Mua iPhone 16 Pro Max nhận hộp rỗng: Nguyên nhân do Apple hay Giao hàng Tiết kiệm?

Anh Hoàng Tùng - người mua iPhone 16 Pro Max nhận được hộp rỗng - cho biết Apple sẽ gửi bù một chiếc máy cho anh vào đầu tháng 11.
Anh Tùng chia sẻ hình ảnh bóc hộp chiếc iPhone 16 Pro Max nhưng không có điện thoại bên trong.

Anh Hoàng Tùng đã đặt mua một chiếc iPhone 16 Pro Max màu cát sa mạc trên cửa hàng trực tuyến của Apple tại Việt Nam với mức giá 34,9 triệu đồng theo hình thức trả trước. Đến ngày 19/10, khi nhận hàng từ công ty Giao hàng Tiết kiệm, anh Tùng đã nghi ngờ hàng hóa bên trong bị xáo trộn vì trọng lượng hộp rất nhẹ. Niêm phong (seal) của hộp các tông bên ngoài vẫn còn nhưng niêm phong bên cạnh thì bị xô lệch.

Anh Tùng đã quay lại quá trình mở hộp và phát hiện bên trong hộp đựng điện thoại đã không còn tem dán, hộp bị bẩn và chiếc iPhone 16 Pro Max thì biến mất.

Chia sẻ với VietTimes, anh Tùng nói rằng lúc đó khá lo lắng vì lần đầu tiên gặp phải tình trạng như vậy. Anh không biết có được Apple hoặc đơn vị giao hàng bồi thường hay không.

Lập tức liên hệ với hai công ty này, tuy nhiên anh Tùng không nhận được phản hồi từ Apple vì doanh nghiệp không làm việc vào hai ngày cuối tuần. Còn công ty Giao hàng Tiết kiệm cho biết sẽ tìm hiểu và giải quyết sự việc.

Đến hôm qua (21/10), Apple Store Online Việt Nam xác nhận sự cố giao vận và lên đơn bồi hoàn cho anh Tùng một chiếc iPhone 16 Pro Max mới cùng một phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng. Tuy nhiên, do màu của chiếc iPhone mà anh Tùng đặt mua rất khan hàng nên phải chờ từ 7-10 ngày mới nhận được điện thoại.

Nói với VietTimes, anh Tùng cho biết cảm thấy hài lòng với cách xử lý của đơn vị vận chuyển. Đối với Apple, anh cho rằng việc bồi thường như vậy là có thỏa đáng. Tuy nhiên, anh muốn Apple linh động vận chuyển hàng từ các kho khác trong khu vực châu Á về Việt Nam để đẩy nhanh việc giao máy.

Khi được hỏi liệu anh còn tin tưởng vào việc mua những món hàng online giá trị cao sau sự cố này, anh Tùng chia sẻ rằng: "Tôi thấy không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các quốc gia khác như Mỹ và châu Âu cũng đã xảy ra sự cố tương tự này. Tuy đây là trải nghiệm không vui vẻ nhưng không vì thế mà tôi mất tin tưởng mua hàng online với những đơn vị uy tín như Apple".

iPhone "bốc hơi", nguyên nhân do đâu?

Một chiếc iPhone bị "bốc hơi" có thể nằm ở tất cả các khâu từ người giao hàng, đơn vị đóng gói, vận chuyển cho nếu một trong các khâu này có sự gian dối.

Theo dữ liệu tra cứu từ số serial, sản phẩm đã được kích hoạt lần đầu vào ngày 17/10, trước khi giao máy 2 ngày. Tình trạng đơn hàng Apple cung cấp cho thấy thiết bị vẫn ở kho phía Nam vào thời điểm nói trên.

Về phía công ty Giao hàng Tiết kiệm, phản hồi câu hỏi của VietTimes về việc tìm hiểu nguyên nhân thất lạc của iPhone, đại diện công ty cho biết: "Ngay khi nắm được thông tin sự việc. Chúng tôi đã làm việc với Apple để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, khách hàng sẽ nhận được đơn hàng thay thế trong thời gian sớm nhất. Về phía Giao hàng Tiết kiệm, chúng tôi đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ việc, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật công ty sẽ trình báo công an xử lý nghiêm theo quy định".

Tuy nhiên, khi phóng viên VietTimes hỏi về việc đối với các đơn hàng giá trị cao của Apple, doanh nghiệp này có yêu cầu về quy cách đóng gói, vận chuyển không, người đại diện Giao hàng Tiết kiệm đã từ chối thông tin thêm.

iPhone 12 Pro Max bị tráo thành cục đá của một khách hàng ở Đồng Tháp vào năm 2020

Một số nhà sản xuất điện thoại và đơn vị logistics trên thị trường có những yêu cầu khá chặt chẽ về quy cách đóng gói, vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa giá trị cao. Một số nhà vận chuyển thậm chí từ chối nhận các món hàng giá trị cao. Vì thế, trước khi mua hoặc bán một vật phẩm có giá trị qua môi trường trực tuyến, người dùng cần tìm hiểu kỹ bên bán cũng như lựa chọn hãng vận chuyển uy tín.

Ngay khi nhận được hàng, người mua nên quay video quá trình bóc hộp để phòng ngừa tình trạng bị mất đồ giá trị bên trong. Người dùng cần chuẩn bị đầy đủ các hóa đơn cũng như bằng chứng mua hàng để có thể yêu cầu bồi hoàn nếu xảy ra sự cố.

Trường hợp "bốc hơi" điện thoại của anh Tùng không phải là lần đầu tiên xảy ra khi thương mại điện tử nở rộ tại Việt Nam. Năm 2016, khách hàng mua iPhone tại một cửa hàng Thế Giới Di Động ở Yên Bái đã nhận được một cục gạch bên trong hộp.

Tháng 10/2018 xảy ra một vụ các nhân viên của một công ty chuyển phát nhanh cấu kết với nhau rút ruột iPhone và linh kiện máy tính khỏi các kiện hàng của khách và mang bán chia chác với nhau, với tổng số tiền cũng hơn 100 triệu đồng.

Tháng 12/2020, một khách hàng ở Đồng Tháp mua iPhone 12 Pro Max 256GB của chuỗi Di Động Việt chỉ nhận được một cục đá. Cũng trong năm đó, một khách hàng ở Hà Tĩnh đã nhận được 2 hộp bút màu sau khi đặt mua iPhone 12 Pro Max trực tuyến tại Di Động Việt.

Anh T, một người đang hoạt động trong một công ty giao nhận lớn, chia sẻ với VietTimes rằng quy trình nhận hàng, xử lý và giao hàng của các đơn vị nhìn chung rất nghiêm ngặt và chặt chẽ dưới sự giám sát của QR/QC. Tuy nhiên, nếu nảy lòng tham thì nhân viên công ty vẫn có thể tìm ra kẽ hở để thực hiện hành vi đánh tráo, trộm cắp.