Một nhược điểm ít người biết của 5G khiến Trung Quốc phải cho các cột sóng “ngủ đêm” luân phiên

VietTimes – China Unicom quyết định cài đặt một số trạm gốc 5G ở chế độ ngủ từ 21 giờ tối đến 9 giờ sáng khiến người dùng lo ngại.
Trạm gốc 5G (ảnh: Shutterstock)

Khi mọi người nói về 5G, họ thường nói về tốc độ nhanh đáng kể mà người dùng sẽ nhận được từ việc sử dụng công nghệ mạng di động thế hệ mới. Tuy nhiên, điều mà ít người biết đến là 5G cũng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, làm hóa đơn tiền điện của các nhà mạng Trung Quốc tăng lên.

Vào đầu tháng 8, một chi nhánh của China Unicom đã thông báo rằng họ sẽ đặt một số trạm gốc 5G của mình ở chế độ ngủ từ 21 giờ tối đến 9 giờ sáng để giảm chi phí điện ở thành phố Lạc Dương.

Sách trắng gần đây của hãng sản xuất thiết bị viễn thông Huawei cũng đã nêu lên vấn đề này: các trạm gốc 5G sử dụng năng lượng nhiều gấp 3,5 lần so với hạ tầng 4G. Hơn nữa, kết nối di động 5G đòi hỏi các trạm gốc được đặt dày đặc hơn nhiều so với 4G.

Vì vậy, khi Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng các trạm gốc 5G mới (410.000 trạm trên toàn quốc vào tháng 6), một số thành phố phải cho các trạm gốc “ngủ đêm” để tiết kiệm năng lượng khi chưa có đủ người dùng.

China Unicom, một trong ba công ty viễn thông nhà nước đang cố gắng trấn an người dùng rằng sẽ không có thay đổi nào trong chất lượng dịch vụ. Giám đốc điều hành China Unicom, Wang Xiaochu nói: “Không cần phải làm ầm ĩ”.

Ông Wang cho biết: “Việc đóng cửa các trạm gốc không phải là tắt thủ công mà là sự điều chỉnh tự động được thực hiện vào một thời điểm nhất định, điều này không ảnh hưởng đến người dùng và tốt cho các nhà đầu tư”.

Bình luận của ông Wang được đưa ra sau khi tin tức về “chế độ ngủ đêm” của trạm gốc khiến một số người đặt câu hỏi liệu có đáng để trả tiền thuê bao 5G nếu các trạm gốc không thể truy cập được vào một số giờ nhất định. China Unicom khẳng định rằng đó không phải là vấn đề, vì lịch trình “ngủ đêm” thay đổi theo nhu cầu.

Ông Li Fuchang, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu mạng không dây thuộc Viện nghiên cứu công nghệ mạng của China Unicom, giải thích rằng chức năng ngủ đêm chỉ được kích hoạt khi trạm gốc không hoạt động, tức là không có người dùng 5G nào kết nối đến trạm gốc.

Bằng cách điều chỉnh chế độ ngủ đêm theo dữ liệu thời gian thực, các nhà khai thác có thể làm giảm đáng kể chi phí điện và bảo trì.

“Khi trạm gốc được bật bình thường, so với lúc cao điểm, mức tiêu thụ năng lượng của trạm gốc vào nửa đêm không giảm nhiều. Vì thế phần lớn năng lượng tiêu thụ vào lúc đó sẽ không đem lại hiệu quả” - ông Li giải thích.

Trung Quốc lần đầu tiên ra mắt mạng 5G mà họ nói là lớn nhất thế giới vào cuối năm ngoái. Công nghệ này hứa hẹn mang lại cho người dùng một mạng Internet băng rộng không dây cực nhanh, nhưng tính khả dụng vẫn còn hạn chế.

Khi các trạm gốc 5G trở nên phổ biến, một số nhà nghiên cứu cho rằng tác động môi trường của công nghệ này, bao gồm các vấn đề về năng lượng và chất thải, đang bị bỏ qua. Từ việc triển khai rộng rãi, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên sẽ phải giải quyết vấn đề này. Nhưng cuối cùng vấn đề sẽ vẫn phải giải quyết trên toàn cầu.

Người khổng lồ thiết bị viễn thông Ericsson trong một báo cáo được công bố hồi tháng 3 đã cảnh báo rằng ngành viễn thông sẽ cần phải giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng mạng di động trong khi đối mặt với tốc độ tăng trưởng lưu lượng lớn. Sử dụng phần mềm tiết kiệm năng lượng, thay thế thiết bị cũ và áp dụng Trí tuệ nhân tạo có thể giúp đạt được điều này, theo báo cáo.

“Tiêu thụ năng lượng sẽ tăng đáng kể nếu 5G được triển khai” - Giám đốc Tài chính Erik Ekudden của Ericsson nhận định.

Điều này sẽ khiến các công ty viễn thông sẽ phải thay đổi cách họ kinh doanh. 

TRUNG QUỐC CHẾ TẠO MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI KÍCH THƯỚC KHỔNG LỒ ĐỂ LÀM GÌ?

Máy bay không người lái (drone) thường được biết đến với kích thước khá nhỏ, dùng để quay video trên cao, hoặc để làm mục tiêu tập bắn cho pháo binh. Nhưng Trung Quốc vừa thử nghiệm thành công một máy bay không người lái kích thước lớn như máy bay vận tải. Chiếc máy bay này sẽ có đảm nhận nhiệm vụ gì? Mời bạn xem TẠI ĐÂY