Mời “Thủ tướng chính phủ Tây Tạng” lưu vong thăm Nhà Trắng lần đầu, ông Trump chọc giận Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lãnh đạo “chính phủ Tây Tạng” lưu vong hôm 20/11 lần đầu tiên được chính quyền của ông Trump mời tới Nhà Trắng trong 60 năm để gặp Điều phối viên đặc biệt về Tây Tạng Robert Destro. Động thái này có thể khiến Bắc Kinh tức giận hơn nữa.

Ngày 20/11, Điều phối viên đặc biệt của Mỹ về Tây Tạng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Robert Destro tiếp lãnh đạo "chính phủ Tây Tạng" lưu vong Lobsang Sangay (trái) tại Nhà Trắng (Ảnh: Theweek).
Ngày 20/11, Điều phối viên đặc biệt của Mỹ về Tây Tạng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Robert Destro tiếp lãnh đạo "chính phủ Tây Tạng" lưu vong Lobsang Sangay (trái) tại Nhà Trắng (Ảnh: Theweek).

Theo nhật báo Hồng Kông Sing Tao Daily ngày22/11, “Thủ tướng Chính phủ Tây Tạng” lưu vong Lobsang Sangay hôm 20/11 cho biết trong một thông cáo báo chí: Nhà Trắng đã mời ông đến Nhà Trắng gặp ông Robert Destro, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động mới được bổ nhiệm đồng thời là Điều phối viên đặc biệt của Mỹ về Tây Tạng. Một tài liệu từ văn phòng Washington của tổ chức lưu vong người Tây Tạng bị cấm ở Trung Quốc này cho biết Lobsang Sangay đã trở thành nhà lãnh đạo của “chính phủ Tây Tạng” lưu vong tới thăm Nhà Trắng lần đầu tiên sau 60 năm. Tờ Lianhe Zaobao của Singapore ngày 21/11 đưa tin, cho rằng động thái này có thể khiến Trung Quốc tức giận hơn nữa; Bắc Kinh trước đây đã nhiều lần cáo buộc Washington có ý đồ phá hoại sự ổn định ở Tây Tạng.

Trước đó, ngày 14/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố nêu rõ rằng ông Robert Destro “sẽ tập trung vào việc thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ Trung Quốc với đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc các đại diện của ông, đồng thời bảo vệ các đặc điểm tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ độc đáo của người Tây Tạng để thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền của họ”.

Lobsang Sangay - người đứng đầu tổ chức "chính phủ Tây Tạng" lưu vong bị Trung Quốc coi là "tổ chức ly khai" chống Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Lobsang Sangay - người đứng đầu tổ chức "chính phủ Tây Tạng" lưu vong bị Trung Quốc coi là "tổ chức ly khai" chống Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Hãng Reuters ngày 21/11 bình luận rằng cuộc gặp này diễn ra vào thời điểm một loạt các vấn đề như chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, nhân quyền, Biển Đông và dịch bệnh COVID-19 đã đưa quan hệ Trung - Mỹ đến mức đóng băng. Dự kiến, động thái này của Mỹ có thể càng khiến Trung Quốc tức giận.

Theo Reuters, các quan chức Bắc Kinh trước đó đã chỉ ra rằng Mỹ đã lợi dụng Tây Tạng để mưu đồ thúc đẩy "chủ nghĩa ly khai" ở Trung Quốc. Trung Quốc từ chối tiếp xúc với ông Robert Destro và cáo buộc Lobsang Sangay là một "phần tử ly khai". Đối với vấn đề Tây Tạng, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng “Tây Tạng từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc và công việc của Tây Tạng hoàn toàn là việc nội bộ của Trung Quốc, không một thế lực bên ngoài nào được phép can thiệp”; đồng thời khẳng định “vấn đề liên quan đến Tây Tạng không phải là vấn đề dân tộc hay tôn giáo, cũng không phải là vấn đề nhân quyền, mà là một vấn đề nguyên tắc quan trọng liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Reuters cũng cho biết đầu tuần này, Lobsang Sangay đã tổ chức một số cuộc họp trực tuyến, thảo luận về "Luật ủng hộ và Chính sách Tây Tạng” và các vấn đề khác với ông Jim McGovern, Chủ tịch nhóm Trung Quốc, Ủy ban điều hành Quốc hội Mỹ và các quan chức cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/11 đã lên tiếng nghiêm khắc phê phán ông Robert Destro, nói ông này đã "vi phạm cam kết và lập trường chính sách của Mỹ về việc không ủng hộ nền độc lập của Tây Tạng và không công nhận chính phủ lưu vong này".

Tờ Sing Tao Daily cho biết, “Chính phủ lưu vong Tây Tạng” đã mô tả đây là một "động thái mang tính lịch sử", thể hiện Mỹ chính thức công nhận trung tâm hành chính Tây Tạng và nhà lãnh đạo chính trị của nó. Một số nhà phân tích cho rằng động thái này của Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh thêm giận dữ; đồng thời đây cũng là cách gây áp lực lên chính sách Trung Quốc của chính quyền mới của ông Joe Biden.

“Chính phủ Tây Tạng” lưu vong hiện có trụ sở ở miền bắc Ấn Độ hôm 21/11 đã ra thông báo cho biết Lobsang Sangay đã đến thăm Nhà Trắng lần đầu tiên vào chiều ngày 20/11 theo giờ Mỹ. "Đây là một kỳ tích lịch sử và cũng là lần đầu tiên trong 60 năm qua, một nhà lãnh đạo của chính quyền trung ương Tây Tạng được mời đến thăm Nhà Trắng". Mới tháng trước, Lobsang Sangay đã trở thành lãnh đạo “chính phủ Tây Tạng” lưu vong đầu tiên được chính thức mời tham dự cuộc họp với Trợ lý Ngoại trưởng và Điều phối viên Đặc biệt về vấn đề Tây Tạng của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuyên bố nêu rõ kể từ khi đảm nhận chức vụ vào năm 2011, trong 10 năm qua Lobsang Sangay chỉ có thể gặp gỡ các quan chức Nhà Trắng trong các cuộc họp tại địa điểm không được tiết lộ và không thể vào Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng vì chính phủ Mỹ không công nhận chính phủ Tây Tạng lưu vong. "Nhưng chuyến thăm hôm nay là sự thừa nhận chính thức của Mỹ đối với chế độ dân chủ của Trung tâm Hành chính Tây Tạng và nhà lãnh đạo chính trị của họ”. Tuyên bố cho rằng: “Đây là chuyến thăm Nhà Trắng và cuộc gặp với các quan chức Mỹ chưa từng có trong lịch sử, mở ra cơ sở lạc quan và sẽ càng trở nên chính quy hơn trong những năm tới”.

Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc Terry Branstad tới thăm Tây Tạng lần đầu tiên kể từ năm 2015, tháng 5/2019 (Ảnh: AFP).

Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc Terry Branstad tới thăm Tây Tạng lần đầu tiên kể từ năm 2015, tháng 5/2019 (Ảnh: AFP).

Lobsang Sangay, 52 tuổi, sinh ra ở Ấn Độ, cha ông là người Tây Tạng đã theo đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 lưu vong sang Ấn Độ năm 1959. Năm 1995, Lobsang Sangay nhận được học bổng của Mỹ mời sang du học và trở thành Tiến sĩ luật người Tây Tạng đầu tiên tại Đại học Harvard; năm 2010, ông được bầu làm người đứng đầu của “chính phủ Tây Tạng” lưu vong.

Vào ngày 16/10, khi Lobsang Sangay lần đầu tiên tới Bộ Ngoại giao Mỹ; Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ cực kỳ bất bình, cho rằng, “chính phủ Tây Tạng” lưu vong là “một tổ chức chính trị ly khai mưu đồ tìm cách giành độc lập cho Tây Tạng" không được bất cứ quốc gia nào công nhận, đồng thời mô tả Lobsang Sangay là một “phần tử ly khai chống Trung Quốc"; tuyên bố Trung Quốc “kiên quyết phản đối mọi hình thức tiếp xúc với ông ta của quan chức bất kỳ quốc gia nào”.

Sing Tao Daily nhận xét, chính quyền của ông Donald Trump gần đây liên tiếp đưa ra một số biện pháp khiến Bắc Kinh tức giận, bao gồm tổ chức cuộc đối thoại kinh tế chính thức với Đài Loan, cấm người Mỹ đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc và sắp xếp các chuyến thăm chính thức tới Đài Loan. Trang web trực tuyến Mỹ Axios tuyên bố ông Trump muốn sử dụng điều này để củng cố chính sách Trung Quốc của mình, khiến người kế nhiệm ông là Joe Biden, khó có thể thay đổi đường lối hiện tại.