Trang tin Sina (Trung Quốc) ngày 26/6 cho hay Chính phủ Mỹ tuyên bố đã phê chuẩn bán máy bay do thám không người lái MQ-9B cho Ấn Độ giúp cho Ấn Độ triển khai hoạt động trinh sát trên Ấn Độ Dương.
Mua vũ khí đối phó Trung Quốc và Pakistan
Hợp đồng này trị giá trên 2 tỷ USD, được công bố trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Mỹ. Máy bay do thám không người lái MQ-9B do Công ty hệ thống hàng không thông dụng (GA-ASI) Mỹ sản xuất.
Công ty GA-ASI rất hài lòng với quyết định lần này của chính phủ Mỹ. Hợp đồng này sẽ trình Quốc hội Mỹ xem xét thông qua vào tuần tới. Do môi trường quốc tế và vị trí địa lý đặc biệt của Ấn Độ, hợp đồng này sẽ không có bất cứ trở ngại gì khi thông qua tại Quốc hội Mỹ.
Đây là lần đầu tiên máy bay không người lái MQ-9B tiên tiến của Mỹ được xuất khẩu tới quốc gia ngoài NATO, cho thấy hợp tác chiến lược Mỹ - Ấn đã nâng lên tầm cao mới.
Hiện nay, Mỹ và Ấn Độ đã có quan hệ “đối tác quốc phòng quan trọng”. Điều này được khẳng định rất rõ trong thời đại cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Việc công bố hợp đồng này trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm làm nổi bật mối quan hệ này.
Lần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiến hành chuyến thăm Mỹ trong thời gian 2 ngày (từ ngày 25 – 26/6/2017). Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong ngày 26/6. Nhà lãnh đạo hai nước đã dành cho nhau cái ôm thân mật, thể hiện quan hệ Mỹ - Ấn đang rất tốt đẹp.
Được biết, ngoài hợp đồng về UAV MQ-9B, Ấn Độ và Mỹ còn đạt được hợp đồng về việc Mỹ bán 100 máy bay dân dụng và cung cấp khí đốt dài hạn cho Ấn Độ. Ngoài ra, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua hợp đồng trị giá 366 triệu USD nhằm bán máy bay vận tải C-17 của hãng Boeing cho Ấn Độ.
Đánh giá về UAV MQ-9B, trang tin Sina cho rằng UAV này nhiều nhất có thể đồng thời mang theo 4 quả tên lửa AGM-114 Hellfire và 2 quả bom dẫn đường laser GBU-12 Paveway II. Ngoài ra, MQ-9B còn có thể lắp đạn tấn công trực tiếp liên hợp (JDAM) và tên lửa AIM-9.
MQ-9B đã mở ra mô hình mới của chiến tranh UAV kết hợp cả trinh sát và tấn công, đã dẫn dắt trào lưu phát triển UAV của thế giới. Trong trào lưu này, Trung Quốc đã phát triển ra sản phẩm của họ và thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều nước Trung Đông đã sử dụng UAV Trung Quốc trong chiến đấu thực tế.
Trái ngược với những tiến bộ to lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển UAV, Ấn Độ hiện nay còn lạc hậu trong việc nghiên cứu phát triển UAV. Vì vậy, Ấn Độ quyết định nhập khẩu UAV MQ-9B của Mỹ.
MQ-9B không chỉ được Ấn Độ sử dụng cho hoạt động do thám ở Ấn Độ Dương, mà còn sử dụng làm vũ khí tấn công một cách đáng gờm. MQ-9B của Mỹ đã đạt được nhiều chiến tích trong các cuộc chiến tranh cục bộ và cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Mỹ và các đồng minh NATO đều đã trang bị loại UAV này.
Lần này, Mỹ quyết định xuất khẩu MQ-9B cho Ấn Độ cũng nhằm mục đích gây nhiều khó khăn hơn cho Trung Quốc, thậm chí có thể dùng để đối phó với Pakistan. Hiện nay, Ấn Độ sở hữu nhiều loại trang bị do Mỹ chế tạo, bao gồm máy bay vận tải C-17 và máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon, máy bay chiến đấu F-16 Block 70 (hợp tác sản xuất).
Ấn Độ là nước mua sắm vũ khí lớn trên thế giới và nguồn cung vũ khí rất đa dạng – ngoài Mỹ còn có Nga, Pháp và nhiều nước khác. Trong tương lai, Ấn Độ cũng có thể mua sắm máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Mặc dù Ấn Độ có nhiều tham vọng trong phát triển nền công nghiệp quốc phòng trong nước, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tranh chấp biên giới lại căng thẳng
Việc mua sắm vũ khí trang bị, tăng cường sức mạnh quân sự của Ấn Độ chủ yếu là để đối phó với Trung Quốc và Pakistan – hai nước đều tồn tại tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ.
Đáng chú ý, gần đây, giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại xảy ra một sự cố ở khu vực biên giới. Theo tuyên truyền của phía Trung Quốc, lực lượng biên phòng của Ấn Độ đã “vượt biên” sang phía lãnh thổ Trung Quốc.
Ngày 27/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết: “Gần đây khi Trung Quốc tiến hành thi công đường ở khu vực Động Lãng, đã bị quân đội Ấn Độ vượt biên ngăn chặn”. Trung Quốc cho rằng đoạn Sikkim này thuộc “chủ quyền” của họ, Ấn Độ không có quyền can thiệp.
Tranh chấp biên giới giữa Ấn - Trung, Ấn Độ - Pakistan đã có từ lâu và đến nay vẫn thường xuyên diễn ra, có lúc gây ra căng thẳng lớn cho cả hai bên. Việc Ấn Độ và Pakistan vừa trở thành thành viên chính thức của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) đã kéo theo vào thách thức lớn này.