M-commerce: Cơ hội phát triển của thương mại điện tử

Năm 2015, số lượt giao dịch qua di động (M-commerce) của một số sàn TMĐT lớn đã lên đến tỉ lệ 45-60%, cao gấp 3-4 lần so với năm 2014. Các doanh nghiệp này cũng dự báo mua sắm qua smartphone sẽ trở thành trào lưu thịnh hành trong năm nay.
Khách hàng dễ dàng chọn mua sản phẩm qua mạng thông qua ứng dụng di động Sendo - Ảnh: Sendo.vn
Khách hàng dễ dàng chọn mua sản phẩm qua mạng thông qua ứng dụng di động Sendo - Ảnh: Sendo.vn

Theo số liệu công bố vào cuối năm 2015 của Lazada Việt Nam, mua sắm trên Lazada.vn thông qua các thiết bị di động đang tăng trưởng mạnh. Lazada Việt Nam cho biết, tổng số lượng giao dịch trên thiết bị di động đã chiếm tới 60% trong năm 2015. Một số doanh nghiệp bán hàng trực tuyến khác như Zalora.vn, Sendo.vn, Thegioididong.vn… cũng cho rằng mua sắm trên di động sẽ có xu hướng tăng trưởng mạnh trong năm 2016, giúp các doanh nghiệp TMĐT tăng nhanh doanh thu.

Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn thương mại điện tử (TMĐT) Sendo.vn, cho biết, số lượng đơn hàng thông qua thiết bị di động của Sendo.vn đang ngày càng tăng trong năm 2015. Ước tính, tổng số lượng đơn hàng đặt qua các thiết bị di động đạt khoảng 45%. Hướng tới năm 2016, số lượng đơn hàng thông qua di động trên sàn TMĐT Sendo.vn có thể vượt qua con số 60%.

Một số sàn TMĐT khác thì cho rằng, nếu như số lượt giao dịch trung bình qua di động trong năm 2014 là 5-15% thì năm 2015 đã tăng lên mức 30-45%. Hầu hết các doanh nghiệp TMĐT lớn cho rằng, mua sắm di động sẽ trở thành xu hướng trong năm 2016 và dễ dàng vượt qua tỷ lệ 50% trên tổng số lượt mua sắm trực tuyến.

Theo ông Lê Xuân Long, Giám đốc tiếp thị Lazada Việt Nam, hiện nay do người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng nhiều smartphone nên việc mua sắm thông qua thiết bị di động (mobile site hoặc mobile app) cũng tăng trưởng theo. Việt Nam đang là điểm đến của nhiều loại smartphone giá thấp, thương hiệu ít nổi tiếng… giúp người tiêu dùng sở hữu smartphone dễ dàng hơn. Đây cũng sẽ là một điều kiện giúp cho thương mại di động phát triển ngày càng mạnh hơn.

Ông Linh cũng xác nhận do giá bán của smartphone ngày càng thấp nên số lượng người dùng smartphone đang tăng nhanh. "Chúng tôi nhận thấy bắt đầu xuất hiện nhóm khách hàng mua sắm trực tuyến trên Sendo.vn chỉ sử dụng smartphone; không dùng tới máy tính như trước đây", ông Linh nói.

Theo một thống kê gần đây của bộ phận chuyên trách về TMĐT của Sở Công Thương TPHCM thì các doanh nghiệp TMĐT đang tập trung đầu tư xây dựng các website tương thích với smartphone, máy tính bảng (mobile site), phát triển ứng dụng di động (mobile app). Điều này giúp cho các website TMĐT, sàn TMĐT, website khuyến mãi trực tuyến… tiếp cận dễ dàng hơn với số lượng đông đảo người tiêu dùng đang sử dụng thiết bị di động để mua sắm trực tuyến.

Các doanh nghiệp TMĐT lớn như Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Adayroi.com… cũng hướng tới cơ hội phát triển mạnh hoặc củng cố thị phần trong năm 2016 bằng cách mở rộng ngành hàng, tăng cường chất lượng dịch vụ bán hàng, giao hàng nhanh hơn… Số lượng ngành hàng tăng lên giúp cho các sàn TMĐT nhanh chóng trở thành siêu thị bách hoá online, kinh doanh đủ loại sản phẩm, từ điện máy, smartphone, laptop… cho tới thực phẩm tươi sống, ôtô-xe máy, nhu yếu phẩm (bột giặt, dầu ăn…).

Như trường hợp Lazada.vn đã mở thêm các ngành hàng mới trong năm 2015 bao gồm ngành hàng bách hoá (bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm…), phiếu mua hàng theo nhóm (voucher), sách và sản phẩm âm nhạc. Một số ngành hàng mới trên Lazada.vn được mở ra theo hình thức hợp tác với các website TMĐT khác như ngành sách có sự tham gia của Vinabook; còn ngành phiếu mua hàng theo nhóm thì hợp tác cùng website Nhóm mua.

Theo Cục TMĐT&CNTT thuộc Bộ Công Thương, do số lượng người sử dụng Internet tăng nhanh trong năm 2015 và chi tiêu mua sắm qua mạng cũng tăng lên (bình quân 150 đô la Mỹ, tăng 30 đô la Mỹ so với năm 2014) nên doanh thu TMĐT B2C (doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng) trong năm 2015 đã vượt qua con số 4 tỉ đô la Mỹ. Theo định hướng phát triển ngành TMĐT giai đoạn 2016-2020 thì doanh thu sẽ có mức tăng trưởng hàng năm 20%, đạt khoảng 10 tỉ đô la Mỹ; chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo dự thảo quyết định phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020” do Bộ Công Thương soạn thảo, đến năm 2020 ngành TMĐT trong nước sẽ đạt tới mức 30% dân số (Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người) tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 đô la Mỹ/người.

Theo TBKTSG