Năm 2019: Tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự bứt phá
Mở đầu bằng hai câu thơ "Mây đen che kín địa cầu/Mặt trời vẫn chiếu trên đầu Việt Nam", TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt 7,02% nhờ đóng góp chủ yếu của hai khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ.
Tăng trưởng của khu vực công nghiệp xây dựng trong các năm 2018 và 2019 là xấp xỉ nhau (ở quanh mức 8,9%) nhưng khi nhìn vào từng ngành nhỏ lại cho thấy đa số có kết quả tăng trưởng thấp hơn.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, sản xuất và phân phối điện tăng trưởng thấp hơn. Ngành xây dựng tăng trưởng 2 năm tương đương nhau. Chỉ có ngành cung cấp nước, dù chiếm tỷ trọng nhỏ, được ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn năm ngoái.
Điều này khiến vị Kinh tế trưởng VEPR không khỏi băn khoăn về cách tính toán của Tổng cục thống kê.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, đóng góp chính vào sự tăng trưởng vẫn đến từ nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thể hiện qua việc các nhà băng báo lãi lớn trong năm 2019.
Khu vực nông, lâm và ngư nghiệp năm 2019 ghi nhận đà tăng trưởng sụt giảm (đạt 2,01%) do đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ thời tiết như hạn hán, nắng nóng kéo dài; dịch tả lợn châu Phi bùng phát và sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Võ Trí Thành cho hay nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đã đạt được năm 2019, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và thách thức.
Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra những điều chưa đạt được.
“Năm 2019, trong Nghị quyết 01 có từ “bứt phá”. Nếu xét theo từ này, thì chúng ta chưa đạt. Vấn đề tăng trưởng bền vững trở nên nhức nhối, câu chuyện không chỉ là đo độ ô nhiễm mà còn là chính sách, chiến lược, cơ chế phản ứng nhanh, kể cả về mặt truyền thông. Nếu nói về bứt phá cải cách, môi trường kinh doanh còn xa so với yêu cầu. Thoái vốn, cổ phần hóa rất chậm. Đổi mới sáng tạo còn nhiều vấn đề” - ông Thành nói.
Theo TS. Võ Trí Thành, điểm sáng của năm 2019 đến từ ngành ngân hàng khi từng bước đạt chuẩn Basel 2, xử lý nợ xấu có nhiều bước tiến rõ rệt.
Mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020: Nhiều thách thức
Trong báo cáo công bố tại buổi tọa đàm, VEPR dự báo mức tăng trưởng GDP cho năm 2020 chỉ dừng ở mức 6,48%.
Nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% và lạm phát dưới 4% (theo Nghị quyết số 85/2019/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020) do những bất ổn địa chính trị trên thế giới có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của VEPR (Nguồn: VEPR) |
Theo VEPR, việc đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế là một trong những vấn đề lớn của Việt Nam trong năm 2020. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn, trong khi Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
“Mỹ là đối tác rất tinh khôn và cứng rắn trong thương mại quốc tế, Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ” - báo cáo nêu và cho biết việc thép Việt Nam bị đánh thuế đến hơn 400% trong năm 2019 vừa qua đặt ra các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Việt Nam.
VEPR cũng lưu ý việc xây dựng các “khoảng đệm” chính sách tài khóa và tiền tệ - một xu thế đã và đang được nhiều quốc gia đang phát triển áp dụng - nhằm giúp Việt Nam ứng phó tốt hơn với các cú sốc bên ngoài.
Cụ thể, trong năm 2019, bức tranh ngân sách và nợ công đã có sự cải thiện. Quy mô nợ công lớn giảm còn 56,1% sau khi gần chạm trần năm 2019.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của VEPR đánh giá đó vẫn chưa phải là “đệm tài khóa” ổn định và an toàn để đối phó với các cú sốc bên ngoài (nếu có) như nhiều quốc gia khác.
Trong khi đó, đầu tư công có dấu hiệu ách tắc, khó khăn, chi tiêu thường xuyên vẫn chưa có dấu hiệu được cắt giảm, áp lực với bội chi ngân sách, nợ công của quốc gia sẽ ngày một gia tăng.
Về chính sách tiền tệ, VEPR cho rằng cần thận trọng hơn với tăng trưởng cung tiền (khống chế trong khoảng 12%/năm). Tuy tổng phương tiện thanh toán có xu hướng tăng chậm lại trong những năm gần đây, tỷ lệ M2/GDP của Việt Nam hiện vẫn ở ngưỡng cao.
Trong bối cảnh NHNN vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, việc giảm cung tiền sẽ giúp Việt Nam có thêm dư địa chính sách tiền tệ để ứng phó với các cú sốc bên ngoài.
Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn cần phải gia tăng dự trữ ngoại hối nhằm đảm bảo năng lực chống chọi với những cú sốc bên ngoài dù cho việc lọt vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ gây ra không ít phiền toái.
TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ quan điểm cho rằng danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ mang nặng tính chính trị, Việt Nam cần tránh tình trạng rơi vào “thao túng kỹ thuật”. Nếu cần điều chỉnh tỷ giá thì điều chỉnh tỷ giá, cần mua ngoại tệ thì mua ngoại tệ, còn thặng dư hơn nữa thì vẫn phải làm để giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
“Năng lực chống chọi với cú sốc bên ngoài của Việt Nam vẫn còn yếu so với các nước. Dự trữ ngoại hối năm 2019 tăng rất mạnh. Tuy nhiên, điều này chỉ tương đương 3,7 tháng nhập khẩu, chỉ trên ngưỡng an toàn một chút. Các nước ASEAN 4, ASEAN 5 thì có tỷ lệ dự trữ ngoại hối trung bình khoảng 4 - 8 tháng nhập khẩu” - TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia này, việc tăng dự trữ ngoại hối cần “có mua có bán”, không can thiệp liên tục và không dùng tỷ giá để can thiệp vào xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - cho rằng cần phải nâng dự trữ ngoại hối lên tới 140 - 150 tỷ USD, tương đương với một nửa số nhập khẩu, nhằm giúp Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó trước các cú sốc bên ngoài khi nền kinh tế đã rất mở./.