Học thuyết quân sự thông thường cho rằng bên tấn công phải nhiều quân số gấp ba lần đối phương vào thời điểm tấn công.
Thế nhưng quân đội Triều Tiên tin rằng họ chỉ cần có gấp đôi quân số trên chiến trường là đã có thể đánh bại Mỹ và Hàn Quốc. Hơn nữa, Triều Tiên có vẻ như còn tin rằng nước này có thể chiến thắng với những chiến thuật mà Trung Quốc từng sử dụng thành công trong cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 1950.
“Triều Tiên tin rằng quân lính của quân đội nước này được huấn luyện và chuẩn bị kỹ càng về cả thể chất, tinh thần, quân sự và chính trị để đương đầu với chiến tranh hơn bất kỳ quân lính của quân đội nước nào mà Triều Tiên sẽ phải đối mặt. Với cách truyền bá tư tưởng như thế này, rất có thể nhiều quân sĩ trong quân đội Triều Tiên sẽ quyết chiến thay vì đầu hàng”, một nghiên cứu của quân đội Mỹ về chiến thuật của Triều Tiên nhận định. Nghiên cứu mang tên “Báo cáo về chiến thuật uy hiếp của Triều Tiên được xuất bản vào tháng 10/2015 của Tư lệnh huấn luyện và học thuyết quân đội Mỹ.
“Học thuyết của quân đội Triều Tiên dựa trên 5 nguyên tắc chiến tranh cơ bản: tấn công bất ngờ, đông và phân tán, tăng cường hoạt động, chiến thuật thông minh và đảm bảo bí mật”. Có lẽ vì ghi nhớ sâu sắc cuộc chiến ngầm và không có kết thúc trong nửa sau của Chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ cố gắng khiến cuộc xung đột thứ hai linh động hơn, khiến cho kẻ thù bị mất cân bằng.
Binh sĩ Triều Tiên sẽ hoạt động phân tán nhưng sau đó sẽ tập trung để thực hiện các cuộc đột kích, tận dụng lợi thế ban đêm và địa hình để đạt được tính bất ngờ, đồng thời sử dụng cả lực lượng đặc nhiệm để khiến kẻ thù bất ngờ, không kịp trở tay và có thể chiếm lấy những vị trí quan trọng".
Học thuyết của Triều Tiên gồm một số hoạt động tấn công, phần lớn trong số đó đều là hình thức chung áp dụng cho phần lớn quân đội, nhưng có hai dạng thú vị và đặc biệt hơn cả.
Một là hoạt động thâm nhập với cách thức hoạt động như sau: Một mũi tấn công có quy mô quân đoàn sẽ cố gắng đột phá qua chiến tuyến của Mỹ và Hàn Quốc.
Hoạt động "bao vây" bao gồm bao vây một điểm quan trọng của kẻ thù để gây ra con số thương vong cao nhất có thể. “Có bốn hình thức bao vây: bao vây trước mặt và một bên sườn; trước mặt và hai bên sườn; trước mặt và sau lưng; trước mặt, sau lưng và hai bên sườn".
Những chiến thuật tấn công này nhấn mạnh vào hoạt động thâm nhập liên tục vào hậu phương và bao vây các điểm quan trọng của kẻ thù. Chiến thuật này có tương tự như chiến thuật của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 hay không?
“Trung Quốc cố gắng thâm nhập vào các vị trí của kẻ thù bất cứ khi nào có thể để phong tỏa đường tiếp tế với hy vọng buộc kẻ địch phải rút lui để nối lại liên lạc với hậu phương. Nếu lực lượng của Liên hợp quốc đóng ở vị trí đó, việc phong tỏa các tuyến đường vẫn hữu ích trong việc cắt tuyến đường rút lui và tiếp tế.
Trong các cuộc tấn công và xâm nhập vào các vị trí tiền tuyến, Trung Quốc phần lớn di chuyển trong đêm để tránh các cuộc không kích và tránh việc bị quan sát trên không. Khi tấn công, Trung Quốc cố gắng cô lập các tiền đồn đơn lẻ, thường là các trung đội, bằng cách tấn công vào mặt trước, trong khi đồng thời tấn công vào hai bên sườn của các tiền đồn này. Mục đích là để đánh bại kẻ thù bằng cách giành được ưu thế trực tiếp trên chiến trường".
Nhưng liệu những chiến thuật từ những năm 1950 giờ đây còn hiệu quả hay không? Lần cuối cùng Triều Tiên và Mỹ chạm trán nhau trên chiến trường là 70 năm trước, và lúc đó quân đội của Mỹ chỉ là những đạo quân không được huấn luyện kỹ càng, còn Hàn Quốc thì chỉ được trang bị những vũ khí từ thời Thế chiến II.
Giờ đây Triều Tiên sẽ phải đối mặt với những binh sĩ Mỹ chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản. Cách lợi dụng màn đêm của những năm 1950 không thể áp dụng được nữa vì giờ đây đã có những cảm biến nhìn ban đêm, radar và các vệ tinh trinh sát ngày đêm. Các cuộc tấn công quy mô lớn của Triều Tiên sẽ gặp phải hỏa lực tấn công chính xác từ vũ khí thông minh của Mỹ. Có lẽ Triều Tiên vẫn chưa thích nghi được với điều kiện của thế kỷ XXI. Và câu hỏi đặt ra với Triều Tiên lúc này là quân đội Mỹ đã phát triển đến mức độ nào.