|
Luật sư |
Vụ án đã dằng dai hơn một chục năm, bản thân người tử tù và gia đình đã liên tục kêu oan, tới đây việc xem xét lại vụ án này theo thủ tục Giám đốc thẩm có khả năng sẽ thành bước ngoặt giúp thay đổi số phận của bị cáo.
Vậy nếu đây là một vụ án oan thì điều này có làm mất đi niềm tin vào nền tư pháp hay ngược lại việc minh oan liệu sẽ giúp tạo dựng niềm tin vào công lý?
Là một luật sư từng giúp minh oan thành công cho một tử tù, tôi xin chia sẻ câu chuyện của mình cùng một vài suy nghĩ nhận định, qua đó giúp cộng đồng có thêm cơ sở để đánh giá về nền tư pháp.
Đáng tin hơn
Năm 2016 một tử tù ở Bắc Giang là ông Hàn Đức Long đã được trả tự do về nhà sau 11 năm đi tù với 4 bản án tử hình về tội Giết người và hiếp dâm trẻ em. Bản thân tôi có quãng thời gian 6 năm theo đuổi việc minh oan cho đến lúc thành công cuối cùng.
|
Theo phân tích của LS Ngô Ngọc Trai, Hàn Đức Long không phải là thủ phạm trong vụ án, mô tả trong hồ sơ chỉ là kết quả từ sự tưởng tượng của cán bộ điều tra... Ảnh: PLO.
|
Trong một cuốn sách được viết sau đó kể lại hành trình minh oan, tôi có viết rằng vụ án Hàn Đức Long đã trở thành một dấu mốc của nền tư pháp, đó là hệ quả của một thời kỳ pháp luật về tố tụng hình sự còn nhiều bất cập khiếm khuyết.
Việc minh oan cho thấy sự trưởng thành của các ban ngành tư pháp khi đã vượt lên chính mình, dám chấp nhận oan sai, thừa nhận năng lực có giới hạn của con người.
Con người không phải là thánh thần và việc xét xử bản chất là phán đoán, cho nên trong tư cách con người thì ai cũng có thể mắc sai lầm. Vậy nên ở quốc gia nào thì cũng từng có xảy ra việc oan sai.
Nhưng để thừa nhận được cái điều vốn dĩ là tất yếu này thì cũng cần đến cả một quá trình thúc đẩy với biết bao nỗ lực động viên, qua biết bao vụ án.
Việc minh oan theo đó sẽ tạo niềm tin vào năng lực thực thi công lý của nền tư pháp. Chính việc cơ quan tư pháp thừa nhận sai lầm trong hệ thống của mình thì đó là cái công lý đáng tin hơn cái công lý của một nền tư pháp không biết đến lỗi lầm khiếm khuyết.
Trong cuốn sách của mình tôi cũng cho rằng vụ án Hàn Đức Long rồi sẽ tạo thêm niềm tin động lực cho nhiều trường hợp đang vướng vòng lao lý, nhiều trường hợp đã theo đuổi việc kêu oan trong nhiều năm nhưng chưa thành công, họ sẽ được động viên khích lệ từ vụ án này.
Nhưng ai là hung thủ?
Vụ án Hồ Duy Hải chưa biết kết quả sẽ ra sao, nhưng nếu tử tù Hồ Duy Hải được minh oan thì liệu cơ quan tố tụng có tìm ra được thủ phạm thực sự của vụ án?
|
Bị cáo Hồ Duy Hải tại phiên tòa phúc thẩm – Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
|
Trong vụ án Hàn Đức Long hành trình bào chữa minh oan của tôi đã khép lại thành công với việc tử tù được ngành tư pháp tổ chức xin lỗi công khai. Nhưng vụ án vẫn chưa tìm ra được hung thủ thật sự.
Nhiều khúc mắc vẫn tồn tại, liệu có thật bị cáo bị oan hay không? Hay chỉ vì không tìm ra được chứng cứ thuyết phục để khép tội? Và nếu đúng vậy thì phải chăng vẫn cần phải tiếp tục nghi ngờ bị cáo?
Trong nhận thức của nhiều người, chỉ khi nào kẻ phạm tội thực sự được tìm ra thì mới có thể minh oan được cho bị cáo. Đây là một nhận thức sai và không công bằng vì trách nhiệm điều tra chứng minh thủ phạm thuộc về cơ quan tư pháp chứ không thuộc về bị can.
Nhưng trên thực tế lại có nhiều dẫn chứng cho thấy suy nghĩ như vậy là đúng, vì các vụ án oan của các ông Nguyễn Thanh Chấn hay Huỳnh Văn Nén trước đó cũng chỉ được minh oan sau khi đã tìm ra được hung thủ, trong khi nhiều vụ kêu oan khác vì chưa tìm ra được hung thủ nên có ai được minh oan đâu.
Xét một cách duy lý thì một người tử tù sau nhiều năm bị điều tra nghiêm ngặt mà vẫn chưa bị chứng minh một cách thuyết phục rằng đã thực sự phạm tội, thì có thể nói là người đó đã vượt qua được thử thách và không còn đáng bị nghi ngờ nữa.
Bởi đến ngay cả những cán bộ tư pháp với sự dạn dày trong nghề nghiệp, nắm hồ sơ chứng cứ trong tay và tiếp xúc với bị can, mà còn phải chấp nhận thực tế là bị can không phải là thủ phạm, thì việc một người bình thường ở bên ngoài cứ giữ niềm tin bị can là hung thủ, là điều vô lý.
Một người có nhận thức đúng đắn duy lý sẽ không làm vậy bởi như thế là không có căn cứ, là vô nghĩa. Chỉ cần sau khi điều tra mà không chứng minh được tội phạm thì phải xác định là người ta bị oan, nếu đã bắt giam và xét xử người ta thì phải minh oan, xin lỗi, bồi thường.
Đó là toàn bộ những gì mà pháp luật đã thiết lập cho bất kỳ vụ án nào và trong trường hợp này thì người dân có thể đặt niềm tin vào sự thấu lý đạt tình cho một quy trình pháp lý như vậy.
Điều này bản thân nó đã được thể chế hóa thành quy định pháp luật, cụ thể Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, tại Điều 13 đã quy định nguyên tắc: Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Theo đó việc kết luận người bị buộc tội không có tội không phụ thuộc vào việc phải tìm ra được thủ phạm của vụ án, việc xử lý minh oan cho vụ án Hàn Đức Long năm 2016 chính là một bước đi sớm thực hiện nguyên tắc này của luật.
Trong cuốn sách của mình tôi đã nhận định rằng nguyên tắc pháp luật mới này sẽ mở ra cánh cửa cơ hội cho nhiều trường hợp kêu oan. Và tới nay điều luật này khả năng cũng sẽ là cơ sở cho việc minh oan cho tử tù Hồ Duy Hải.
Nỗi đau còn đó
Song điều đó đồng nghĩa với một thực tế là khi thủ phạm vẫn chưa được tìm ra thì nỗi đau nạn nhân vẫn còn đó và công lý vẫn chưa được thực hiện.
Hôm tổ chức buổi lễ xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long tại địa phương do Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiến hành, gia đình nạn nhân đã phản ứng dữ dội và cản trở không để buổi xin lỗi được diễn ra bình thường.
|
Buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long diễn ra trong sự hỗn loạn do gia đình nạn nhân không đồng tình việc xin lỗi ông Hàn Đức Long. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam.
|
Người nhà nạn nhân hỏi rằng tại sao ngày trước các ông tuyên án tử hình bây giờ lại về xin lỗi, chúng tôi biết tin vào đâu và ai là người giết con tôi? Họ yêu cầu phải tìm ra được thủ phạm rồi hẵng xin lỗi.
Yêu cầu của gia đình nạn nhân trong bối cảnh đó cũng nhận được sự cảm thông chia sẻ của nhiều người. Nhưng nó không công bằng cho bị cáo, bởi mặc dù gia đình nạn nhân chịu nỗi đau mất con nhưng bản thân tử tù và gia đình cũng chịu nỗi oan thấu trời bị rẻ rúng trong nhiều năm mà tưởng chừng như đã bị lấy mất đi sinh mạng.
Cả hai đều là nạn nhân của nền tư pháp còn có những yếu kém, lầm lỗi. Thực tế này đòi hỏi ngành tư pháp phải trau dồi nâng cao trình độ nghiệp vụ, cùng với trang bị những phương tiện hiện đại để có thể phá án.
Ngoài ra cũng cần thay đổi nhận thức chủ quan, sửa đổi quan điểm lâu nay luôn đòi hỏi ngành tư pháp phải vừa không bỏ lọt tội phạm lại vừa không làm oan người vô tội và gắn điều đó với việc xác định thành tích và bổ nhiệm thăng chức cán bộ.
Cơ chế đòi hỏi kép như vậy đã dẫn đến hệ lụy là trong khi bỏ lọt tội phạm là cái dễ quy trách nhiệm ngay thì việc gây oan sai lại là cái còn có thể tranh cãi.
Việc gây ra oan sai, do sự mù mờ của thực tế thêm vào đó là sự lớn quyền áp chế, thì người ta còn có thể bao biện chối cãi được, và qua đó giảm được trách nhiệm phải gánh chịu đi phần nào.
Còn bỏ lọt tội phạm lại là việc dễ nhìn thấy, dễ đưa cơ quan tố tụng đến với trách nhiệm khắc nghiệt, gây ảnh hưởng đến kết quả đánh giá năng lực và bổ nhiệm chức vụ cho nên người ta ít mắc hơn,
Giữa hai cái cực phân xử oan sai và bỏ lọt tội phạm, thì áp lực dễ xô người ta đến cực đầu hơn. Và đó là chỗ bị cáo phải gặp rủi ro.
Chúng ta cần tiến lên thật nhanh để tránh được thái cực này.