Wall Street Journal dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, khi đang thực hiện nhiệm vụ, một máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay vào khu vực 2 hải lý xung quanh đá Châu Viên, một đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh và yêu cầu Lầu Năm Góc điều tra vụ việc.
Tuy nhiên, Tư lệnh hải quân Bill Urban, người phát ngôn của Lầu Năm góc cho biết, Mỹ thường xuyên điều máy bay ném bom B-52 thực hiện nhiệm vụ trong khu vực nhưng không có kế hoạch cho phi cơ bay vào không phận trên vùng 12 hải lý của bất kỳ hòn đảo nhân tạo nào.
“Các tuyến đường bay của B-52 trong tuần này không nằm trong hoạt động tuần tra hàng hải và không được lên kế hoạch. Trong nhiệm vụ lần này, Mỹ không có ý định điều chiến đấu cơ vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo. Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại với chúng tôi về đường bay của B-52 gần đây. Chúng tôi đang xem xét vấn đề này”, Urban nói.
Lầu Năm Góc đang điều tra lý do máy bay B-52 bay gần hơn so với dự kiến như vậy. Theo một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ, thời tiết xấu có thể là nguyên nhân.
Trước đó các nguồn tin từ Washington nói Mỹ sẽ không tiến hành các hoạt động đảm bảo quyền tự do hàng hải (FONOP) trong năm nay để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh cần tập trung giải quyết tình hình IS và tình hình Trung Đông. Các hoạt động FONOP được cho là sẽ trở lại vào đầu năm tới.
Báo chí Mỹ đã đưa về mâu thuẫn giữa Nhà Trắng với Lầu Năm Góc trong lựa chọn chính sách đối với Trung Quốc ở biển Đông từ mùa hè. Lầu Năm Góc muốn các biện pháp cứng rắn hơn trong khi Nhà Trắng muốn các biện pháp mềm mỏng - điều đã trì hoãn việc quân đội Mỹ tiến hành FONOP tới sát gần cuối năm.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố, hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã "xâm phạm không phận" quanh quần đảo Trường Sa vào ngày 10/12. Quân đội Trung Quốc đã giám sát chặt chẽ đồng thời cảnh báo các máy bay dời đi.
Bộ này cho biết, vấn đề lần này và các hoạt động khác của Mỹ trong khu vực là “hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng”, gây nguy hiểm cho binh sĩ Trung Quốc và có thể làm quân sự hóa Biển Đông. Quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đá Châu Viên nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đá này nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 1.000 km. Đây là một trong 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc bồi lấp và xây dựng trái phép trong năm qua.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, kể từ giữa năm 2014, Trung Quốc bồi lấp và mở rộng khu vực này lên tới 230.000 m2, xây dựng hai sân đỗ trực thăng, các ụ súng, tên lửa và có thể có thêm hai tháp radar.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, giới hạn khu vực 12 hải lý không được áp dụng đối với các đảo nhân tạo được xây dựng trên các rạn san hô ngập nước trước đây.
Hành động bồi lấp của Bắc Kinh trên Biển Đông khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại về ý định của Trung Quốc và tương lai của tự do hàng hải ở vùng biển rất quan trọng đối với hoạt động giao thương toàn cầu.
Hồi cuối tháng 10, Mỹ điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Tới trung tuần tháng 11, Lầu Năm Góc tiếp tục điều máy bay ném bom chiến lược B-52 lướt qua vùng không phận sát các khu vực Trung Quốc bồi lấp trái phép.
Sự kiện diễn ra ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Manila, Philippines để dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), sự kiện mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tham dự.
Theo Zing