|
Fed đã cắt giảm lãi suất. |
Tuy nhiên, các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách tiền tệ không giúp nhiều cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khi một số ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã hạ lãi suất xuống mức âm.
“Thực tế là, chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng này với dư địa hạn hẹp. Không chỉ ở châu Âu hay Nhật Bản, ngay cả ở Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ hai thế giới) cũng có ít dư địa hơn so với lần gần nhất phải tung ra các gói kích thích kinh tế”, Alex Wolf, Giám đốc đầu tư chiến lược khu vực châu Á của J.P.Morgan Private Bank nói trên CNBC.
|
Virus Corona đang lan rộng ra toàn cầu (Ảnh: CNBC) |
Mối lo ngại dịch do virus Corona gây ra có thể tác động xấu đến nền kinh tế đã khiến Fed bất ngờ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào hôm thứ Ba vừa qua. Thông thường, việc cắt giảm lãi suất sẽ làm cho chi phí đi vay rẻ hơn, khuyến khích các hộ kinh doanh và gia đình vay và chi tiêu nhiều hơn, qua đó sẽ kích thích nền kinh tế đi lên.
Trước đó, các ngân hàng trung ương ở Úc và Malaysia cũng đã hạ lãi suất xuống mức thấp hơn. Các nhà phân tích kỳ vọng sẽ có thêm nhiều ngân hàng trung ương thực hiện cắt giảm lãi suất. Được biết, một số ngân hàng trung ương lớn như ECB, BoJ, BoE (Ngân hàng trung ương Anh) đã lên lịch họp trong những tuần tới.
Brian Martin, chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp tại ngân hàng ANZ của Úc, đã đưa ra các dự báo về những động thái có thể có của 3 ngân hàng trung ương lớn trong báo cáo phát hành hôm thứ Tư (ngày 4/3). Cụ thể:
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ giảm lãi suất tiền gửi 10 điểm cơ bản trước buổi họp tiếp theo (dự kiến tổ chức vào ngày 12/3/2020). Lãi suất tiền gửi hiện tại của ECB đã ở mức thấp kỷ lục -0,5%.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng có thể cắt giảm lãi suất sâu hơn. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản, có khả năng thực hiện việc này trước cuộc họp tổ chức vào ngày 26/3/2020 sắp tới.
|
Tỷ lệ lãi suất của Fed qua từng năm (Ảnh: CNBC) |
Nhưng mặt bằng lãi suất toàn cầu nhìn chung vẫn ở mức thấp (một số nước ở mức âm) - vì đã bị cắt giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một số ngân hàng trung ương có thể không còn "room" để hạ lãi suất thấp hơn.
Roger Aliaga-Diaz, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Mỹ của Vanguard, đánh giá động thái cắt giảm mới nhất của Fed mang tính tiên liệu và có phần hơi sớm, do những tác động tiêu cực của virus Corona vẫn chưa thực sự rõ ràng.
“Dựa trên các dữ liệu liên quan đến kinh tế và virus có sẵn ngày hôm nay, chúng tôi cảm thấy đây là một vụ cá cược có rủi ro cao. Fed có thể nhận thấy mình ở một vị trí khó khăn nên cần phải hành động mạnh mẽ trong những tuần tới”, ông phát biểu.
Tuy nhiên, những người khác như Jurrien Timmer, giám đốc toàn cầu của Fidelity Investments, cho biết Fed – nơi mà nhiều người tin rằng là ngân hàng trung ương quan trọng nhất trên thế giới - đã làm điều đúng đắn bằng cách giảm lãi suất.
“Dịch Covid-19 bùng phát là một cú sốc hệ thống đột ngột đối với nền kinh tế toàn cầu và có lẽ cả nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là khi số ca mắc bệnh ngày một tăng lên”, Timmer phát biểu trên CNBC vào thứ Tư.
Mức lãi suất cơ bản của Fed hiện được dự báo sẽ dao động trong khoảng từ 1% đến 1,25% sau khi cắt giảm vào hôm thứ Ba, Timmer cũng cho biết Fed có thể cắt giảm thêm từ 25 điểm đến 50 điểm cơ bản trong thời gian tới./.