Mưu đồ đưa 100.000 quân vào và chia cắt Ukraine của NATO liệu có khả thi?

Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) đưa tin, trong khuôn khổ kế hoạch đóng băng cuộc xung đột Nga-Ukraine, NATO có ý định đưa 100.000 quân “gìn giữ hòa bình” vào Ukraine.
Theo Cục Tình báo đối ngoại Nga, quân đội Ba Lan và Romania có thể tham gia lực lượng "gìn giữ hòa bình" của NATO ở Ukraine. Ảnh: Guancha.

Kế hoạch phân chia Ukraine như một quốc gia bại trận?

Xét từ tình hình hiện tại, Nga về cơ bản đã chiếm được 4 tỉnh phía đông Ukraine và Crimea, nhưng dường như chưa muốn dừng lại ở đó. Nếu kế hoạch này của NATO thành hiện thực, 100.000 quân “gìn giữ hòa bình” sẽ được triển khai và phân chia lãnh thổ Ukraine thành 4 khu vực, do Anh, Đức, Ba Lan và Romania chịu trách nhiệm quản lý.

Một lực lượng mạnh mẽ như vậy sẽ đủ để trấn giữ một số một số địa bàn chiến lược quan trọng và điểm nút trọng yếu ở Ukraine nhằm ngăn chặn quân đội Nga tiến sâu hơn.

Tuy nhiên, việc NATO đưa quân tới Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc nhảy thẳng vào lò lửa xung đột quân sự với Nga, liệu họ có thực sự cần thiết phải mạo hiểm mọi thứ như vậy?

Xét bề ngoài, điều này có vẻ xuất phát từ lo ngại về tình hình an ninh của Ukraine, với hy vọng bằng cách gửi thêm lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế để ngăn Ukraine chịu thiệt hại quá nặng. Suy cho cùng, quân đội Ukraine đang tự hủy diệt, hiện tượng đào ngũ rất nghiêm trọng. Số lượng bỏ ngũ có thể lên tới 200.000 người, chiếm gần 60% trong số 350.000 binh sĩ tại ngũ.

Hãng tin Nga TASS đưa về thông tin của Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) liên quan đến việc NATO đưa lực lượng "gìn giữ hòa bình" tới Ukraine. Ảnh: Guancha.

Để tạo điều kiện cho Ukraine tiếp tục chiến đấu, đã có rất nhiều lời hô hào “gửi quân đến Ukraine” từ các nước phương Tây, nhưng liệu NATO có tùy tiện ra tay? Nước nào sẽ đứng ra nhận? Ukraine có gì mà họ muốn?

Hai nước Ba Lan và Romania đều là láng giềng của Ukraine, đặc biệt là Ba Lan luôn cho rằng lãnh thổ phía Tây Ukraine là của mình. Trước đó, đã có học giả Ba Lan đề xuất sáp nhập Ukraine với Ba Lan để trở thành một quốc gia, hội nhập vào NATO với tư cách là Ba Lan, như vậy sẽ đạt được mục tiêu chiến lược là gia nhập NATO.

Đương nhiên, về mặt lý thuyết, kế hoạch triển khai quân gìn giữ hòa bình tới Ukraine của các nước NATO nêu trên hiện vẫn còn mới , nhưng điều đó không có nghĩa là họ có đủ can đảm để gửi quân đến Ukraine.

Nếu chỉ có các nước NATO đưa quân vào Ukraine thì động thái này thực chất là cuộc triển khai chiến lược về phía trước của NATO chống lại Nga. Trong trường hợp đó, như Điện Kremlin đã tuyên bố rằng, dù NATO có mục đích gì, miễn là thiết bị hoặc nhân viên xuất hiện ở Ukraine, đều sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của tên lửa Nga.

NATO liệu có dám thực hiện kế hoạch triển khai lực lượng tới Ukraine
còn là một câu hỏi. Ảnh: Guancha.

Mong đợi NATO giúp chiếm lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm cho Ukraine là điều khó có thể xảy ra. Một kế hoạch ngừng bắn cụ thể cho cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng khó có thể đạt được qua đàm phán, mà chỉ có thể đạt được trên chiến trường.

Trong khi đó, thời gian để Nga và Ukraine giành được lợi thế thương lượng không còn nhiều. Trong khoảng một tháng tới đây, cuộc chiến giữa hai bên được dự báo sẽ trở nên vô cùng khốc liệt.

Liệu NATO có dám hành động mạo hiểm?

Đề xuất triển khai 100.000 "quân gìn giữ hòa bình" NATO tới Ukraine chắc chắn là hành động liều lĩnh bởi hành động như vậy có thể trực tiếp dẫn đến đối đầu quân sự với Nga.

Trước đó, Nga đã nói rõ rằng việc phương Tây điều quân tới Ukraine sẽ được coi là mối đe dọa lớn đối với an ninh của Nga và có thể bị cuốn vào cuộc đối đầu trực tiếp hơn nữa.

Truyền thông Nga RT: chỉ mất 20 phút để tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik bắn tới mọi thủ đô các nước thành viên NATO ở châu Âu. Ảnh: CCTV.

Hiện chưa rõ NATO có thực sự hành động theo đề xuất này hay không. Nhưng nếu 100.000 quân NATO thực sự đặt chân lên đất Ukraine, áp lực đối với quân đội Nga là không tránh khỏi.

Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO Rob Bauer từng nói rằng NATO không còn chỉ là một "tổ chức phòng thủ", nếu xảy ra xung đột với Nga, họ có thể tiến hành tấn công phủ đầu vào lãnh thổ Nga. Lập trường này bị coi là cực đoan bởi quan điểm lâu nay của NATO là “phòng thủ tập thể”.

Trong phản ứng được đưa ra mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng NATO tốt hơn nên đọc kỹ chính sách hạt nhân mới nhất của Nga. Điều này ngụ ý rằng nếu NATO chọn tấn công phủ đầu, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc phản công hạt nhân của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng nói rằng mặc dù Nga không có ý định tấn công các nước NATO nhưng sẽ không ngồi yên nếu khối này có những hành động gây nguy hiểm cho lợi ích của Nga.

Với việc ông Donald Trump sắp nhậm chức, quan hệ Mỹ-Nga có thể sẽ chuyển biến tốt hơn. Liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine, ông Trump đã bổ nhiệm cựu Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Keith Kellogg làm đặc phái viên nhằm thúc đẩy đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Đây chắc chắn là tin vui đối với Nga.

Liệu ông Biden có dám mạo hiểm lựa chọn cách "chơi tất tay" với Nga vào những ngày cuối của nhiệm kỳ tổng thống? Ảnh: Sohu.

Nếu ông Trump điều chỉnh lại chiến lược và đặt Nga vào vị trí quan trọng hơn NATO, việc kết thúc xung đột Nga-Ukraine có thể làm giảm áp lực lên Nga và tạo cơ hội cho ông Putin tập trung đối phó với NATO. Đồng thời, chính quyền Trump có thể lựa chọn chấp nhận, hoặc thậm chí gây áp lực buộc NATO phải chi thêm “phí bảo vệ”.

Trong bối cảnh đó, có vẻ như sẽ không khôn ngoan nếu NATO chọn cách chủ động khiêu khích Nga.

Canh bạc cuối cùng của ông Joe Biden?

Vậy tại sao NATO lại bất ngờ đưa ra lập trường cực đoan như vậy?

Điều này có thể liên quan tới thái độ của chính quyền Joe Biden. Truyền thông Mỹ gần đây thường xuyên đề cập đến chủ đề hỗ trợ vũ khí hạt nhân cho Ukraine và chính quyền Biden vừa cung cấp thêm 275 triệu USD viện trợ Ukraine.

Rõ ràng, ông Biden không chấp nhận thất bại của Ukraine, bởi đây sẽ là thất bại chính sách lớn nhất kể từ khi ông nhậm chức. Vì vậy, khi quân đội Ukraine gặp khó khăn trong việc đảo ngược tình thế chiến tranh, sự can thiệp trực tiếp của NATO có thể trở thành biện pháp cuối cùng của ông Biden.

Nếu chiến tranh nổ ra với Nga, Mỹ không chỉ có thể làm suy yếu Nga, mà ông Biden còn có thể lợi dụng địa vị "Tổng thống thời chiến" để nâng cao cơ hội tiếp tục cầm quyền, khiến việc trở lại của ông Trump trở nên xa vời.

Nhưng rủi ro lớn nhất trong tất cả những sự kiện trên là chiến tranh hạt nhân. Theo chính sách hạt nhân mới của Nga, nếu Mỹ trực tiếp cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, hoặc nếu các nước NATO cùng tuyên chiến với Nga, điều đó có khả năng gây ra Thế chiến III và Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân của Nga.

Với sức mạnh răn đe của chính sách hạt nhân mới của Nga, việc chính quyền Biden trực tiếp viện trợ vũ khí hạt nhân cho Ukraine là không thực tế. Tuy nhiên, ông Biden vẫn có thể sử dụng NATO làm “bên ủy nhiệm” để đối đầu với Nga. Diễn biến phía trước vẫn hết sức khó lường.

Theo Guancha, NetEasy