Mở rộng thị phần vận tải biển

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, việc huy động vốn cho phát triển đội tàu biển không hề dễ dàng, do đó Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang trải thảm đỏ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh đội tàu bằng cơ chế, hành lang pháp lý linh hoạt.
Tàu biển trước khi rời cảng Hải Phòng đều được kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định hàng hải quốc tế.

Doanh nghiệp vận tải biển khó ra biển lớn

Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) đưa ra thực tế: Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước hiện khó “vươn ra biển lớn” và câu chuyện hàng nội đi tàu ngoại không còn mới. Thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu trong nước mới chỉ chiếm khoảng 10 - 15%, trong đó thị phần vận tải hàng khô chiếm 12%, hàng container chiếm 8%, hàng lỏng chiếm 8%. Đội tàu Việt Nam chủ yếu chỉ vận tải hàng xuất nhập khẩu đi các nước Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Á, còn các thị trường lớn như châu Mỹ, châu Âu chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Đội tàu container của Việt Nam cũng chủ yếu chỉ vận tải nội địa, gom hàng cho các hãng tàu mẹ chứ chưa có tàu chạy thẳng.

Hiện có khoảng 40 hãng tàu nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, song các hãng tàu này đang có xu hướng liên kết, chiếm lĩnh thị phần vận tải và tăng khả năng cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải biển trong nước càng thêm yếu. Khảo sát của Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng cho thấy: Thị phần vận tải đội tàu trong nước hiện nay thấp là do thói quen mua CIF, bán FOB (mua tại cảng đến, bán tại cảng đi) của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước. Các chủ hàng nội quen với tập quán bán FOB, dẫn tới người mua hàng ở nước ngoài được “mua tận gốc” và có quyền chỉ định tàu chuyên chở, còn các chủ hàng ngoại lại chỉ thích bán CIF tức là “bán tận ngọn” và giành luôn quyền chọn tàu chở hàng.

Trong khi đó, cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước về phát triển đội tàu chưa đồng bộ, chưa phát huy được hết tác dụng, khiến đội tàu biển không được hỗ trợ giảm thuế, phí và cơ chế khuyến khích đầu tư nâng cấp đội tàu. Do vậy, doanh nghiệp trong nước chủ yếu phát triển đội tàu theo hướng tự phát, thiếu chiến lược lâu dài, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả.

Kêu gọi đầu tư

“Khâu yếu của đội tàu biển Việt Nam hiện nay là cơ cấu đội tàu chưa hợp lý. Đội tàu có hơn 1.800 chiếc, nhưng số lượng tàu nhỏ, tàu hàng rời quá nhiều, trong khi các tàu chuyên dụng, tàu chở container, tàu chở dầu, khí hóa lỏng chiếm rất ít. Ngoài ra, dù các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam rất nhiều, với khoảng 600 doanh nghiệp, song có trên 500 doanh nghiệp thuộc khối tư nhân và chỉ chiếm 1/4 tổng trọng tải. Điều này cho thấy phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ ”, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu phân tích.

Do đó, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật khẳng định: Tái cơ cấu đội tàu, giảm thuế cho hàng xuất khẩu đi tàu nội, tạo liên kết chủ tàu - chủ hàng... là những giải pháp cần thiết để phát triển đội tàu biển Việt Nam trong xu thế cạnh tranh hiện nay. Vận tải biển trong nước cần một cuộc “đại phẫu” bắt đầu từ đội tàu, tiếp theo là các chính sách ưu đãi doanh nghiệp từ các cơ quan chức năng.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), đội tàu biển Việt Nam đứng thứ 29 trên thế giới và thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (gấp 15 lần tổng trọng tải đội tàu Việt Nam), Malaysia (2,9 lần), Philippines (1,8 lần).

Bộ GTVT đã phê duyệt đề án huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực hàng hải đến năm 2020, trong đó chú trọng phát triển vận tải biển, với mục tiêu hiện đại hóa đội tàu hiện có. Theo tính toán từ nay đến năm 2020, phải cần ít nhất 2 tỷ USD mới nâng cao được thị phần vận tải xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam. Bộ GTVT đang tạo mọi cơ chế kêu gọi nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhà đầu tư có thể góp vốn với tỷ lệ lên đến 49% để tham gia phát triển vận tải biển Việt Nam.

Triển khai đề án này, từ đầu năm đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam trình Bộ GTVT danh mục 41 dự án cho giai đoạn 2015 - 2020, với tổng vốn đầu tư gần 43.000 tỷ đồng. Trong số này, có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng hải, 19 dự án cảng biển, ba dự án hệ thống hàng hải điện tử và 9 công trình neo đậu, tránh trú bão. Hiện đã có khá nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia các dự án này như: Dự án đầu tư, nâng cấp luồng vào cảng Hòn La cho tàu đến 20.000 DWT (Công ty Linh Thành), đầu tư xây dựng cảng Tiên Sa - Đà Nẵng giai đoạn 2 (Công ty Cảng Đà Nẵng), dự án đầu tư xây dựng cảng khách quốc tế Dương Đông (Tập đoàn Vingroup)...

Ngay trong giai đoạn 2015 - 2016 cũng có 3 dự án đang được các nhà đầu tư tư nhân đăng ký tham gia và chuẩn bị được triển khai gồm: Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (Giai đoạn 2) theo hình thức đối tác công tư, có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến luồng Thọ Quang cho tàu đến 10.000 DWT, tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng; dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp tuyến luồng Nghi Sơn cho tàu đến 50.000 DWT theo hình thức đối tác công tư, có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.

Theo: Báo Tin Tức