Mỹ cảnh báo nguy cơ “đảo nổi di động” Trung Quốc ở Biển Đông

Không chỉ ồ ạt mở rộng, cải tạo các bãi đá, rạn san hô thành đảo nhân tạo, Trung Quốc hiện nay cũng đang sản xuất hàng loạt các “đảo nổi di động” có thể được sử dụng cho mục đích quân sự tại Biển Đông, The National Interest ngày 20/4 cảnh báo.
Trung Quốc đang gấp rút phát triển hàng loạt các đảo nổi di động làm căn cứ hỗ trợ cho tham vọng lãnh thổ
Trung Quốc đang gấp rút phát triển hàng loạt các đảo nổi di động làm căn cứ hỗ trợ cho tham vọng lãnh thổ

Hai chuyên gia Mỹ là Jeffrey Lin và P.W. Singer vừa cảnh báo về nguy cơ từ các hòn “đảo di động” của Trung Quốc. Họ cho biết những “hòn đảo di động” sẽ có hai doanh doanh nghiệp Trung Quốc là Tập đoàn phát triển Jidong (JDG) và Công ty công nghiệp Hải Nam Hai xây dựng. Những “hòn đảo di động” trước tiên được sử dụng vào việc khai thác dầu khí tại khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, hai chuyên gia Lin và Singer cũng cho biết, một sĩ quân quân đội Trung Quốc phát biểu tại một cuộc họp báo rằng những hòn đảo nổi cũng có nhiều mục đích quân sự. “Các hòn đảo nổi có thể hỗ trợ các nhiệm vụ dân sự cũng như quân sự, bao gồm tiếp tế, sàn đậu cho sân bay và căn cứ cho các xe đổ bộ quân sự”, hai tác giả viết.

Họ lưu ý rằng Tập đoàn phát triển Jidong thiết kế các hòn đảo nổi theo dạng mô đun, được ghép lại từ nhiều kết cấu nửa chìm nửa nổi và ban đầu  đưa ra 3 loại kích cỡ đảo khác nhau. Loại đảo nổi nhỏ nhất dài 300m, rộng 90m; loại lớn nhất có kích thước dài 900m, rộng 120m. Các thiết kế đảo nổi dạng mô đun sẽ cho phép chúng dễ dàng mở rộng kích thước. Các tác giả đánh giá 3 kiểu đảo nổi có thể chuyên chở 400 ngàn đến 1,5 triệu tấn đến bất cứ đâu và có khả năng di chuyển với tốc độ 16km/giờ.

Hai tác giả nêu rõ, thiết kế cho phép các đảo nổi đạt kích cỡ lớn hơn bằng cách ghép nối thêm nhiều hơn các mô đun nửa chìm như xếp hình lego. Mặc dù các mô đun có kích thước lớn, các đảonổi có thể dễ dàng lắp ghép lại với nhau ngoài khơi. Thiết kế dạng mô đun cũng khiến cho các đảo nổi trở nên khó đánh chìm hơn.

Máy tính phát triển hình ảnh đã mô phỏng một hòn đảo nổi nhấn mạnh nó có thể đạt tới độ dài đáng kinh ngạc là 2km. “Những căn cứ khổng lồ như vậy có thể chứa cả tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và một phi đội máy bay tiêm kích/tấn công. Và không giống như các căn cứ trên các đảo cố định, chúng có thể được tái triển khai ngoài tầm bắn của tên lửa đối phương”, các chuyên gia phân tích.

Hòa bình ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ

Theo TNI, những thông tin trên càng khiến dư luận thêm lo ngại về các ý định của Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh hiện đang tăng cường củng cố khả năng quân sự trên khu vực Biển Đông, chẳng hạn như việc chuẩn bị áp đặt một vùng nhận diện phòng không mới tại vùng biển tranh chấp. Trong nỗ lực này, Trung Quốc đã biến các rạn san hô thành các hòn đảo nhân tạo thông qua việc cải tạo đất ồ ạt và đang gấp rút xây dựng đường băng và cầu cảng trên đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa.

Đường băng dành cho máy bay đang được gấp rút xây dựng trên đá Chữ Thập
Đường băng dành cho máy bay đang được gấp rút xây dựng trên đá Chữ Thập

TNI cho rằng Mỹ tìm cách duy trì thế thượng phong về chiến lược và quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, nhưng các công cụ ngoại giao truyền thống và biểu dương sức mạnh quân sự tỏ ra kém hiệu quả trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang tăng tốc thách thức  trật tự quốc tế do Mỹ tạo dựng (Pax Americana) sau thế chiến hai, và đẩy xa sự hiện diện các đường biên giới an ninh của nước này tới khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với các nước thành viên ASEAN với các yêu sách chủ quyền phi lý và hành động khiêu khích.

 TNI nêu rõ, lợi ích an ninh của Mỹ tại Biển Đông đã bị Trung Quốc thách thức. Chủ quyền của nhiều nước ASEAN bị hoạt động đánh cá cũng như khai thác năng lượng phi pháp trong vùng đặc quyền đe dọa. Khu vực trở nên mất ổn định do Trung Quốc yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Nguy cơ mới nhất đến từ nỗ lực cải tạo, xây đảo nhân tạo trước đó không hề tồn tại nhằm mở rộng sức mạnh quân sự và hỗ trợ các chiến dịch quân sự tiềm tàng, hạm đội tàu cá và tham vọng khai thác dầu khí.

Trung Quốc tìm cách thống trị lâu dài các khuynh hướng chiến lược và kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng Mỹ có thể đối phó và duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực với một chiến lược rõ ràng. Hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và giao thương không bị ngăn trở chính là lợi ích quốc gia của Mỹ tại Biển Đông.

Trung Quốc đang cố hủy hoại một số lợi ích then chốt đó. TNI cho rằng, Mỹ thường nói không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, song nên khôn ngoan tăng cường hỗ trợ và bảo vệ các đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương, chính là sự bày tỏ thái độ.

Giới chức Mỹ tin rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ đem lại sự ổn định và góp phần vào môi trường an ninh, tránh căng thẳng leo thang và xung đột tại Biển Đông. Bắc Kinh leo thang khiêu khích mà không gặp hậu quả cho thấy Mỹ cần phải điều chỉnh hành động. Mỹ cần phải thừa nhận thực trạng một châu Á-Thái Bình Dương mới, bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như chủ quyền của các đồng minh và đối tác trong khu vực này.

Theo QPAN