Phương tiện thông tin đại chúng thường đưa tin: hệ thống tác chiến điện tử (TCĐT) lạ thường xuyên hoạt động ở khu vực vịnh Kerch. Các máy bay trinh sát, máy bay không người lái (UAV) đi vào khu vực này đều được hệ thống (TCĐT) lạ này “chăm sóc” rất chu đáo. Tờ AiF của Nga đã phân tích thực hư sự việc này.
Những sự cố mới xảy ra ở khu vực vịnh Kerch
Hồi trung tuần tháng 10/2021, một chiếc máy bay trinh sát của Mỹ Boeing RC-135W Rivet Joint khi đang thực hiện hoạt động trinh sát gần vịnh Kerch, bỗng nhiên đường truyền dữ liệu giữa RC-135W Rivet Joint với hệ thống định vị GPS ngưng hoạt động. Những sự cố như vậy thường xuyên xảy ra, có điều lạ, là nó xảy ra đúng trên cùng một khu vực. Giới chuyên gia nhận định, hệ thống TCĐT và chế áp điện tử đã được triển khai quanh khu vực vịnh Kerch.
Hệ thống tác chiến điện tử của Nga hoạt động như thế nào
Hệ thống TCĐT được quân đội Nga sử dụng để bảo vệ các căn cứ quân sự trước âm mưu tấn công từ trên không của đối phương bằng máy bay trinh sát và máy bay không người lái. Các tổ hợp TCĐT sẽ vô hiệu hóa thiết bị radar trên máy bay của đối phương, thiết bị dẫn đường của bom và tên lửa, gây nhiễu đối với máy bay không người lái. Thông thường hơn cả là tổ hợp TCĐT phân tích tín hiệu và gây nhiễu từ trường cho đối phương.
Những vụ việc tương tự
Các máy bay trinh sát của Mỹ thường xuyên bay dọc biên giới Nga, quỹ đạo chủ yếu là: Bắc Âu, biển Baltic, Biển Đen. Ngày 27/11/2018, khi cách bán đảo Crimea 31 km, hệ thống định vị GPS cũng bị gián đoạn đối với máy bay tuần tra mang số hiệu 168848 của phi hành đoàn 26 thuộc Hải quân Hoa Kỳ. Sự cố tương tự cũng xảy ra đối với máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk, khi chiếc UAV này thực hiện hoạt động giám sát rianh giới vùng Donbass.
Lầu Năm Góc thường xuyên cáo buộc hệ thống TCĐT của Nga hoạt động ở Syria như: Krasukha-4, tổ hợp gây nhiễu Zhitel, Smarkand đã gây ra nhiều bất lợi cho các phi công của Mỹ. Chính những tổ hợp TCĐT này của Nga là thủ phạm, làm cho hệ thống định vị, hệ thống điều khiển của những máy bay trinh sát không người lái, máy bay vận tải AC-130 và máy bay trực thăng Apache bị tê liệt, khiến phi công của Mỹ đã nhiều lần phải hạ cánh khẩn cấp xuống những vùng nguy hiểm.
Ngoài sự “phàn nàn” của các phi công Mỹ, phi công của Israel cũng thường xuyên “kêu ca” rằng tín hiệu GPS của họ bỗng nhiên bị “tắt điện”, các phi công Israel cho rằng họ đang phải đối mặt với tổ hợp TCĐT “Moscow”. Không những vậy, năm 2018, NATO cũng cáo buộc Moscow đã tấn công vào hệ thống định vị GPS ở bắc Phần lan và Na uy, nơi mà cuộc diễn tập của NATO đang trong giai đoạn cao trào.
Đó là sự thực, hay chỉ là vu khống
Bộ quốc phòng Nga đã thông báo từ trước, rằng nước này sẽ bố trí hệ thống TCĐT ở tất cả những nơi mà kẻ thù tiềm năng của họ đặc biệt quan tâm. NATO thường xuyên phàn nàn rằng tàu chiến của họ không thể tổ chức hoạt động trinh sát vùng duyên hải của Nga vì hệ thống TCĐT của nước này hoạt động rất hiệu quả. Bộ quốc phòng Nga cũng nói rõ là hệ thống TCĐT của Nga rất đa dạng, các hệ thống này có thể vô hiệu hóa thiết bị radar trên máy bay tấn công, máy bay trinh sát và máy bay không người lái của đối phương. (Nga không cung cấp thông tin về hoạt động cụ thể của các hệ thống đó).
Hiện nay, Nga có những hệ thống TCĐT nào
Thiết bị TCĐT của Nga rất đa dạng, chúng có thể làm cho các loại vũ khí của đối phương mất khả năng định hướng. Từ năm 2012 đến 2021, quân đội Nga được trang bị hơn 20 mẫu thiết bị TCĐT, (trong đó có nhiều mẫu mới), bán kính hoạt động của các thiết bị này lên tới vài trăm km.
Để triệt tiêu khả năng hoạt động của UAV và vũ khí thông minh của đối phương, Nga sử dụng tổ hợp TCĐT đẩy triển vọng Pole-21, tổ hợp này có thể chế áp và gây nhiễu hệ thống định vị vệ tinh, kể cả GPS NAVSTAR của Mỹ và Beidou của Trung quốc. Khi kết hợp vài trạm gây nhiễu Pole-21 với nhau, thì phạm vi «bất khả xâm phạm» sẽ càng được mở rộng, không những thế, phạm vi này được điều chỉnh rất linh hoạt, có thể tăng vùng này, giảm vùng kia, các UAV của đối phương lọt vào vùng «chết» này sẽ mất khả năng định hướng, và trở nên vô dụng.
Hiện nay, Nga sử dụng tổ hợp TCĐT Murmansk-BN để khống chế thông tin liên lạc giữa trung tâm chỉ huy với chiến hạm và không quân của đối phương. Bán kính hoạt động của tổ hợp này đạt 5.000 km.