Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, nhiều huyện, tỉnh đã nhanh chóng vận động, triển khai chuyển đổi số ngành du lịch trên địa bàn thông qua việc xây dựng phần mềm du lịch thông minh liên kết với một chuỗi các hoạt động truyền thông số vừa quảng bá du lịch của tỉnh, vừa mở rộng phạm vi tiếp cận với các đối tượng khách du lịch ngoài vùng lãnh thổ.
Tiêu biểu trong năm 2023, Mộc Châu (Sơn La) là huyện tiên phong trong cả nước thành công trong việc ứng dụng phần mềm du lịch thông minh vào việc phát triển du lịch trên địa bàn với giải pháp công nghệ ban đầu đó là số hóa du lịch 5 dịch vụ cốt lõi: Du lịch địa danh, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa bản địa và sản phẩm truyền thống. Huyện Mộc Châu chính thức đưa ứng dụng thông minh Mộc Châu Tour vào vận hành, không chỉ giúp hoàn chỉnh hệ thống du lịch của huyện, tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm mà còn là một cú hích thúc đẩy sự vận động thay đổi của các huyện, tỉnh khác.
Mới đây, thị xã Sa Pa – một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của quốc gia cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng ứng dụng du lịch thông minh nhằm quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, phát triển du lịch trải nghiệm an toàn với lộ trình được chia cụ thể làm ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Số hóa du lịch với 5 dịch vụ cốt lõi (Du lịch địa danh, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa bản địa, sản phẩm truyền thống). Xây dựng tính năng tạo lộ trình du lịch thông minh với các địa điểm du lịch, dịch vụ uy tín được tích hợp sẵn trên hệ thống giúp cho du khách có thể yên tâm trải nghiệm du lịch và dịch vụ với lộ trình rõ ràng, di chuyển nhanh chóng với quãng đường ngắn nhất, thời gian nhanh nhất.
Giai đoạn 2: Thương mại số - Số hóa thương mại. Xây dựng sàn thương mại điện tử nhằm tạo kênh kinh doanh buôn bán giữa doanh nghiệp với khách du lịch trong và ngoài nước, tạo kênh uy tín để các đơn vị đối tác trong và ngoài nước lựa chọn sản phẩm truyền thống của địa phương phục vụ mục đích thông thương sản phẩm. Tích hợp thanh toán online, thanh toán quốc tế, vận chuyển,...
Giai đoạn 3: Quản lý số, thống kê và báo cáo số giúp nhà quản lý có cái nhìn tổng thể các chỉ số tăng trưởng ở các ngành nghề mũi nhọn du lịch trên từ đó có quyết sách phù hợp phát triển và định hướng rõ ràng.
Chuyển đổi số ngành du lịch, ứng dụng du lịch thông minh vào truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, phát triển du lịch sẽ thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của du khách, doanh nghiệp và ban quản lý trên địa bàn. Ứng dụng du lịch thông minh không chỉ là áp dụng công nghệ mà còn bao hàm nhiều khía cạnh khác tạo tính bền vững, hiệu quả, đổi mới sáng tạo và giá trị. Đây sẽ là bước chuyển mình tạo nên sự đột phá cho du lịch không chỉ ở các huyện, tỉnh nói riêng mà cả đất nước Việt Nam nói chung.