Một doanh nghiệp muốn mua 1,5 triệu tấn xít thải của VINACOMIN

VietTimes -- Một doanh nghiệp tại Thái Nguyên vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất mua 1,5 triệu tấn xít thải than thuộc hai mỏ than: Núi Hồng và Khánh Hòa để phục vụ nhu cầu sản xuất. Cổng thông tin Bộ Công thương đã đăng công khai thông tin này.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Đáng chú ý, Cổng thông tin Bộ Công thương không công bố danh tính cụ thể của doanh nghiệp đề nghị mua lại xít thải than.

Doanh nghiệp này giải thích, Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc (VVMI) trực thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) là đơn vị trực tiếp quản lý Mỏ Than Núi Hồng và Mỏ than Khánh Hòa.

Hai mỏ này đang có nhu cầu giải phóng mặt bằng, mở rộng sản xuất, tăng sức chứa xít thải than, tránh tràn trôi trong mùa mưa. Hằng năm, hai mỏ trên có số lượng bã xít thải than không sử dụng.

Xét về ngành nghề kinh doanh, đây là doanh nghiệp kinh doanh mua bán, tiêu thụ sản phẩm phế liệu, xít thải than, với số lượng lớn. Vì thế, doanh nghiệp này đề xuất xin mua lại 1,5 triệu tấn xít thải than để phục vụ nhu cầu sản xuất của mình.

Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp này cam kết sẽ tổ chức thi công theo đúng quy định, xử lý đất đá thải sạch sẽ an toàn vệ sinh môi trường, đồng thời đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trách nhiệm với địa phương...

Xít thải than là phế thải từ hoạt động khai thác than, thường chỉ chứa từ 5 - 8% than sạch. Từ trước đến nay, xít thải than thường được sử dụng làm vật liệu san lấp. Trong các năm qua, đã có một số nghiên cứu tận thu than từ nguồn xít thải, hoặc làm vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, về cơ bản xít thải từ hoạt động khai thác than tại Việt Nam -với hàng chục triệu tấn mỗi năm - vẫn chưa được xử lý. Và thường đổ thành các khu vực lớn, tạo nguy cơ rất cao về trượt, sụt trong mùa mưa bão.

Tại Quảng Ninh, gần như năm nào cũng xảy ra các vụ trượt núi chất thải từ hoạt động khai thác than, nhiều vụ đã gây thiệt hại nặng cho khu vực dân cư phía dưới. Cũng không ít doanh nghiệp nhận tận thu than từ xít thải. Một số vụ đã bị phát hiện khi doanh nghiệp lợi dụng xử lý xít thải để buôn than trái phép.

Trước đó, ngày 9/12/2016, Công ty TNHH Kim Phúc Hà tại Lạng Sơn cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị được xuất khẩu 300.000 tấn bụi lò thép - chất thải được tạo ra trong quá trình sản xuất thép ở Việt Nam chưa được tái chế.

Bụi lò thép được các nhà máy ở Việt Nam thu gom, đóng bao và lưu trữ trong các nhà kho không đảm bảo quy định về quản lý chất thải nguy hại với số lượng ngày một tăng mà chưa có phương án xử lý hoặc tái chế.

Công ty TNHH Kim Phúc Hà đã nghiên cứu thị trường và ký hợp đồng xuất khẩu với Công ty Hữu Hạn thương mại Phú Bang thành phố Cảng Phòng Thành Trung Quốc.

Phía Bộ Công Thương đã ủng hộ chủ trương xuất khẩu bụi lò thép của Công ty TNHH Kim Phúc Hà và khuyến khích việc làm này

.