Cần 500 tỷ USD chế tạo tàu chiến
Hãng tin CNA Đài Loan ngày 10 tháng 1 dẫn các nguồn tin cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu cấp 500 tỷ USD để chế tạo nhiều tàu chiến hơn nhằm đối phó với cạnh tranh trên biển ngày càng lớn từ Trung Quốc và sự trỗi dậy của Nga.
Hiện nay Mỹ có tổng cộng 274 tàu chiến, giảm rất nhiều so với 594 tàu chiến thời kỳ đỉnh cao nhất năm 1987. Kế hoạch đóng tàu mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ nâng tổng số tàu chiến lên 355 chiếc.
Bài báo tiết lộ, kế hoạch này bao gồm chế tạo 1 tàu sân bay, 16 tàu chiến mặt nước và 18 tàu ngầm tấn công, ngoài ra còn muốn chế tạo nhiều hơn tàu tấn công đổ bộ, tàu vận tải và tàu chi viện hậu cần.
Trong thời gian tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng đưa ra chính sách "lấy thực lực để tìm kiếm hòa bình", trong đó bao gồm xây dựng một lực lượng hải quân có 350 tàu chiến, đồng thời tăng 60.000 binh sĩ lục quân, 12.000 binh sĩ thủy quân lục chiến và ít nhất 100 máy bay chiến đấu.
Nhưng, hiện nay hoàn toàn chưa rõ Tân Tổng thống Donald Trump sau này có giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ Quốc hội Đảng Cộng hòa giữ thái độ bảo thủ đối với chính sách tài chính hay không.
Triển khai 16 máy bay F-35 ở Nhật Bản để răn đe đối thủ
Tờ Sputnik Nga ngày 11 tháng 1 cho hay lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã điều máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới nhất F-35 tới Nhật Bản.
Chính quyền thành phố Iwakuni (tỉnh Yamaguchi) Nhật Bản phê chuẩn cho căn cứ quân Mỹ triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Kế hoạch của Mỹ bao gồm triển khai 16 máy bay chiến đấu F-35 ở căn cứ quân Mỹ tại Iwakuni vào tháng 1 năm 2017 để thay thế cho máy bay chiến đấu F/A-18 và máy bay AV-8 cũ.
Triển khai máy bay chiến đấu F-35 ở Nhật Bản là một sự điều động tác chiến ở nước ngoài đầu tiên của những máy bay chiến đấu này.
Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phê phán máy bay chiến đấu đa dụng tàng hình F-35 có giá thành đắt đỏ. Chương trình F-35 của Công ty Lockheed - Martin đã tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD của người nộp thuế.
Trong khi đó, tờ Tin tức Quốc phòng Mỹ ngày 10 tháng 1 dẫn lời người phát ngôn Thủy quân lục chiến Mỹ Kurt Stahl cho hay 10 máy bay chiến đấu F-35B của phi đối chiến đấu tấn công 121 Thủy quân lục chiến ngày 9 tháng 1 đã rời khỏi căn cứ Yuma, bang Arizona.
Chiếc máy bay đầu tiên đến Nhật Bản vào thứ Tư (ngày 11 tháng 1), toàn bộ 10 máy bay F-35B sẽ đến căn cứ Iwakuni vào thứ Năm, sau đó sẽ còn có 6 máy bay F-35B đến căn cứ Iwakuni vào tháng 8, tạo thành phi đội 16 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B hoàn chỉnh.
Phi đội 121 từ căn cứ Yuma triển khai tới căn cứ Iwakuni là một cột mốc quan trọng của chương trình F-35B, đánh dấu lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tiếp tục mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình.
Tướng Terrence O’Shaughnessy, Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho rằng: “Tình hình khu vực chiến lược Thái Bình Dương thay đổi nhanh chóng, máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên bay trên Biển Đông. Mỹ sẽ điều máy bay chiến đấu F-35 đến khu vực để bảo đảm ưu thế trên không”.
Nhà nghiên cứu Dương Hi Vũ, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng. Việc làm này của Mỹ là “một mũi tên trúng hai đích”. Đến nay, tình hình bán đảo Triều Tiên bất ổn, không ngừng leo thang, thậm chí có nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Vị trí của căn cứ Iwakuni sát với khu vực đông nam của bán đảo Triều Tiên, Quân đội Mỹ triển khai hơn 10 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có khả năng tấn công mạnh tại căn cứ này có thể thực hiện nhiệm vụ chi viện mặt đất, ném bom mục tiêu.
Ngoài ra, căn cứ Iwakuni nằm ở hướng tây nam của quần đảo Nhật Bản, máy bay chiến đấu F-35B triển khai ở đó còn có thể tiếp viện nhanh chóng cho chiến đấu tại hướng biển Hoa Đông.
Vì vậy, theo nhà nghiên cứu Dương Hi Vũ, Mỹ triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35B ở căn cứ Iwakuni có ý đồ chiến lược răn đe Triều Tiên và Trung Quốc rất mạnh.