Đại chiến thương mại với Mỹ: Trung Quốc đã thành "con voi lớn", giấu không nổi, tránh không xong

VietTimes -- Trung Quốc hiện nay đã là một con voi lớn, thực sự đã "giấu" không nổi, "tránh" không xong, quan hệ Trung - Mỹ đã bước vào thời đại cạnh tranh, đàm phán thương mại ngày càng giảm cấp độ, khó có thể giải quyết trong thời gian tới.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass. Ảnh: Ifeng.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass. Ảnh: Ifeng.

Tờ Minh báo Hồng Kông ngày 19/8 có bài viết cho rằng trong vài ngày tới, đàm phán thương mại Trung - Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành, đại diện hai bên lần lượt là Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn và Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass.
Đàm phán Trung - Mỹ từ cấp nguyên thủ đến Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại, rồi đến cấp Thứ trưởng hiện nay, cấp độ ngày càng thấp, cho thấy quan hệ Trung - Mỹ ngày càng trở nên bế tắc.
Cuộc đàm phán lần này có cấp độ thấp cũng cho thấy hai bên khó có thể đạt được thành quả đột phá. Trước đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn chưa thể đưa ra thỏa thuận mà Mỹ có thể chấp nhận. Nếu Mỹ không được đối xử công bằng, sẽ không "đạt được bất cứ kết quả nào".
Các loại dấu hiệu cho thấy chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ không sớm kết thúc, rất có thể lặp lại quá trình đàm phán về chiến tranh Triều Tiên và đàm phán cấp Đại sứ Trung - Mỹ trong các thập niên 1950 - 1970, khi đó hai bên vừa đàm vừa đánh, thời gian kéo dài.
Đàm phán đình chiến cuộc chiến tranh Triều Tiên từ tháng 7/1951 đến ngày 27/7/1953 mới ký được thỏa thuận đình chiến, thời gian hai năm khi đó là vừa đàm vừa đánh.
Hội đàm cấp Đại sứ Trung - Mỹ được bắt đầu tiến hành ở Geneva từ ngày 1/8/1955 giữa Đại sứ hai nước ở châu Âu, sau đó địa điểm đàm phán di chuyển đến thủ đô Ba Lan, cho đến ngày 20/2/1970, trong gần 15 năm đàm phán tổng cộng 136 lần, có thể được coi là đàm phán ma-ra-tông hiếm có trong lịch sử ngoại giao thế giới.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn. Ảnh: Ifeng.
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn. Ảnh: Ifeng.

Đàm phán về chiến tranh thương mại Trung - Mỹ lần này giữa hai bên mới diễn ra từ tháng 5/2018 đến nay (3 tháng), do xung đột thương mại hai nước xảy ra bởi mâu thuẫn kết cấu, tuyệt đối không thể giải quyết được bởi các cuộc đàm phán công tác cấp Thứ trưởng.
Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh lần này là "nhận lời mời của phía Mỹ", đồng thời tái khẳng định "phản đối cách làm chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, không chấp nhận bất cứ biện pháp hạn chế thương mại đơn phương nào"; chỉ sẵn sàng "triển khai đối thoại và trao đổi trên nền tảng đối đẳng, bình đẳng, chân thành".
Điều này cho thấy thành quả vài cuộc đàm phán trước đó liên tiếp bị Mỹ đổi ý, Bắc Kinh giữ thái độ thận trọng. Trong khi đó, về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump và Cố vấn kinh tế Larry Kudlow nhấn mạnh rằng Trung Quốc "muốn đàm phán", đồng thời cảnh cáo Bắc Kinh chớ có đánh giá thấp "quyết tâm" của Mỹ.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass chủ yếu phụ trách các lĩnh vực như tài chính, thương mại dịch vụ, trong khi đó thương mại dịch vụ lại là nguồn gốc xuất siêu lớn nhất của thương mại với Trung Quốc của Mỹ, 10 năm qua hoạt động xuất siêu này đã tăng 33,7 lần.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại Bắc Kinh sử dụng con bài thương mại dịch vụ này, có thể điều chuyên gia thương mại dịch vụ để tìm hiểu, đồng thời cũng có thể gây sức ép với Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, sự bất đồng tiếp tục trong nội bộ chính phủ Mỹ cũng làm cho cuộc đàm phán này khó đạt được thành quả. Đối thủ đàm phán lần này của Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn hoàn toàn không phải là Bộ Thương mại mà là Bộ Tài chính Mỹ.
Mọi người đều biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin là "phe bồ câu" của chiến tranh thương mại với Trung Quốc trong ê-kíp của ông Donald Trump, cùng với việc ông và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nỗ lực tái khởi động đàm phán lần này, phiên điều trần công khai về tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD mà Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ dự tính thực hiện cũng sẽ bắt đầu vào ngày 20/8/2018. Cuộc đàm phán lần này triển khai trong bầu không khí u ám, khó có thể đạt được thành quả đáng mừng.
Do kinh tế Trung Quốc gần đây xuất hiện dấu hiệu đi xuống, ngược lại, kinh tế Mỹ mạnh lên. Hơn nữa, trong chiến tranh thương mại, Mỹ tập trung "tấn công”, còn Trung Quốc tập trung "phòng thủ", vì vậy thường thì người ta tin rằng Mỹ có thể chiếm ưu thế trên bàn đàm phán.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết kinh tế Trung Quốc rất kém, đang tan vỡ, người dân đang bán tháo đồng nhân dân tệ, nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Nhưng nhìn vào biểu hiện của thị trường chứng khoán nội địa, người dân Trung Quốc đã chấp nhận ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, nhân tố tiêu cực có thể đã hết. Trái lại, trong môi trường leo thang chiến tranh thương mại, các công ty niêm yết Mỹ mắc nợ cao và được định giá cao làm cho chứng khoán Mỹ bị đẩy lên cao, một khi quay đầu đi xuống thì lãi suất của đồng USD khó có thể tiếp tục, ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ.
Hơn nữa, Mỹ một mặt thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục đi xuống, một mặt lại gây sức ép cho chính phủ Trung Quốc tăng tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ, loại “ra giá” này e rằng muốn có được ưu thế chiến lược mang tính áp đảo mới có thể thực hiện.

Đối đầu chiến lược Trung - Mỹ sẽ kéo dài. Ảnh: Ifeng.
Đối đầu chiến lược Trung - Mỹ sẽ kéo dài. Ảnh: Ifeng.

Mỹ phát động chiến tranh thương mại đối với Trung Quốc không chỉ có xung đột thương mại, mà còn là một bộ phận quan trọng trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy của Mỹ.
Cuộc chiến tranh thương mại này đã vượt qua phạm trù tranh chấp thương mại, đang lan sang rất nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh và giao lưu nhân văn Trung - Mỹ, đã cản trở nghiêm trọng sự phát triển bình thường của quan hệ Trung - Mỹ.
Cuộc chiến tranh thương mại thực ra đã cho thấy kết thúc thời đại Trung Quốc "đi tàu nhanh" sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc và Mỹ đã bước vào thời đại cạnh tranh.
Khi mới đầu gia nhập WTO, quy mô kinh tế toàn cầu của Trung Quốc không bằng một nửa Nhật Bản, không bằng 1/5 Mỹ, nhỏ hơn cả ASEAN. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đã gấp 3 Nhật bản, tiếp cận 2/3 Mỹ.
Nếu nói khi ông Đặng Tiểu Bình đưa ra chủ trương "giấu mình chờ thời", Trung Quốc chỉ là một con thỏ trắng, thì Trung Quốc hiện nay đã là một con voi lớn, thực sự đã "giấu" không nổi, "tránh" không xong. Quan hệ Trung - Mỹ đã không thể quay trở lại trước đây, chỉ có thể tái điều chỉnh trong tình hình mới.
Tờ Minh báo cho rằng Trung Quốc mặc dù không sẵn sàng tiến hành chiến tranh thương mại, nhưng không thể không "đánh", cho dù cuộc chiến tranh thương mại này phần nào đã làm gia tăng rủi ro bên ngoài và áp lực đi xuống cho kinh tế Trung Quốc. Mặt cơ bản của kinh tế Trung Quốc vẫn được coi là ổn định, vẫn có đủ khả năng "dẻo dai", có dư địa để ứng phó tác động.
Chính phủ Trung Quốc có thể biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội để đi sâu cải cách, đẩy mạnh kích thích thị trường trong nước, cải thiện môi trường thương mại trong nước, xây dựng được một cơ chế làm ăn kinh doanh công bằng, hợp lý, hiệu quả.
Đồng thời, Trung Quốc có thể kiên trì thúc đẩy cải cách mở cửa, kiên định phát triển tự thân, đẩy nhanh điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, gia tăng mức độ sáng tạo khoa học công nghệ, ổn định những ảnh hưởng dự tính từ các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Do đó, Mỹ muốn ép Trung Quốc chấp nhận các thỏa thuận "bất đắc dĩ" là điều không dễ dàng - tờ Minh báo Hồng Kông kết luận.