|
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra chính sách "Make in India" để tìm cách làm cho Ấn Độ từng bước giảm lệ thuộc vào nhập khẩu vũ khí trang bị. Ảnh: The Financial Express. |
Mạng tin tức Zee Ấn Độ gần đây đăng bài viết "Made in India: Các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Mỹ muốn nắm quyền kiểm soát công nghệ, nhưng không muốn chịu bất cứ trách nhiệm nào".
Bài viết cho rằng căn cứ vào một bức thư được một tổ chức vận động doanh nghiệp gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, để kiếm được các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Mỹ sẵn sàng lập dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ, nhưng họ muốn Ấn Độ phải cam kết không để họ mất đi công nghệ độc quyền.
Những doanh nghiệp này còn cho biết họ không muốn chịu bất cứ trách nhiệm nào khi để thiếu các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty liên doanh Ấn Độ. Những hợp tác này được thực hiện theo chủ trương "Made in India" của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Modi muốn sử dụng kế hoạch này để thúc đẩy phát triển công nghiệp quân sự ở Ấn Độ.
Công ty Lockheed Martin và công ty Boeing đã cùng tham gia tranh thầu chương trình máy bay chiến đấu của quân đội Ấn Độ. Do máy bay chiến đấu MiG thời kỳ Liên Xô liên tục nghỉ hưu, con đường nội địa hóa 30 năm qua của Ấn Độ lại bị trì hoãn, khiến cho quân đội Ấn Độ hiện thiếu tới vài trăm máy bay chiến đấu.
Công ty Lockheed Martin căn cứ vào mô hình quan hệ đối tác chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, lựa chọn công ty hệ thống cao cấp Tatar (TASL) làm đối tác hợp tác của mình. Mô hình mới này của Ấn Độ quy định, khi thành lập công ty liên doanh với doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ, các nhà chế tạo thiết bị gốc phía Mỹ (OEM) có thể nắm được cổ phần cao nhất (49%), doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ sẽ giữ cổ phần đa số.
Gần đây, Ủy ban thương mại Mỹ - Ấn (USIBC) gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ yêu cầu phía Ấn Độ cam kết doanh nghiệp Mỹ sẽ không bị mất đi quyền kiểm soát đối với các công nghệ nhạy cảm - cho dù doanh nghiệp Mỹ là đối tác thứ yếu trong công ty liên doanh.
Trong thư ngày 3/8, cơ quan vận động thương mại này cho rằng: "Đối với tất cả các công ty có ý định thiết lập quan hệ hợp tác công nghiệp quân sự với công ty Ấn Độ, quyền kiểm soát công nghệ độc quyền là một nỗi lo lớn". Tổ chức vận động này đại diện cho 400 công ty.
Bức thư viết: "Khi lập quan hệ đối tác với OEM, các công ty 'đối tác chiến lược' Ấn Độ phải để cho OEM được tiếp tục giữ quyền kiểm soát đối với công nghệ độc quyền". Bức thư nhấn mạnh điều này không được quy định rõ trong các văn kiện chính sách.
Chuyển nhượng công nghệ là nội dung cốt lõi trong xây dựng nền công nghiệp mới ở Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm không để Ấn Độ tiếp tục lệ thuộc vào nhập khẩu. Những năm gần đây, do nhập khẩu rất lớn, Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu vũ khí số một thế giới.
Các thỏa thuận vũ khí trước đây không quy định phải chuyển nhượng công nghệ hoàn toàn, vì vậy công nghiệp quân sự Ấn Độ do doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo đã cơ bản trở thành công nghiệp lắp ráp đồng bộ các linh kiện. Kể cả xe tăng và máy bay chiến đấu - những trang bị sản xuất theo giấy phép nước ngoài cũng không ngoại lệ.
Cố vấn của ông Narenda Modi thề sẽ thay đổi mọi thứ, kiên trì yêu cầu chuyển nhượng công nghệ, hy vọng Ấn Độ được phép thiết kế và chế tạo những trang bị quân sự quan trọng.
Benjamin Schwarz, giám đốc USIBC về quốc phòng và hàng không vũ trụ cho rằng chính sách mới của Ấn Độ đã cung cấp cơ hội cho các công ty Mỹ và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác, nhưng làm cho doanh nghiệp đối mặt với một số vấn đề.
Ông Benjamin Schwarz cho biết ông không dự định nói rõ rốt cuộc là những công ty này cảm thấy lo ngại đối với chính sách này của Ấn Độ, nhưng "họ phổ biến hy vọng" rằng Ấn Độ "làm rõ hơn" một số phương diện như quyền kiểm soát những công nghệ độc quyền.
USIBC còn tiến hành phản đối một điều khoản trong quy định mới, đó là các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm liên đới với các trang bị cung cấp cho phía quân đội. Tổ chức này cho rằng trách nhiệm pháp lý là một nhân tố quan trọng trong quyết sách của các công ty.
USIBC nói: "Chúng tôi kiến nghị Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố, OEM không phải chịu trách nhiệm đối với những thiếu sót vượt khả năng kiểm soát".
P. Kumar - tổng giám đốc thị trường Ấn Độ của công ty Boeing cho rằng mối lo ngại thực sự tồn tại, bởi vì các công ty tư nhân Ấn Độ "không có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ". Công ty Boeing hiện đang tham gia tranh thầu hợp đồng máy bay trang bị cho tàu sân bay của Ấn Độ, họ dự định bán máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet cho Ấn Độ.
Chỉ có công ty TNHH hàng không Hindustan (công ty nhà nước) Ấn Độ từng có kinh nghiệm chế tạo máy bay chiến đấu theo giấy phép, trong khi đó một số công ty tư nhân bắt đầu từ con số không, thậm chí chưa từng chế tạo bất cứ linh kiện nào của máy bay.
P. Kumar cho rằng không có bất cứ bằng chứng nào trên thế giới này có thể khẳng định những công ty tư nhân có kinh nghiệm hạn chế có thể chế tạo được máy bay nhờ chuyển nhượng công nghệ.
Theo tổng giám đốc P. Kumar: "Hãy nhìn Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Brazil. Tất cả đều không có ngoại lệ. Năng lực của các công ty tư nhân đều phải chờ được tăng cường".
Bộ Quốc phòng Ấn Độ không đưa ra phản hồi đối với những lo ngại của tổ chức vận động thương mại trên liên quan đến mô hình quan hệ đối tác chiến lược. Trong tương lai, mô hình này cũng sẽ dùng cho các nhà chế tạo tàu ngầm và máy bay trực thăng.
Nhưng một quan chức cho biết trước đó chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố nếu các công ty nước ngoài mang đến các công nghệ tiên tiến nhất thì họ có thể được cho giữ tỷ lệ cổ phần trên 49%. Quan chức này nói: “Có thể xử lý đối với từng trường hợp cụ thể”.
Chủ tịch Mukesh Aghi của Diễn đàn quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn cho rằng mặc dù khi bắt đầu đã xuất hiện một số vấn đề, nhưng chế tạo vũ khí chắc chắn sẽ trở thành khâu đột phá của quan hệ Ấn - Mỹ.
"Đây là việc lớn tiếp theo. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sức ủng hộ triển khai công việc này".