Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cả nước hiện có 41 nhà máy đường, với tổng công suất thiết kế trên 150.000 tấn mía/ngày (TMN), sản lượng trên 1 triệu tấn đường/năm. Tuy nhiên, trong số 41 nhà máy, có tới 22 nhà máy quy mô nhỏ, công suất thấp (dưới 3.000 TMN) với công nghệ, quy trình sản xuất lạc hậu.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng, nếu hạn ngạch thuế quan đối với đường như cam kết Hiệp định ATIGA trong khối ASEAN chính thức được áp dụng vào đầu năm 2018, các nhà máy sẽ càng gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối diện với nguy cơ đóng cửa do thua lỗ và kém cạnh tranh.
Theo đó, để duy trì sản xuất và đảm bảo sản lượng đường, các nhà máy hoàn toàn có thể chuyển đổi hình thức sản xuất sang nhập đường thô tinh luyện, điều này đồng nghĩa với việc ngừng thu mua mía của nông dân, có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống việc làm, thu nhập của hơn 33 vạn hộ nông dân và 1.5 triệu lao động nông nghiệp trong đó có 10 vạn công nhân trong các nhà máy đường. Ước tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong trường hợp các nhà máy tiếp tục duy trì thu mua mía để sản xuất thì áp lực cạnh tranh về giá thành và chi phí sản xuất cũng sẽ buộc các doanh nghiệp phải giảm giá thu mua mía, dẫn đến thu nhập của người trồng mía sụt giảm.
"Các doanh nghiệp đang đứng trước bài toán cân đối giá thành đảm bảo cạnh tranh và duy trì được sự đồng hành của nông dân trồng mía", lãnh đạo một công ty chia sẻ.
Với hơn 219.000 ha diện tích đất canh tác mía tính đến đầu niên vụ 2017 - 2018, ngành nông nghiệp sẽ khó có thể tìm cây trồng có hiệu quả hơn để thay thế.
Theo tính toán của một chủ doanh nghiệp, điều này không chỉ gây lãng phí về ngân sách, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng vật chất đã đầu tư cho canh tác mía và sản xuất đường mà còn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, thu nhập nông dân và tác động không nhỏ đến vấn đề xã hội, an ninh trật tự, nhất là vùng biên giới giáp Lào và Campuchia, như Kontum, Gia Lai, nơi chỉ trồng được cây mía, góp phần ổn định người dân bám trụ giữ đất.
Các nhà máy đường đang "phải tính toán"
Tháng 3/2017, một doanh nghiệp đường có quy mô lớn là CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) đã công bố kế hoạch đầu tư xây dựng dây chuyền luyện đường từ đường thô ra đường RE với công suất 1.000 tấn/ngày thuộc dự án mở rộng công suất Nhà máy đường An Khê.
Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất đường RE ước tính công suất hơn 200.000 tấn/năm này, dự án nhằm thực hiện chuyển hóa đường nguyên liệu nhập từ các nước ASEAN, công ty sẽ sản xuất ra đường RE bán cho các ngành công nghiệp bánh kẹo và đồ uống.
Tương tự, ngày 01/11/2017 vừa qua, CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (Mã chứng khoán: SBT) chính thức công bố thông tin về việc triển khai thực hiện báo cáo đầu tư nâng công suất tại các nhà máy trong giai đoạn 2018 - 2019 với tổng giá trị trên 368 tỉ đồng.
Cụ thể, SBT đầu tư nâng công suất luyện đường thô tại 2 nhà máy: nhà máy TTCS từ 200.000 tấn/ năm lên mức tối thiểu 300.000 tấn/năm và nhà máy BHS Ninh Hòa từ 100.000 tấn/năm lên tối thiểu 180.000 tấn/năm. Các hạng mục đầu tư bao gồm hệ thống sấy bã mía, đầu tư mới lò hơi đốt than công suất lần lượt đạt 60 tấn/giờ và 50 tấn/giờ, giá trị đầu tư dự kiến lần lượt là 234 và 134 tỉ đồng.
Như vậy, theo đúng kế hoạch, tổng sản lượng đường luyện từ đường thô của SBT sẽ gấp đôi hiện tại trong niên vụ 2018 - 2019 tới.
Trên thực tế, khoảng 50% công suất thiết kế của các nhà máy đường trong nước là sản xuất đường tinh luyện (hiện có 11 nhà máy sản xuất đường luyện từ mía và 1 nhà máy đường luyện từ đường thô).
Trong những năm qua, bên cạnh việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước (từ mía, đường thô), một số nhà máy đường vẫn đang nhập khẩu nguyên liệu đường thô để tinh luyện, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động và doanh thu nhà máy.
Đây cũng là phương thức mà nhiều nước trên thế giới có khả năng luyện đường thô đã thực hiện để cung cấp trong nước thay vì nhập đường tinh luyện. Việc nhập đường thô cũng được VSSA đánh giá là góp phần tiết kiệm ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo đó, có thể thấy, trước áp lực hội nhập, các doanh nghiệp vẫn có thể chủ động duy trì sản xuất và đảm bảo sản lượng đường trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu. Việc đầu tư xây mới hoặc nâng cấp hệ thống luyện đường thô như một số doanh nghiệp đã và đang triển khai cũng góp phần tiết giảm giá thành sản xuất để đảm bảo năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, bài toán giải quyết công ăn việc làm và ổn định đời sống của hơn hàng chục vạn hộ nông dân và hàng triệu lao động vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ khi các doanh nghiệp chuyển sang luyện đường thô.
Theo nhiều doanh nghiệp, việc kéo dãn lộ trình hội nhập không chỉ tạo điều kiện cho ngành đường trong nước nâng cao năng lực nội tại từ khâu sản xuất, chế biến cho đến phân phối mà còn góp phần quan trọng cho việc ổn định đời sống của hàng triệu hộ nông dân và người lao động. Cây mía không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, nếu có kế hoạch phát triển bài bản, đây sẽ là cây làm giàu cho người nông dân như Thái Lan./.