Mộng làm ô tô điện mini cạnh tranh VinFast, Thái Hưng của ai, có gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từ một công ty gia công xuất khẩu, năm 2019, Thái Hưng bất ngờ tái cấu trúc trở thành một startup trong lĩnh vực ô tô điện, đối đầu trực tiếp với VinFast và nhiều ông lớn khác ở dòng xe cỡ nhỏ.

CTCP Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng) và Công ty Roding Mobility (Đức) vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương hiệu xe ô tô điện cỡ nhỏ, xe chuyên dụng tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Theo đó, Roding Mobility sẽ tư vấn kỹ thuật, giám sát triển khai toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ khâu thiết kế, thử nghiệm đến sản xuất hoàn chỉnh và chuyển giao công nghệ cho Thái Hưng.

Trong khi đó, Thái Hưng sẽ đầu tư sản xuất tại nhà máy ở Thái Bình và cung ứng cho thị trường Việt Nam và quốc tế.

Ở giai đoạn đầu, hai bên sẽ tập trung phát triển xe điện nội đô thị (city car) theo tiêu chuẩn L7e của Châu Âu với sản lượng dự kiến trong 3 năm đầu là 6.000 xe. Sau đó, công ty sẽ sản xuất và giới thiệu thêm 2 mẫu xe điện phân khúc hạng A.

Giới thiệu trên trang chủ website, Thái Hưng cho biết công ty đang triển khai xây dựng nhà máy cơ điện tại tỉnh Thái Bình với quy mô lên tới 9,5 triệu Euro (tương đương 254 tỉ đồng), năng lực sản xuất lắp ráp 10.000 xe điện/năm (gồm cả xe ô tô điện và xe điện hạn chế giao thông). Nhà máy này dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2023.

Cái "bắt tay" với Roding Mobility cho thấy tham vọng của Thái Hưng trong lĩnh vực ô tô điện cỡ nhỏ, song "tay chơi mới" này sẽ phải đối đầu với những tay chơi khác như VinFast hay TMT Motor - doanh nghiệp vừa cho ra mắt mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV.

Thái Hưng của ai?

vt-tran-minh-thao-thai-hung.png
Ông Trần Minh Thao - Tổng giám đốc Thái Hưng

Theo tìm hiểu của VietTimes, Thái Hưng tiền thân là CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Hàn, được thành lập vào tháng 8/2005, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là may trang phục (chi tiết: may gia công quần áo dùng trong nội địa và xuất khẩu).

Sau gần 15 năm hoạt động, tháng 5/2019, Thái Hưng thay đổi ngành nghề kinh doanh chính sang “sản xuất ô tô và xe có động cơ khác”. Cùng với đó, quy mô vốn điều lệ của công ty cũng được điều chỉnh từ mức 3 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng.

Đến tháng 9/2019, Thái Hưng tiếp tục tăng gấp đôi vốn điều lệ lên mức 100 tỉ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp do ông Trần Minh Thao làm Tổng giám đốc cũng tuyên bố tái cấu trúc trở thành một startup trong lĩnh vực xe điện.

Trước khi “bắt tay” với Roding Mobility, Thái Hưng cho biết công ty cũng đang xây dựng “Nhà máy cơ điện tử Thái Hưng số 2” để sản xuất dự án GionG EVs – thương hiệu xe điện thông minh của GionG GmbH (công ty con của Thái Hưng).

Sinh năm 1984, CEO Thái Hưng, ông Trần Minh Thao đang đứng tên người đại diện pháp luật cho Công ty TNHH World Box (World Box) và CTCP Mastertran – Chi nhánh Đà Nẵng.

Trong đó, World Box được thành lập vào tháng 1/2019, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giường, tủ, bàn, ghế. Tính đến tháng 11/2019, công ty này có vốn điều lệ 45 tỉ đồng, trong đó ông Thao góp 11,25 tỉ đồng, sở hữu 25% cổ phần.

Còn Mastertran được thành lập vào tháng 6/2011. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật hiện nay bà Bùi Thị Minh Hoa (SN 1986) – cá nhân có nhiều liên hệ với ông Trần Minh Thao.

Mặc dù đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là “bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác”, song Mastertran được thị trường biết tới với vai trò nhà phân phối độc quyền các sản phẩm Doppelherz của Queisser Pharma tại Việt Nam từ năm 2013.

Hiện nay, Mastertran đang phân phối hơn 50 sản phẩm mang thương hiệu Doppelherz, hợp tác với hơn 1.300 nhà bán lẻ dược phẩm trên toàn quốc./.