|
Ngày 11/9/2017, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết mới tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Ảnh: Shanghai Observer. |
Ngày 11/9 (theo giờ Mỹ), Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết mới tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Nghị quyết này đưa ra mức độ trừng phạt không bằng bản dự thảo của Mỹ.
Hội đồng bảo an nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, cấm Triều Tiên xuất khẩu dệt may và cắt giảm nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Trong đó quy định áp mức trần 2 triệu thùng/năm đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và mức trần xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên ở mức hiện tại.
Được biết, gần 80% hàng dệt may của Triều Tiên được xuất sang Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc cung cấp hầu hết dầu thô của Triều Tiên.
Về người lao động Triều Tiên ở nước ngoài, nghị quyết mới sẽ cấm các nước cấp phép làm việc mới cho các lao động Triều Tiên tại nước ngoài, đồng thời yêu cầu các nước phải cung cấp thời gian chính xác sẽ chấm dứt các hợp đồng lao động hiện có.
Theo nguồn tin từ Mỹ, hiện có khoảng 93.000 lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài. Đây được coi là một trong những nguồn tài chính chủ yếu để Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo nghị quyết mới, các nước có quyền kiểm tra các tàu chở hàng bị tình nghi chở hàng hóa bị cấm của Triều Tiên. Nhưng, trước khi lên tàu kiểm tra, họ sẽ phải nhận được sự đồng ý của quốc gia mà tàu chở hàng đó đăng ký hoạt động.
Với những biện pháp trừng phạt mới, Mỹ và các đồng minh hy vọng sẽ gia tăng sức ép lên chính quyền Kim Jong-un để thúc đẩy đàm phán, chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Mỹ đã phải sửa đổi dự thảo nghị quyết để được Trung Quốc và Nga ủng hộ. Dự thảo nghị quyết trước đó của Mỹ hết sức cứng rắn. Mỹ đã phải lược bớt các điều khoản trừng phạt, chẳng hạn đề xuất đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời nới lỏng cấm vận dầu mỏ, khí đốt đối với Triều Tiên.
Ngày 11/9, trước khi có nghị quyết mới của Hội đồng bảo an, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc tán thành Hội đồng bảo an đưa ra phản ứng tiếp theo, có biện pháp cần thiết đối với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên.
Cảnh Sảng cho rằng, phản ứng và biện pháp áp dụng của Hội đồng bảo an có lợi cho thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, có lợi cho bảo vệ hòa bình, ổn định bán đảo, có lợi cho thúc đẩy giải quyết vấn đề liên quan bằng phương thức hòa bình.
Trước đó, ngày 7/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng đưa ra quan điểm tương tự, vì tình hình bán đảo Triều Tiên đã có những thay đổi mới. Ông Vương Nghị đưa ra quan điểm này tại cuộc họp báo với người đồng cấp Nepal.
Ông Vương Nghị còn cho rằng Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử hạt nhân đã “vi phạm nghiêm trọng” nghị quyết của Hội đồng bảo an, đánh mạnh vào hệ thống chống phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Trung Quốc kiên quyết phản đối vấn đề này.
Đồng thời, ông Vương Nghị kêu gọi Triều Tiên nhận rõ tình hình, đưa ra phán đoán và lựa chọn đúng đắn, không tiếp tục đơn phương hành động, không được tiếp tục thách thức đồng thuận và giới hạn của cộng đồng quốc tế.
Ông Vương Nghị cho rằng trừng phạt gây sức ép chỉ là “một nửa chìa khóa” giải quyết vấn đề Triều Tiên. “Một nửa chìa khóa” còn lại là đối thoại, đàm phán. Chỉ có kết hợp cả hai thì mới có thể thực sự “mở khóa” cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Vì vậy, các biện pháp mới của cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên vừa phải nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển hạt nhân vừa phải có lợi cho thúc đẩy tái khởi động nhanh chóng đối thoại, đàm phán.
Những nỗ lực trên hai phương diện này không thể lệch nhau, phương hướng giải quyết hòa bình không thể đảo ngược, mục tiêu thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không thể dao động – Vương Nghị tuyên bố.
Như vậy, nhìn vào phản ứng của cộng đồng quốc tế, nếu Triều Tiên vẫn kiên trì phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa thì họ sẽ tiếp tục bị cộng đồng quốc tế cô lập.