Nghịch lý của báo chí Việt Nam
Các tờ báo quốc tế có nguồn thu chính từ độc giả đã tăng trưởng vượt trội trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19. Bằng chứng là phiên bản online của tờ The New York Times đã có thêm hơn 500.000 thuê bao trong quý 1/2020.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lượng công việc của những người làm báo không ngừng tăng lên. Tuy vậy, có một nghịch lý là nguồn thu của cả báo giấy và báo online đều giảm.
Thống kê không đầy đủ của Bộ TT&TT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều cơ quan báo chí sụt giảm đến 50%, thậm chí 60-70% doanh thu bất chấp việc số người đọc báo tăng lên. Lý do của điều này là bởi sự phụ thuộc quá lớn của báo chí Việt Nam vào nguồn thu quảng cáo.
|
Phần lớn các tờ báo mạng tại Việt Nam đều chưa có được nguồn từ độc giả.Ảnh: Trọng Đạt
|
Phần lớn các tờ báo mạng Việt Nam chưa có nguồn thu từ người dùng với tư cách độc giả. Với đơn vị duy nhất thu tiền từ người đọc báo là trang Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam, dù chưa có số liệu thống kê chính thức, số tiền thu từ độc giả chắc chắn chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nguồn thu của báo.
Đây là một nghịch lý của báo chí Việt Nam bởi thu phí người đọc báo online đang là xu thế chung của báo chí thế giới. Theo Báo cáo Global Digital Subscription của Mạng lưới truyền thông toàn cầu (FIPP), số lượng thuê bao đọc báo điện tử đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2019.
Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu Báo chí Reuters cũng cho thấy, 50% lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 32 quốc gia kỳ vọng việc thu phí báo điện tử sẽ là nguồn thu chính trong thời gian tới.
Làm sao để thu tiền từ người đọc báo online?
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí phải bảo vệ bản quyền của mình mới đảm bảo được việc thu phí, từ đó mới có nguồn thu.
Nếu tiếp tục tình trạng đọc báo online miễn phí như hiện nay, báo chí rất khó tồn tại chứ chưa nói đến phát triển. Do vậy, Hội Nhà báo mong muốn trở thành trung tâm kết nối để bảo vệ tốt hơn nữa bản quyền báo chí, nhất là các tác phẩm được phát hành trên các báo điện tử.
|
Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ bàn về câu chuyện thu phí người đọc báo online. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, muốn thu phí bạn đọc, các cơ quan báo chí cần làm được tối thiểu 3 việc khó.
Thứ nhất là làm sao phát triển được các nội dung thu được tiền. Đó phải là nội dung mà người đọc thực sự quan tâm.
Thứ 2 là làm sao để có được công nghệ thanh toán tiện lợi cho người đọc báo.
Nếu thanh toán qua tài khoản viễn thông, tỷ lệ ăn chia giữa người làm báo và nhà mạng hiện là 30-70. Đây là tỷ lệ đang dùng chung không chỉ cho báo chí mà cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số. Điều này cần được giải quyết bằng cách cân đối lại tỷ lệ ăn chia, tiến tới sẽ cá thể hóa tùy theo từng nhà cung cấp nội dung.
Với điều thứ 3, báo chí phải trả lời được câu hỏi rằng mình có sẵn sàng trở thành một doanh nghiệp hay không? Khi đó, bạn đọc sẽ là khách hàng, những người làm báo phải tôn trọng khách hàng của mình như một doanh nghiệp thực thụ.
Bên cạnh đó, thay vì cấp ngân sách, Chính phủ và các địa phương nên đặt hàng báo chí thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền theo các chủ đề, sự kiện lớn. Những đơn vị này cũng nên tiên phong bằng cách trở thành chính khách hàng, thuê bao trả tiền của các cơ quan báo chí.
Mô hình kinh tế mới nào cho báo chí?
Để giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo, báo chí cần đa dạng hóa nguồn thu. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, ngoài nguồn thu từ quảng cáo và độc giả online, còn nhiều nguồn thu khác mà báo chí có thể khai thác.
Một trong những hình thức kiếm tiền phổ biến của báo chí toàn cầu là đại diện truyền thông (agency). The New York Times - một trong những tờ báo lớn nhất thế giới có một bộ phận riêng để sản xuất nội dung quảng cáo với tên gọi T-Brand Studio.
Thực tế cho thấy, các cơ quan báo chí hiểu người dùng, có nhiều kỹ năng xử lý nội dung hoàn toàn có thể đứng ra trở thành một công ty truyền thông quảng cáo.
|
Nhiều công nghệ mới đang được thế giới ứng dụng nhằm thay đổi bộ mặt của các cơ quan báo chí. Ảnh: Trọng Đạt |
Tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí cũng đã đa dạng hóa nguồn thu bằng việc đứng ra tổ chức các sự kiện. Đó có thể là các sự kiện mang tính chuyên ngành, các buổi gala gặp mặt kết nối người dùng với thương hiệu,...
Thậm chí, các tòa soạn có thể tổ chức các sự kiện và kiếm về doanh thu từ việc bán vé. Hiện nay, nhiều người trẻ sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm các sự kiện của cơ quan báo chí.
Thương mại điện tử cũng là một cách mà những người làm báo có thể kiếm tiền. Điều này được thực hiện bằng cách phối hợp với các sàn thương mại điện tử. Một đường link trỏ tới nơi bán sẽ hiện ra cùng với các nội dung có liên quan trên mặt báo. Tòa soạn báo nhờ thế sẽ được hưởng hoa hồng.
Cấp phép thương hiệu là một hướng đi mà nhiều tờ báo có thể quan tâm. Điều này giống với việc nhượng quyền thương hiệu cho một tổ chức khác để lấy đó làm tên gọi cho một dòng sản phẩm mới.
Trên thế giới, tờ Washington Post là minh chứng sinh động cho việc bán hệ thống cms của mình cho các cơ quan báo chí khác. Tờ báo này thậm chí kỳ vọng có thể thu về 100 triệu USD mỗi năm từ việc bán cms trong vòng 3 năm tới. Đây cũng là cách để những cơ quan báo chí có hệ thống lớn, hoạt động trơn tru kiếm ra tiền từ chính bộ máy của mình.
Ngoài những hình thức kể trên, còn rất nhiều mô hình kinh doanh khác mà báo chí có thể khai thác như môi giới dữ liệu, đầu tư, bán nội dung đã xuất bản,... Không quan trọng là hình thức nào, việc đa dạng hóa nguồn thu sẽ giúp báo chí Việt Nam phát triển và bớt phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo.
Theo VietNamNet