NHỮNG TOAN TÍNH CỦA NHÀ TRẮNG
Vụ đột kích “thành công” cũng là lúc xuất hiện những tranh cãi trong nội bộ Nhà Trắng. Chính quyền Obama lúc này đứng trước hai lựa chọn. Hoặc là giữ đúng cam kết với Kayani và Pasha, chỉ công bố thông tin sớm nhất sau đó 7 ngày; hoặc là công bố tức thì. Vụ nổ và đám cháy tại Abbottabad nằm ngoài dự tính và không thể giấu kín được, buộc dàn cố vấn chính trị tại Nhà Trắng thiên về giải pháp thứ hai. Chi tiết về chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố được công bố ngay sau đó.
Trong giới chức chóp bu, không phải ai cũng đồng ý với cách xử lý này. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gate là người phản đối mạnh nhất, ông nhấn mạnh cần phải giữ đúng lời hứa với phía Pakistan. Trong cuốn “Phận sự: Hồi ký của một bộ trưởng thời chiến (Duty: Memoirs of a Secretary at War”) xuất bản năm 2004, ông Gate thuật lại: “Trước khi Tổng thống bước lên cầu thang để công bố cho toàn dân Mỹ về điều gì đã diễn ra, tôi đã cảnh tỉnh họ là cần phải giữ kín mọi thông tin về kĩ thuật, chiến thuật, quy trình đặc nhiệm SEAL thực hiện trong chiến dịch tiêu diệt Bin Laden. Chỉ cần thông báo vắn tắt đã diệt được trùm khủng bố. Mọi người trong phòng họp đều đồng ý giữ im lặng. Thế nhưng cam kết chỉ tồn tại được đúng 5 giờ. Thông tin rò rỉ, bắt đầu là từ Nhà Trắng và CIA. Dường như họ không thể kìm hãm được việc phô trương chiến công. Tôi phát bực và nói với (Cố vấn An ninh Quốc gia) Tom Donilon: Tại sao không một ai giữ kín được chuyện quái quỷ kia vây?”.
Theo cựu quan chức tình báo giấu tên người Mỹ, bài phát biểu của ông Obama được soạn thảo một cách vội vã, kiểu như một văn bản chính trị, chứ không phải là một thông điệp. Vì lẽ đó mà có "sạn", với nhiều điểm được công bố khá mơ hồ, không logic, bộc lộ nhiều sơ hở, bị dư luận đặt dấu hỏi vài tuần sau đó. Ví như việc ông chủ Nhà Trắng nói rằng chính “hợp tác chống khủng bố với Pakistan đã giúp chúng tôi lần ra dấu vết của Bin Laden và khu nhà mà y đang ẩn náu” – điều gây nguy hiểm đến sinh mệnh chính trị của Kayani và Pasha. Ngay ngày hôm sau, John Brennan, cố vấn cấp cao đặc trách chống khủng bố của Nhà Trắng, lĩnh trách nói về sự “quả cảm” của ông Obama, đồng thời cố gắng “xoa dịu” những điểm còn thiếu sót trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ. Đại thể là vụ đột kích do đặc nhiệm SEAL tiến hành, họ được yêu cầu bắt sống Bin Laden nếu có thể và Mỹ không nhận được bất kì thông tin nào từ phía Pakistan giúp phát hiện, tiêu diệt trùm khủng bố…
Bước tiếp theo là buộc những người trực tiếp tham gia chiến dịch ở Abbottabad phải giữ im lặng. Cựu quan chức tình báo Mỹ tiết lộ với Hersh: Ngày 5/5/2011, tất cả các thành viên thuộc Đội SEAL-6 (lúc này đã được rút về căn cứ ở nam Virginia) và một số quan chức trong giới lãnh đạo của Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt (JSOP) nhận được yêu cầu viết cam kết không tiết lộ bí mật, nếu vi phạm sẽ bị xử lý bằng pháp luật. Đến tháng 9/2012 và nửa cuối năm 2014, Matt Bissonnette và Rob O’Neill thuộc Đội SEAL-6 ngày nào lần lượt viết hồi ký và trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ. Họ đã giải ngũ và tiết lộ của hai người có nhiều điểm mâu thuẫn lẫn nhau, nhưng tựu chung lại là đều mô tả đúng "phiên bản" của Nhà Trắng.
Rob O’Neill - cựu binh sĩ thuộc Đội SEAL-6, người từng tham gia chiến dịch tiêu diệt Bin Laden. Ảnh: Punditpress |
Chiến dịch truyền thông tiếp tục được chính quyền Washington đẩy cao. Lầu Năm góc trưng ra trước báo giới một loạt những cuộn băng video “do đặc nhiệm SEAL thu được”, cùng với đó là 15 máy tính, với lời bình luận đây là vụ “thu giữ tang vật quy mô lớn nhất từ trước đến nay” liên quan đến một kẻ khủng bố. Tư liệu và hình ảnh đều hướng vào câu chuyện: Bin Laden là thủ lĩnh của al-Qaeda, y là người chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật của mạng lưới khủng bố với trung tâm đầu não đặt tại Abbottabad…
Tại sao lại phải ‘vẽ’ ra một câu chuyện như vậy? Nhà Trắng muốn tạo ra ấn tượng rằng Bin Laden vẫn là người điều hành các chiến dịch khủng bố, là một nhân vật gây đe dọa tới Mỹ” - cựu quan chức tình báo Mỹ bày tỏ. Sâu sa hơn, Hersh cho rằng Nhà Trắng qua đây muốn đánh bóng hình ảnh, tô đậm “chiến thắng” cho ông Obama, coi đây là một thành công “chói sáng” nhất mà ông đạt được trong nhiệm kì. Đó là nhân tố “giúp” ông tái đắc cử trong kì bầu cử Tổng thống diễn ra năm 2012. Ở phía bên kia, Pasha và Kayani về nghỉ hưu và cả hai hiện được cho là đang bị điều tra vì tội tham nhũng trong thời gian đương chức.
Bài viết hơn 10.000 từ của Hersh được đăng tải trên tờ London Rivew of Book ngay lập tức đã khiến dư luận dậy sóng. Bản điện tử nghẽn mạng nhiều giờ vì lượng truy cập tăng đột biến. Nhà Trắng lên tiếng phản bác. Ngày 11/5, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Price tuyên bố, các chi tiết trong bài viết không chính xác, vô lý, khác xa với kết quả các cuộc điều tra do chính quyền Mỹ tiến hành. Truyền thông và giới chuyên gia cũng vào cuộc, một số ngờ vực tính chính xác trong thông tin mà Hersh đưa ra, vì đối tượng mà ông phỏng vấn là những nguồn tin mập mờ kiểu “vô danh”. Nguồn tin hữu danh duy nhất là Asad Durrani - cựu Giám đốc ISI, thì lại là người về nghỉ hưu từ năm 1993.
Trả lời phỏng vấn tờ “Democracy Now” ngày 12/5, Hersh vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Ông nói đúng là có chuyện ông Obama ra lệnh đột kích, đội SEAL-6 thực hiện nhiệm vụ, giết chết Bin Laden, mang xác đi. Chỉ có vậy mà thôi, mọi thứ còn lại thì hoàn toàn là thêu dệt. Nhà báo điều tra kì cựu này khẳng định, không hề có cái gọi là “thuyết âm mưu” trong sản phẩm của ông, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ kiểm soát thông tin. Mỹ có các công cụ để kiểm soát, chi phối thông tin, Pakistan cũng vậy và đều có các mục đích riêng. Vụ giết hại Bin Laden có điểm giống với cái gọi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, cái cớ để Mỹ phát động cuộc chiến tranh nhằm lật đổ chế độ Saddam Hussein - điều mà chính Nhà Trắng sau này đã thừa nhận là không có thực.
Hersh đồng thời nhấn mạnh, điểm quan trọng không phải là ông “tả cái gì đã diễn ra”, mà là trích dẫn các nguồn tin. Liên quan đến giấu nguồn, Hersh khẳng định đây là điều cần thiết, “vì không một phóng viên nào muốn tiết lộ nguồn dưới chính quyền hiện nay”. Ông lấy ngay dẫn chứng vụ việc mới nhất: Ngày 11/5 vừa qua, cựu nhân viên CIA Jeffrey Sterling đã bị kết án ba năm rưỡi tù giam, vì hành vi tiết lộ thông tin mật với nhà báo James Risen của tờ New York Times. Trong cuộc trò chuyện, Sterling có nói về những bước đi của giới chức Mỹ nhằm làm gián đoạn chương trình hạt nhân của Iran. Theo: Báo Tin Tức