Mùa ĐHĐCĐ năm 2022: Cổ đông nhóm ngành nào sẽ đón tin vui?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo các chuyên gia, mùa ĐHĐCĐ năm nay sẽ khá sôi động bởi nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Song, sẽ có sự phân hóa nhất định ở các nhóm ngành.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân MBS (Ảnh chụp màn hình)
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân MBS (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán MB (MBS), đánh giá mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay sẽ diễn ra tương đối sôi động khi Việt Nam vừa trải qua đại dịch và kinh tế đang được khởi động trở lại.

Theo ông Sơn, những nhóm ngành liên quan đến việc mở cửa lại nền kinh tế như dịch vụ hàng không, du lịch sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tập trung sự quan tâm lớn đến những nhóm ngành có ảnh hưởng nhiều đến diễn biến chỉ số và thu hút được dòng tiền như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, dầu khí.

Trả lời câu hỏi “cổ đông nhóm ngành nào sẽ đón nhận tin vui trong mùa ĐHĐCĐ năm nay?”, vị chuyên gia này cho rằng có thể sẽ có niềm vui đối với cổ đông của nhóm ngân hàng. Trong hai năm qua, nhiều nhà đầu tư quan ngại về việc nợ xấu gia tăng, do đó nhóm cổ phiếu ngân hàng giai đoạn nửa cuối năm 2021 có sự điều chỉnh.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng việc nhiều ngân hàng ‘mạnh tay’ trích lập dự phòng trong năm 2021 khiến áp lực trích lập trong năm nay giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, kinh tế phục hồi trở lại cũng là động lực giúp các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận. Ngoài ra, một số ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức và tăng vốn, như Vietcombank (25%); BIDV (25%); VIB (35%).

Theo chuyên gia của MBS, nhóm cổ đông của các công ty chứng khoán cũng có thể đón những thông tin tích cực trong mùa ĐHĐCĐ năm 2022. Nhiều công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn và có thể trả cổ tức trung bình từ 10-15%. Đối với MBS, ông Sơn cho biết mức trả cổ tức trong năm nay có thể là trên 16%, dự kiến giai đoạn 2022 – 2025 tăng vốn lên khoảng 10.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhóm cảng biển, logistics, hàng hóa (thép, phân bón, cao su) cũng được kỳ vọng có sự bứt phá về cả doanh thu và lợi nhuận nhờ những tác động tích cực từ giá hàng hóa leo thang. Nhóm cổ phiếu liên quan tới dịch vụ hàng không, du lịch được dự báo sẽ có sự bứt phá tốt về giá.

Chuyên gia của MBS đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang có diễn biến tích cực khi thời gian qua VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ khoảng 6%, trong khi nhiều thị trường khác đã điều chỉnh từ 15-20%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay (margin) ở mức cao, trung bình theo quý từ 15-19% trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 đến nay.

“Theo thống kê của MBS, khoảng 8/10 công ty chứng khoán có lượng vốn margin trên vốn chủ sở hữu chạm mức 150%. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện tại là rất lớn. Do đó, nhu cầu tăng vốn ở các công ty chứng khoán đang được đẩy mạnh”, ông Sơn nói.

Ông Trần Hoàng Sơn cho biết, từ năm 1802 đến nay, kênh đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn sinh ra lợi suất cao nhất, khoảng 6,7% (lợi suất thực đã trừ lạm phát) – cao hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác như vàng, trái phiếu. Do đó, với những diễn biến về căng thẳng chính trị hay lạm phát cao trong thời gian qua, trung và dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn./.