|
Theo quy định của Hải quan Mỹ, từ ngày 25/9 tới, tất cả hàng hóa từ Hồng Kông xuất sang Mỹ phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ “Made in China” (Ảnh: Apple Daily). |
Tổng thống Donald Trump trước đó đã tuyên bố hủy bỏ chính sách đối xử đặc biệt với Hồng Kông và coi Hồng Kông là một trong những thành phố của Trung Quốc đại lục. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ hôm thứ Hai (10/8) theo giờ Washington, đã thông báo: tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Hồng Kông kể từ ngày 25/9 tới phải được ghi là “Made in China” để thể hiện rõ ràng xuất xứ của chúng tại Trung Quốc, nghĩa là phải chịu mức thuế quan tương tự như hàng hóa của Trung Quốc đại lục.
Thông báo cho biết chính sách liên quan đã được áp dụng từ ngày 29/7 và sẽ được công bố trên Công báo Liên bang vào thứ Ba (11/8). Các nhà nhập khẩu được cho phép một giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn quá độ này hàng hóa xuất khẩu do Hồng Kông sản xuất trong thời gian chính sách có hiệu lực cũng có thể được đánh dấu là có xuất xứ từ Hồng Kông. Tuy nhiên, khi hàng hóa đó vào kho hoặc đưa ra khỏi kho để tiêu dùng sau 45 ngày kể từ ngày được công bố trong Công báo Liên bang, chúng phải được chấp hành theo Điều 304 của Luật Thuế quan, ghi rõ xuất xứ là "Trung Quốc".
|
Thông báo liên quan của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (Ảnh: Apple Daily).
|
Vào tháng 6/1997, Hoa Kỳ đã ban hành một thông báo nói rằng ngay cả khi chủ quyền của Hồng Kông đã được trả lại cho Trung Quốc, nếu hàng hóa được sản xuất tại Hồng Kông, vẫn tiếp tục được ghi nơi xuất xứ là Hồng Kông.
Thông báo của cơ quan Hải quan nói, chính sách này thay đổi dựa trên một mệnh lệnh hành chính do Tổng thống Trump ký vào ngày 14/7, chấm dứt quy chế đối xử đặc biệt với Hồng Kông. Washington cho rằng Hong Kong không còn đủ quyền tự trị để chứng minh rằng họ cần được đối xử khác với Trung Quốc. Do đó, Tổng thống đã ra lệnh các hành động thích hợp phải được thực hiện trong vòng 15 ngày, do các cơ quan liên quan khởi xướng thực thi theo luật hiện hành.
Những người tham gia thị trường lo lắng rằng "thương hiệu Hồng Kông" có 150 năm lịch sử sẽ bị "nhấn chìm" do sự trừng phạt của Hoa Kỳ và chiến lược xuất khẩu của các doanh nghiệp Hồng Kông có thể cần phải thay đổi về cơ bản. Theo số liệu thống kê từ Cục Điều tra và Thống kê Hồng Kông, giá trị xuất khẩu của Hồng Kông sang Hoa Kỳ năm ngoái là 39 tỷ USD (khoảng 304,2 tỷ HKD), trong đó chỉ có khoảng 1,2% được thực sự sản xuất tại Hồng Kông, phần còn lại là hàng tái xuất được sản xuất tại Trung Quốc đại lục. Vì vậy, có ý kiến phân tích cho rằng các biện pháp của Mỹ có ý nghĩa không lớn và tác động đến Hong Kong là không đáng kể, nhưng hàng Trung Quốc thì không còn cơ hội núp bóng để lách thuế.
Theo phân tích của trang web fx168.ca chuyên về kinh tế, điều này có nghĩa là các sản phẩm do các công ty Hồng Kông sản xuất sẽ phải đối mặt với mức thuế chiến tranh thương mại giống như các nhà xuất khẩu Trung Quốc đại lục. Đây sẽ là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế đang khốn đốn của Hồng Kông và số lượng ít các nhà xuất khẩu nhỏ nhưng có giá trị cao của Hồng Kông. Các sản phẩm không tuân thủ quy định sẽ phải đối mặt với mức thuế trừng phạt 10% tại các cảng của Mỹ.
|
Mọi hàng hóa được sản xuất tại Hồng Kông từ nay bị Mỹ coi như sản phẩm của các thành phố khác ở Trung Quốc đại lục (Ảnh: Đông Phương).
|
Thâm hụt thương mại của Hồng Kông với Hoa Kỳ cao hơn so với bất kỳ nền kinh tế nào khác, mặc dù nó đã giảm 16% vào năm ngoái xuống còn 26 tỷ USD. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, tổng xuất khẩu của Hồng Kông sang Hoa Kỳ đã giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tầm quan trọng của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm trung chuyển vượt xa tầm quan trọng của chính nó với tư cách là một trung tâm thương mại trực tiếp. So với trung tâm sản xuất của những năm 1970 và 1980, nền kinh tế Hồng Kông ngày nay đã không như trước đây.
Ngày nay, chỉ có 1% hàng hóa vận chuyển từ Hồng Kông được sản xuất chính tại đây, Hồng Kông đã trở thành cửa ngõ hậu cần cho các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu và hàng hóa nhập vào Trung Quốc đại lục.
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại và Phát triển Hồng Kông, xuất khẩu của hàng hóa Hồng Kông sang Hoa Kỳ trong năm 2019 là 471 triệu đô la Mỹ, chỉ chiếm 0,1% tổng xuất khẩu bao gồm cả tái xuất khẩu.
Trong cơ cấu xuất khẩu, đồ trang sức chiếm 48,5% lượng hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông xuất sang Hoa Kỳ trong nửa đầu năm nay. Ngành công nghiệp có giá trị thứ hai là các sản phẩm đồ ăn, chiếm 10,7%.
Theo hệ thống thuế quan hiện hành, đồ trang sức xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ phải chịu mức thuế 7,5%. Với việc ký kết giai đoạn đầu của hiệp định thương mại, mức thuế này đã giảm một nửa từ mức 15% vào tháng 1 năm nay.
John Marrett, nhà phân tích chính của tổ chức Economist Intelligence Unit ở Hong Kong, cho biết: "Nhìn từ đại cục, đây rõ ràng không phải là điều tốt, nhưng nó không có nhiều ý nghĩa, bởi vì xét về tổng thể, giá trị là không lớn”.
Nền kinh tế Hồng Kông suy giảm 9% trong quý 2 năm 2020, thấp hơn một chút so với mức giảm kỷ lục 9,1% trong quý đầu tiên. Hiện nay, do các biện pháp giãn cách xã hội và phòng dịch nghiêm ngặt, áp lực kinh tế của Hồng Kông ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia luật thương mại Sandler, Travis và Rosenberg đã viết trong một báo cáo hôm 11/8: “Thay đổi này cũng làm dấy lên nỗi lo ngại về các sản phẩm được sản xuất hoặc chuyển đổi ở Hồng Kông theo Mục 301 hiện đang được Hoa Kỳ áp đặt đối với các sản phẩm của Trung Quốc sẽ bị coi là có xuất xứ từ Trung Quốc”.
|
Từ nay, hàng hóa Trung Quốc xuất qua Hồng Kông sẽ không thể núp bóng hàng hóa Hồng Kông để né thuế (Ảnh: Apple Daily).
|
Hiện tại, Hoa Kỳ đang áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 550 tỷ USD. Việc bổ sung hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông sẽ mở rộng quy mô này, mặc dù tác động không lớn.
Các nhà phân tích cho rằng trong một loạt các hành động thương mại của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông trong những tuần gần đây, điều quan trọng hơn là dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đồng nghĩa với việc các nhà nhập khẩu Hồng Kông không thể tiếp cận một số công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Các nhà phân tích và dữ liệu ngành cảnh báo rằng điều này có thể cản trở việc nghiên cứu của các trường đại học và thậm chí cản trở việc tiếp cận công nghệ của người tiêu dùng.
Do Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được ban hành, tuần trước, Mỹ đã có hành động áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức chủ yếu của Hồng Kông, bao gồm cả Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam. Luật An ninh Quốc gia bị chỉ trích là vi phạm mô hình quản trị "một quốc gia, hai chế độ".
Theo luật mới này, cảnh sát Hồng Kông cũng đã bắt giữ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông hôm 10/8, trong đó có ông trùm truyền thông nổi tiếng Lê Trí Anh (Jimmy Lai Chee-ying), Chủ tịch tập đoàn Next Media và Tổng biên tập tờ Apple Daily.