Hãng tin AFPdẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Steven Warren cho biết máy bay tìm kiếm không phát hiện khói hay bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy máy bay rơi. Ông Warren nhấn mạnh hi vọng khả năng chiếc máy bay đã đáp an toàn ở đâu đó.
Trận động đất hôm qua xảy ra vào khoảng 12g35 theo giờ địa phương, làm 48 người chết, hơn 1.100 người bị thương ở Nepal và 17 người ở khu vực biên giới Nepal - Bắc Ấn Độ thiệt mạng. Những cơn dư chấn liên tục xuất hiện ngay sau đó, có trận mạnh đế 6,3 độ richter.
Bộ trưởng Bộ nội vụ Nepal Bam Dev Gautam cho biết ở thung lũng Kathmandu có 8 người thiệt mạng và hai tòa nhà lớn bị sập. Trong khi đó ở quận Dolakha có đến 26 người chết. “Nhiều nhà cửa đã sập ở Dolakha, đây là nguyên nhân số người chết tăng lên”, AFP dẫn lời ông Gautam cho biết.
Tại thị trấn Chautara ở Sindhupalchowk và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác, lở đất liên tục xuất hiện làm tắt nghẽn đường sá khiến công tác cứu trợ các vùng sâu vùng xa càng trở nên khó khăn. Bệnh viện dã chiến của Hội Chữ Thập Đỏ quốc tế ở Tatopani cũng bị thiệt hại do lở đất.
Regine Kopplow, nhân viên cứu trợ người Đức cho biết ở Charikot nhiều tòa nhà đổ sập trong tích tắc. “Nhiều người vẫn còn ở ngoài đường vì dư chấn tiếp tục. Họ đã khóc, ôm lấy nhau và ngồi ngoài trời”- Kopplow cho biết.
Cư dân Kathmandu đã bắt đầu trở về nhà sau hơn hai tuần sống cảnh màn trời chiếu đất từ khi trận động đất kinh hoàng ngày 25-4, làm hơn 8.000 người thiệt mạng xảy ra. Tuy nhiên, trận động đất thứ hai này lại đẩy họ trở lại các lều tạm vì họ quá hoảng loạn và khiếp sợ. Sân bay Kathmandu, cửa ngõ chính để hàng cứu trợ quốc tế đến Nepal cũng phải đóng cửa sau trận động đất hôm qua.
Các nhà khoa học cho biết trận động đất ngày 12-5 là một phần trong chuỗi phản ứng sau động đất lớn ở Nepal.”Các trận động đất lớn thường kéo theo những trận động đất khác, thỉnh thoảng có cường độ bằng trận ban đầu” - chuyên gia nghiên cứu núi lửa Carmen Solana thuộc đại học Portsmouth của Anh cho biết.
Theo: Tuổi Trẻ