|
Bức ảnh được hãng Maxar chụp ngày 1/11/2021 cho thấy lực lượng mặt đất của Nga ở Yelnya, Nga (Ảnh: Maxar Technologies) |
Tiếp đón Ngoại trưởng Ukraine tới thăm Washington trong hôm 10/11 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ “quan ngại trước những báo cáo về hoạt động bất thường của Nga ở sát Ukraine”.
“Chúng tôi chưa biết rõ về ý định của Moscow, nhưng chúng tôi biết hết chiêu bài của họ” – ông Blinken nói trong một cuộc họp báo chung – “Quan ngại của chúng tôi là Nga có thể tạo ra sai lầm nghiêm trọng như họ từng làm trong năm 2014, thời điểm mà họ tụ quân dọc biên giới, đi vào vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine và tuyên bố rằng họ bị khiêu khích.”
“Cam kết của chúng tôi đối với chủ quyền của Ukraine, với sự độc lập của nó, sự toàn vẹn lãnh thổ của nó là vững chắc, và cộng động quốc tế sẽ nhìn thấy rõ điều đó khi Nga có bất kỳ nỗ lực nào nhằm tái hiện chiến lược trước đây của họ” – ông Blinken nói thêm.
Chính sách của Mỹ về Ukraine có thể "hủy hoại" NATO
Ukraine đã lao vào một cuộc chiến với những người ly khai thân Nga ở khu vực miền Đông nước này kể từ năm 2014, sau khi Crimea trở lại thành một phần lãnh thổ của Nga. Moscow đã đưa ra phản ứng như vậy sau khi các cuộc biểu tình rầm rộ ở Ukraine đã lật đổ vị tổng thống ở nước này.
Tháng 3 năm nay, Nga được cho là đã điều động 100.000 binh sĩ tới khu vực biên giới Ukraine. Mặc dù sau đó Moscow ra lệnh rút quân, nhưng Ukraine và Mỹ thời điểm đó cho rằng việc rút quân rất hạn chế.
Trong chuyến thăm Washington, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Ukraine mong muốn hợp tác với Mỹ để tăng cường khả năng tự vệ và “không có ý định tấn công bất cứ ai”.
Bộ Quốc phòng Ukraine hồi tuần trước cho hay khoảng 90.000 binh sĩ Nga đang đóng ở vị trí cách biên giới không xa và ở trong nhiều khu vực mà lực lượng ly khai miền Đông đang kiểm soát. Họ nói rằng, nhiều đơn vị binh sĩ của Nga đóng ở Yelnya, cách biên giới Ukraine khoảng 260 km.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng việc điều động binh sĩ của Nga là “bất thường xét cả về quy mô lẫn phạm vi”. “Chúng tôi kêu gọi Nga làm rõ ý định của họ và tuân thủ thỏa thuận Minsk”, ông nói.
Nhiều tên lửa "nhắm vào Moscow": Ukraine lớn tiếng đe dọa sẽ san phẳng nước Nga
Bình luận trên được đưa ra sau một chuyến thăm hiếm thấy của Giám đốc CIA William Burns tới Moscow hồi tuần trước, và có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hãng CNN nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử ông Burns – vốn là cựu Đại sứ Mỹ tại Moscow – thực hiện chuyến đi này để nêu vấn đề binh sĩ Nga ở biên giới Ukraine một cách trực tiếp với Kremlin.
Phía Mỹ cũng nêu quan ngại rằng Nga có thể sẽ sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị để gây ra khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, ông Blinken nói, thêm rằng Washington cam kết sẽ có hành động phù hợp, cùng với Đức, nếu như Moscow lựa chọn cách hành động như vậy.
Nhiều nước phương Tây cáo buộc Nga ém nguồn cung năng lượng ngay giữa lúc giá khí đốt tăng cao kỷ lục, nhưng Tổng thống Putin đổ lỗi cho chính sách năng lượng của EU và nói rằng Nga có thể tăng nguồn cung cho châu Âu ngay khi đường ống dẫn khí Nord Stream 2 được phê duyệt.
Washington phản đối đường ống dẫn khí 11 tỉ USD – hiện đã sắp hoàn thành – chạy bên dưới biển Baltic, mang khí đốt từ vùng Cực Bắc của Nga tới Đức. Dự án này cũng hứng phải sự phản đối cực lực từ Ukraine và Ba Lan, là hai nước mà đường ống này đi qua.
Chính quyền Biden đã quyết định không trừng phạt nhà điều hành đường ống dẫn khí này và đạt được một thỏa thuận với Đức trong tháng 7 vừa qua. Đức nhất trí sẽ có hành động nếu Nga sử dụng năng lượng như vũ khí trong mối quan hệ với Ukraine, nhưng thỏa thuận lại không nêu tiêu chí cụ thể để quy định như thế nào thì bị gọi là vũ khí hóa năng lượng.