|
Cầu qua eo biển Kerch, nối liền từ đất Nga sang Crimea. |
Trong các cuộc họp và nghiên cứu tại Washington, Nga (và Trung Quốc) thường bị mô tả là "cường quốc xét lại". Và hay kèm theo bình luận rằng "trật tự tự do quốc tế thời hậu chiến" đang bị xói mòn - đồng thời kêu gọi Mỹ phải có hành động "nào đó" để chứng tỏ mình vẫn có năng lực lãnh đạo thế giới. Nhưng "những sự xét lại" vẫn tiếp tục bởi mặc cho các nước đi của Mỹ hay Liên minh châu Âu, phần thưởng của việc xét lại tiếp tục lớn hơn cái giá phải trả.
Câu thành ngữ "năng nhặt chặt bị" rất đúng trong trường hợp này. Ở một vài điểm, việc xét lại tạo ra những thực tế trở thành một tiêu chuẩn mới - một hiện trạng mới. Kể từ khi nắm quyền, ông Vladimir Putin không giấu mong muốn và quan tâm tới việc sửa lại những thiết lập thời hậu Chiến Tranh Lạnh. Vậy qua thời gian, điều gì đã thay đổi những phương pháp của ông. Vào đầu những năm 2000, ông muốn có một sự hợp tác xét lại với Mỹ và Liên minh châu Âu. Cho tới bài phát biểu năm 2007 của ông tại Hội nghị An ninh Munich, ông đã lựa chọn thử sức bền của phương Tây trong việc giữ nguyên hiện trạng những gì đã thiết lập nhờ hậu quả những năm 1989-1991 khi khối Xô Viết sụp đổ.
Năm 2014, một phần quan trọng trong chiến lược của Nga là nỗ lực liên kết Ukraine vào tầm nhìn tổng thể của Nga về lục địa Á Âu đã thất bại vì cuộc cách mạng Maidan. Kremlin đã thay đổi phương pháp, áp dụng một chiến lược địa chính trị làm suy yếu đất nước Ukraine cũng như trực tiếp sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời sử dụng chiến lược địa kinh tế loại bỏ Ukraine khỏi yếu tố then chốt là cầu nối giữa Nga với châu Âu. Điều này đã định hình lại địa kinh tế trong khu vực.
Với việc thoát khỏi quyền kiểm soát của Ukraine, Crimea đã trở thành một hòn đảo và cây cầu qua eo biển Kerch đã kết nối lại Crimea với đất Nga. Đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc Nordstream II và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã loại bỏ sự phụ thuộc của Nga vào Ukraine như một đất nước trung chuyển dầu khí, đồng thời cũng loại bỏ những ảnh hưởng kinh tế mà Ukraine có đối với các đối tác của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.
Trước đây, đã có những cảnh báo rằng Mỹ cần có một chiến lược để đáp trả những bước phát triển này. Ở thời điểm đó, một bước đối phó tổng thể thực tế có thể đảm bảo với mọi người rằng Nga thiếu đi nguồn tài chính cần thiết, khả năng xây dựng hay ý muốn vượt qua những thực tế về địa lý Ukraine. Hiện tại, cây cầu qua eo biển Kerch đã hoàn thành, các đường ống dẫn dầu đang được đặt dưới biển Đen và biển Baltic, những bước đi để đối phó với chuyện này đã trở nên phi thực tế.
Cùng lúc với việc xây dựng các thực tế về địa kinh tế mới trong khu vực, Nga cũng theo đuổi phát triển năng lực quân sự cần thiết để bảo vệ các yếu tố này. Rất rõ ràng trong cuộc đụng độ trên biển Azov, hải quân và không quân Nga đã nhanh chóng đáp trả, ngăn chặn, vô hiệu hóa và bắt các tàu Ukraine. Sự cố này cũng cho thấy người Nga rất thận trọng với mọi hành động có thể tạo ra mối đe dọa với cây cầu - một yếu tố cơ bản cho việc "thay đổi thực tế" hiện trạng Crimea.
Thêm nữa, những bình luận nhàm chán của những nhà bình luận Washington rằng Ukraine cần phải làm gì đó để phá hủy cây cầu là cách để tái khẳng định chủ quyền cũng được các nhà phân tích Nga xem xét. Kiểu lời khuyên này đảm bảo rằng chính phủ tại Kiev sẽ bị bỏ mặc khi mọi chuyện đi quá xa. Thực tế, tốc độ và bản chất của hành động Nga phản ánh vụ Nga dùng đường hầm Roki nhử quân đội Georgia vào một cuộc đụng độ thiếu suy nghĩ vào 1 thập kỷ trước đã khiến Tbilisi phải lui một bước lớn.
Những gì Nga làm trên biển Azov trong những tháng vừa qua là để thúc đẩy việc tạo ra một hiện trạng mới. Với tranh ảnh, áp phích mua tại Moscow, người Nga nhấn mạnh "Crime là của chúng tôi" (Krym Nash), và họ muốn mọi người công nhận thực tế này dù sẽ khó khăn làm điều này một cách hợp pháp và công khai. Việc có những hành động khác trên biển Azov coi đây là nơi thuộc chủ quyền của Nga mà không phải vùng biển quốc tế cũng là một chiến lược khác. Và điều gì sẽ xảy ra với hợp đồng chia sẻ quyền tiếp cận vùng biển với tàu Nga và Ukraine - Rõ ràng hợp đồng đã bị đốt bỏ. Nói cách khác, đây là một trong những thỏa thuận cũ mà Nga muốn đơn phương sửa đổi.
Mặc cho những chỉ trích, chính phủ Nga có vẻ như hy vọng rằng tranh cãi sẽ dịu lại theo thời gian. Sau cùng thì eo biển Kerch không phải là một con đường hàng hải quốc tế mang tính chất sống còn. Nó không cung cấp hàng hóa và năng lượng cho những nước châu Âu và châu Á quan trọng như eo biển Hormuz hay Malacca.
Nga tiếp tục đánh cược với Crimea, qua thời gian nơi đây sẽ trở thành một địa điểm giống bắc Cyprus - một lãnh thổ bị chiếm đóng thuộc nước Cộng hòa Cyprus đang bị Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát mà không có bất cứ hậu quả nào trong 40 năm qua. Tất nhiên, Bắc Kinh cũng đang dõi theo chính sách của Nga tại Crimea với hứng thú tăng cao trong 4 năm qua để học những bài học nhằm áp dụng trực tiếp trên Biển Đông, biển Hoa Đông hoặc Đài Loan trong những năm tới.
Moscow có thể đã có một ngày xấu tại Liên Hợp Quốc nhưng hậu quả sẽ không quá tồi tệ và Nga có thể chấp nhận kết quả này. Vấn đề là Mỹ hiện đang phải đối mặt với cái giá phải trả cao hơn cho việc chống lại chủ nghĩa xét lại của Nga. Các phe phái chính trị của Đức kể cả những người ủng hộ Mỹ đều phải xoay quanh dự án Dòng chảy phương Bắc II để bảo vệ chủ quyền của nước Đức. Với đầu tư đã bỏ vào, chắc chắn Berlin sẽ không từ bỏ dự án.
Cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn Nga trên Biển Đen vốn rất mạnh mẽ vào năm 2015 khi máy bay Nga bị bắn rơi - một cơ hội để chắn chắn với Ankara là liên minh phương Tây vững chắc đằng sau Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã yếu đi - vì Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc sự hấp dẫn của việc cùng Nga cai quản một vùng lớn hơn trên Biển Đen.
Nga có một chiến lược tạo ra một hiện trạng mới trên Biển Đen. Mỹ cần quyết định mối đe dọa của "sự xét lại" với lợi ích của Mỹ là bao nhiêu. Điều này sẽ quyết định con đường và cách thức Washington ngăn chặn Kremlin, làm tăng cái giá phải trả với người Nga hay tạo ra một sự thay đổi. Mỹ đang cần hơn bao giờ hết một chiến lược toàn diện và thực tế cho Biển Đen.