Theo quy định tại dự thảo, mỗi cá nhân sẽ được sử dụng số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 5 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động.
Với quy định này, mỗi cá nhân có quyền sở hữu 5 số thuê bao trả trước của một nhà mạng, nhiều hơn so với quy định trước đây là 3 số thuê bao.
Dự thảo thông tư cũng bỏ quy định “Trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 100 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động”, mà quy định số lượng SIM di động trả trước dành cho thiết bị chỉ phải phù hợp với quy mô và hoạt động của cơ quan, tổ chức và được cấp theo mã mạng viễn thông di động mặt đất dành cho thiết bị theo quy định tại thông tư số 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014 của Bộ TT&TT.
Theo dự thảo, sau 72 giờ kể từ khi hoàn thành đăng ký thông tin thuê bao, nếu thuê bao không thực hiện gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến doanh nghiệp viễn thông di động để kích hoạt dịch vụ thì thông tin thuê bao đã đăng ký sẽ bị hủy. Chủ thuê bao muốn sử dụng dịch vụ phải làm thủ tục như đối với thuê bao mới.
Về trách nhiệm của các nhà mạng, dự thảo thông tư sửa đổi một số điểm mới như định kỳ tháng đầu tiên của mỗi quý, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải “áp dụng các biện pháp kỹ thuật và nhân công kiểm tra, rà soát, phát hiện các thông tin thuê bao không chính xác, không rõ ràng, chưa đầy đủ, bị trùng lặp; tần suất, thời gian đăng ký không hợp lý và các sai phạm khác”.
Trường hợp có sai phạm, nhà mạng thực hiện đăng ký lại thông tin theo quy định.
Sau 10 ngày kể từ khi chủ thuê bao nhận được thông báo nhưng không đăng ký lại thông tin theo đúng quy định, nhà mạng sẽ tạm dừng hoạt động (khóa chiều gọi đi) của thuê bao đó và chấm dứt hoàn toàn hoạt động sau 30 ngày.
Trước ngày 10 hằng tháng, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm báo cáo Sở TT&TT số lượng thuê bao được đăng ký thông tin thuê bao tại mỗi điểm đăng ký thông tin thuê bao trên địa bàn của tháng trước đó.
Theo Tuổi trẻ