|
Một cá nhân chi 225 tỷ đồng “thâu tóm” 25% vốn TTL từ SCIC |
Theo kết quả đấu giá bán cổ phần do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đấu giá thành công 10,5 triệu cổ phiếu TTL, tương đương 25% vốn điều lệ của Tổng công ty Thăng Long vào ngày 26/12.
Giá khởi điểm là 222,611 tỷ đồng cho cả lô cổ phần. So với lần đấu giá ở thời điểm hơn 2 năm trước, SCIC đã tăng mức giá khởi điểm thêm 14%.
Được biết, nhà đầu tư trúng giá lần này đã đưa ra mức 222,612 tỷ đồng, tương đương 21.201 đồng/cổ phần. So với thị giá của cổ phiếu TTL trên thị trường chứng khoán hôm 30/12 (12.100/đơn vị), mức giá này cao hơn 75%.
Thông tin về cá nhân chi hàng trăm tỷ đồng “thâu tóm” 25% vốn của Tổng công ty Thăng Long chưa được công bố. Song, các thông tin sẽ dần được hé lộ bởi quy định công bố thông tin đối với cổ đông lớn (nắm giữ từ 5% trở lên).
Trước đó, thông tin SCIC thoái vốn tại Tổng công ty Thăng Long đã “tạo sóng” cho cổ phiếu TTL trên thị trường chứng khoán. Mã TTL đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 5-13/12/2024, kéo thị giá từ 7.900 đồng/cổ phiếu lên 14.900 đồng/cổ phiếu, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư ở “game” thoái vốn của SCIC.
Sau chuỗi “tím” liên tiếp, cổ phiếu TTL trải qua một số phiên điều chỉnh, đóng cửa phiên 30/12 ở mức 12.100 đồng/đơn vị.
Trước SCIC, cổ đông lớn khác là Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) cũng “rút quân” khỏi Tổng công ty Thăng Long. Tháng 7/2022, Tasco bán hết thành công hơn 16 triệu cổ phiếu TTL, tương ứng 38,66% vốn. Giao dịch này giúp Tassco thu về 300 tỷ đồng.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, ngoài SCIC, các cổ đông lớn khác của Tổng công ty Thăng Long gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng TNG - cổ đông lớn nhất - nắm 50,5% vốn, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) nắm 7,16% vốn.
Ngoài Tổng công ty Thăng Long, SCIC cũng rốt ráo thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp như: đấu giá 56.868 cổ phần, tương ứng 28,43% vốn của Công ty Cổ phần Mía đường Thanh Hoá; bán 235.053 cổ phần, tương ứng hơn 3% vốn của Công ty Cổ phần Dược Khoa (DK Pharma); bán đấu giá hơn 2,7 triệu cổ phần, tương ứng 34,31% vốn của Công ty Cổ phần Thuỷ sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex)…
Tổng công ty Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp liên hợp cầu Thăng Long, được cổ phần hóa năm 2014. Đến ngày 18/1/2018, doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với mã chứng khoán TTL.
Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, xây dựng các công trình dân dụng, cho thuê nhà, văn phòng, cung cấp dịch vụ sửa chữa mặt đường, cho thuê máy móc, thiết bị…
Một số dự án tiêu biểu mà công ty đã và đang tham gia xây dựng có thể kể đến như cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu Pá Uôn, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại Hà Nội và TP.HCM…