năng liên minh với Trung Quốc.
Sự điều chỉnh mang tính chính sách của ngoại giao Australia không có nghĩa là chiến lược tổng thể của họ sẽ có sự thay đổi mang tính căn bản. Đó chỉ là hệ quả của một loạt phản ứng dây chuyền sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, cuối cùng sẽ quay lại với sự cân bằng”.
Theo báo chí Mỹ, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ triển khai ở Darwin, Australia sẽ tăng lên nhiều trong vài năm tới, đến trước năm 2020 sẽ lên tới 2.500 quân.