Với giá khởi điểm 10.638 đồng/cổ phần, đã có 5 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, gồm 01 tổ chức và 04 cá nhân, với tổng lượng đăng ký mua là 4.260.000 cổ phần – cao hơn không đáng kể so với khối lượng đem bán.
Trong đó, khối lượng đặt cao nhất là 4 triệu cổ phần, khối lượng đặt thấp nhất là 30 nghìn cổ phần.
Được biết, khối lượng đặt mua cao nhất (4 triệu cổ phần) nêu trên là của nhà đầu tư tổ chức duy nhất tham dự phiên đấu giá. Trong khi tổng khối lượng đặt mua của 4 nhà đầu tư cá nhân là 260 nghìn cổ phần.
Kết quả cho thấy, nhà đầu tư tổ chức hiếm hoi trên cũng là nhà đầu tư trúng đấu giá duy nhất trong phiên đấu giá.
Nhà đầu tư này đã bỏ giá 10.640 đồng/cổ phần – mức giá đặt mua cao nhất, nhưng chỉ hơn mức giá khởi điểm có 2 đồng – và trúng đấu giá toàn bộ 4 triệu cổ phần PVN-SSG mà OceanBank đã đem bán.
Phiên đấu giá đã được tổ chức thành công, OceanBank đã tìm được chủ mới cho 4 triệu cổ phần đầu tư ngoài ngành tại PVN-SSG. Nhưng căn cứ diễn biến thực tế trong phiên đấu có thể thấy, thị trường cũng không quá hào hứng với các cổ phần PVN-SSG.
Có 5 nhà đầu tư đăng ký tham dự - điều kiện đủ đến tiến hành phiên đấu giá - nhưng nhà đầu tư tổ chức duy nhất tham dự mới là người quyết định sự thành công của phiên đấu. Nhà đầu tư này đăng ký mua trọn vẹn 4 triệu cổ phiếu PVN-SSG, bỏ giá cao hơn các nhà đầu tư khác và chính giá khởi điểm chỉ 2 đồng là đã được toại nguyện. Chưa rõ nhà đầu tư tổ chức này danh tính ra sao.
Theo giá đấu thành công 10.640 đồng/cổ phần, nhà đầu tư tổ chức này sẽ phải trả cho Ocean Bank 42,56 tỷ đồng để đổi lại việc sở hữu 4 triệu cổ phần PVN-SSG. Sau khi bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng vào giữa năm 2015, Ocean Bank đã trở thành ngân hàng 100% vốn nhà nước, nên số tiền thu được từ việc bán đấu đấu giá 4 triệu cổ phần PVN-SSG cũng có thể được coi như một nguồn lực nhà nước.
PVN-SSG có gì?
CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG tiền thân là CTCP Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh Dịch vụ Nhà ở Dầu khí – SSG được thành lập ngày 19/01/2010 trên cơ sở hợp tác giữa PVN và SSG. Công ty do 05 cổ đông sáng lập gồm: PVN (6%); PVC (25%); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí – PVI (10%); Ngân hàng TMCP Đại Dương – Ocean Bank (10%); SSG (49%) với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng.
Tháng 5/2010, Công ty đổi tên thành CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG. Và hiện đăng ký trụ sở tại số 01 đường Châu Văn Liêm, P. Phú Đô. Q. Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội – được biết đây cũng là địa chỉ của dự án Mỹ Đình Pearl do Tập đoàn SSG làm chủ đầu tư. Vốn điều lệ hiện thời của PVN-SSG là 500 tỷ đồng, thuộc sở hữu của 4 cổ đông: SSG (81,2%); Ocean Bank (8%); CTCP Hạ tầng FECON (6%); PVN (4,8%).
Sau khi ra đời, nhiệm vụ đề ra cho PVN-SSG là đầu tư, xây dựng, quản lý và kinh doanh Khu “Tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng, căn hộ cao cấp” tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Dự án này từng được biết đến nhiều dưới cái tên Tổ hợp Tháp Dầu khí - dự án đình đám một thời với thiết kế 102 tầng; gồm khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, công viên giải trí..., với tổng vốn đầu tư kiến lên tới cả tỷ USD.
Theo Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 9986/PVN-SSG, SSG sẽ hợp tác với PVN để đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp Khách sạn Dầu khí Việt Nam bao gồm tổ hợp công trình Khách sạn 5 sao – Văn phòng – Căn hộ cao cấp trên khu đất 3,8 ha tại lô X3 và dự án Xây dựng công viên giải trí – tháp Dầu khí trên khu đất 21,2 ha tại các lô đất X1 và X2, thuộc khu Công viên Văn hóa Thể thao Tây Nam Hà Nội.
Theo tìm hiểu, đến thời này, PVN-SSG chỉ còn quản lý khu đất 3,8 ha tại lô X3. Trong khi khu đất 21,2 ha tại các lô đất X1 và X2, thuộc khu Công viên Văn hóa Thể thao Tây Nam Hà Nội đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Theo đó, sau thời gian dài đình đốn, năm 2015, PVN-SSG đã thực hiện bàn giao quyền và nghĩa vụ dối với Dự án Lô đất 21,2 ha cho CTCP Đầu tư Mai Linh (Mai Linh) – doanh nghiệp “hạt nhân” của đại gia Trần Đăng Khoa (Khoa “khàn”).
Song song với việc chuyển giao này, PVN-SSG cũng chuyển giao cho Mai Linh phần nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ chi phí của PVN đã phát sinh cho công trình Trung tâm hoạt động văn hóa đa năng – Rạp Kim Đồng tại số 19 Hàng Bài (món quà PVN tặng Hà Nội nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội), tương ứng với phần diện tích 21,2 ha mà Mai Linh đã nhận từ PVN-SSG. Chi phí phát sinh cho công trình quà tặng này được tạm tính là 141,9 tỷ đồng, trong đó phần mà PVN-SSG có nghĩa vụ hoàn trả là 18,7 tỷ đồng và nghĩa vụ hoàn trả phần còn lại sẽ thuộc về Mai Linh.
Được biết, tháng 2/2017, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản, chính thức chấp thuận Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh là nhà đầu tư dự án Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Golden Palace A rộng hơn 20ha tại phường Mễ Trì và Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Đây chính là khu đất từng được phê duyệt để xây dựng tòa tháp 102 tầng do Tập đoàn Dầu khí làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện theo phê duyệt của cơ quan quản lý, công trình cao nhất tại dự án là khối chung cư 44 tầng với 762 căn hộ.
Về phần PVN-SSG, bên cạnh quỹ đất đang quản lý, thực tế kết quả hoạt động kinh doanh của công ty này không có nhiều nổi bật. Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của PVN-SSG là 580 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn liên quan đến Dự án Tổ hợp Khách sạn Dầu khí Việt Nam (453 tỷ đồng).
Khoản chi phí dở dang này gồm 3 tiểu khoản: Chi phí chuyển giao từ PVN (201 tỷ đồng); Chi phí xây dựng phát sinh (233 tỷ đồng); Chi phí tiếp quản dự án (19 tỷ đồng).
Năm 2016, PVN-SSG ghi nhận 3,2 tỷ đồng doanh thu và báo lãi sau thuế 30 triệu đồng (giảm so với mức 58 triệu đồng của 2015). Năm 2017, PVN-SSG đặt kế hoạch doanh thu thuần ở mức 3,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 94 triệu đồng./.