|
Dự án Dòng chảy phương bắc II (đường màu vàng đứt đoạn). |
Trong những thập kỷ gần đây, điều khoản trong Hiến pháp Mỹ quy định rằng cần có tuyên bố chiến tranh của nghị viện trước khi Mỹ xâm lược bất cứ quốc gia nào đã bị "phớt lờ". Hơn nữa, kể từ năm 2012 khi Nghị viện Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt Magnitsky chống lại nước Nga - những lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp dụng đối với bất kỳ công ty nào đã không còn tuân theo cách áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế trước đây của Mỹ. Từ đó, một công ty có thể bị phạt tới hơn 1 tỷ USD vì vi phạm một lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Và, cũng từ lúc này, lệnh trừng phạt là cách thức mà Nghị viện Mỹ thực tế đã cho phép tiến hành một cuộc chiến - đây là một cách thức mới, không phải như những gì đã được quy định trong hiến pháp Mỹ. Và, trong pha trừng phạt kinh tế của một cuộc chiến tranh - pha ban đầu - cuộc chiến được áp dụng trực tiếp với bất cứ công ty nào vi phạm một lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, chống lại Nga, Iran hay bất cứ nước nào. Do đó, thực tế nghị viện Mỹ đã bằng những lệnh trừng phạt này cho phép một cuộc chiến tiến hành bởi Mỹ tồn tại - cho phép sự tồn tại của một "trạng thái chiến tranh".
Với Nghị viện Mỹ, việc thông qua những lệnh trừng phạt chống lại một nước thực ra là hình thức ủy quyền cho tổng thống Mỹ ra lệnh cho quân đội xâm lược nước đó - nếu và khi ngài tổng thống quyết định làm vậy. Không cần thiết phải có thêm sự cho phép của nghị viện (trừ trường hợp bắt buộc phải thực thi theo hiến pháp). Pha đầu tiên của cuộc chiến chỉ trừng phạt trực tiếp những công ty vi phạm lệnh trừng phạt của các nước chứ không nhắm vào đất nước đó. Nhưng việc chính phủ Mỹ trừng phạt một tập đoàn vi phạm thì mục tiêu thực sự của lệnh trừng phạt chính là một đất nước. Các lệnh trừng phạt được sử dụng để xiết chặt mục tiêu đó.
Những công ty bị trừng phạt chỉ là "thiệt hại song hành", trong pha đầu của cách thức tiến hành Mỹ tiến hành chiến tranh kiểu mới. Pha này đã trở thành pha tiêu chuẩn đầu tiên trong cách thức chính phủ Mỹ tiến hành chiến tranh. Chính phủ Mỹ ép các tập đoàn phải tham gia cuộc chiến kinh tế, chống lại một đất nước mục tiêu. Trong trường hợp này là cuộc chiến chống lại Nga. Nga là đất nước Mỹ muốn bóp nghẹt, đặc biệt là trong ví dụ dưới đây.
Vào ngày 11.12, Hạ viện Mỹ đã nhất trí (không có thành viên phản đối) bằng cách bỏ phiếu miệng (bằng lời nói) - không được ghi lại để không ai sau đó bị đổ lỗi vì bất cứ vấn đề gì — rằng tổng thống Donald Trump nên áp dụng các lệnh trừng phạt có thể lên đến hàng tỷ USD với bất cứ tập đoàn châu Âu nào tham gia với Nga trong dự án Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương bắc II của Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu. Nghị quyết H.Res.1035 mang tiêu đề "Bày tỏ sự phản đối với việc hoàn thành Dòng chảy phương bắc II, và cho các mục tiêu khác".
Nghị quyết này kết thúc bằng sự khẳng định rằng Hạ viện Mỹ "ủng hộ việc áp dụng các lệnh trừng phạt với những gì liên quan tới Dòng chảy phương bắc II theo mục 232 trong Đạo luật chống lại các kẻ địch của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt". Không có nghị sĩ nào phản đối nghị quyết, qua đó Hạ viện Mỹ cảnh báo các tập đoàn phải ngừng công việc kinh doanh với Nga, bởi chính phủ Mỹ đã xác định rằng bất cứ một công việc kinh doanh nào như vậy sẽ phải bị dừng lại và có thể sẽ bị trừng phạt. Chính phủ Mỹ đã gây ấn tượng rằng họ sẽ hoặc họ đã có quyền hành tuyệt đối trên thế giới, không cần phải sử dụng tới quân sự mà chỉ cần ép buộc về mặt kinh tế.
Thượng viện Mỹ không có một dự luật tương tự. Nhưng sự nhất trí của việc thông qua dự luật trong Hạ viện Mỹ là một lời cảnh báo mạnh mẽ tới các tập đoàn của châu Âu rằng trừ phi họ tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ, nếu không họ sẽ bị áp những hình phạt tài chính khổng lồ. Không có nhiều vấn đề được Nghị viện Mỹ đồng thuận gần như 100% nhưng trong trường hợp này, pha đầu tiên trong cuộc chiến chống Nga của Mỹ, chắc chắn là một ví dụ hiếm hoi trong cả lưỡng đảng.
Theo RT ngày 12.12, trong bài báo có tiêu đề "Các nhà lập pháp Mỹ muốn dừng dự án đường ống dẫn khí của Nga tới châu Âu": "Vào thứ 2, CEO Rayner Zele của tập đoàn năng lượng Áo OMV tuyên bố rằng công ty này sẽ tiếp tục cung cấp tài chính cho đường ống vào năm tới. OMV đã đầu tư khoảng 531 triệu Euro (607 triệu USD) vào dự án. Vào đầu tháng 12, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cũng nói rằng việc Đức từ bỏ dự án sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu Nga vẫn tiếp tục thực hiện nó. Trước đó, Đức đã khiển trách bình phẩm của ông Trump về dự án sau khi tổng thống Mỹ cáo buộc Berlin trở thành một 'con tin' của Moscow, viện dẫn việc Đức phụ thuộc vào khí tự nhiên của Nga".
Nếu chính phủ Mỹ thất bại trong việc bóp nghẹt những nền kinh tế của các nước như Nga và Iran bằng cách lệnh trừng phạt thì bước tiếp theo có thể là một kiểu xâm lược vũ trang vào một đất nước mục tiêu nào đó. Trước khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, những lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã làm thiệt mạng từ 100.000 tới 500.000 trẻ em Iraq nhưng khi Mỹ xâm lược và phá hủy Iraq con số này còn khủng khiếp hơn nhiều.
Trừng phạt kinh tế là một nỗ lực để ép buộc một đất nước mục tiêu khiến nước đó đầu hàng mà không cần phải sử dụng quân đội. Nhưng các nước bị trừng phạt cũng luôn nằm trong tầm ném bom của Mỹ và sẽ bị chế ngự bằng cách này hay cách khác, trừ phi chính phủ Mỹ thoái lui tại một điểm nào đó.
Theo một nghiên cứu bao quát nhất về các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp thế giới thì có hơn 1.000 những căn cứ như vậy, cùng với rất nhiều các căn cứ quân sự không phải của Mỹ được đặt chung với nhau. Nghiên cứu này được xuất bản năm 1995. Và kể từ năm 1995, rất nhiều căn cứ quân sự của Mỹ được xây dựng và trang bị - như hàng chục các căn cứ quân sự chỉ ở trong một đất nước là Syria - Nơi mà chính phủ có chủ quyền chưa bao giờ mời Mỹ tới và nhiều lần yêu cầu Mỹ rời đi nhưng Mỹ đã từ chối. Hiện tại, chính phủ Mỹ chi tiêu hơn 1 nửa số tiền của mình vào các hoạt động quân sự trên thế giới.
Theo dõi sự kiện Đường ống Dòng chảy phương bắc II, những bên được hưởng lợi khi đường ống này không được hoàn thành và hoạt động sẽ là những nhà sản xuất khí hóa lỏng của Mỹ và các đồng minh Mỹ như Ả rập Xê-út và Israel. Thế Chiến III sẽ nổ ra nếu chính phủ Mỹ phục vụ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch của Mỹ (và đồng minh) mà bỏ qua các quan ngại về sự nóng lên toàn cầu hay hòa bình thế giới. Đây là những lợi ích mà về thực tế có thể gây ra chiến tranh trên toàn thế giới - Tuyên bố này không phải chỉ là một quan điểm: nó được thiết lập và chứng minh dựa trên thực tế. Đã có vô vàn các tài liệu nói lên thực tế này.