Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa có văn bản xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn đầu tư trị giá 10.038 tỷ đồng.
Việc Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đề xuất tăng vốn vào thời điểm quý III/2022 dường như đang “chậm chân” so với thị trường chung, khi trong năm 2021, có 44 công ty chứng khoán đã thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ… Chưa kể, đây đang là thời điểm thị trường chung đang có những biến động thách thức. Vậy đâu là lý do đằng sau quyết định tăng vốn này của TCBS?
“Chậm chân” trong tăng vốn?
Văn bản xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn đầu tư trị giá 10.038 tỷ đồng cho TCBS cho biết, TCB sẽ mua cổ phiếu phát hành thêm với giá mỗi cổ phần là 95.600 đồng. Đây là mức giá phản ánh đúng giá trị của TCBS.
Đến cuối quý III/2022, dù vốn điều lệ của TCBS chỉ là 1.126 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu của Công ty xấp xỉ 10.766 tỷ đồng nhờ thu về lợi nhuận lớn và ưu tiên tích luỹ, thay vì chi trả cổ tức cho cổ đông. Tổng tài sản của TCBS tại ngày 30/9 là 28.975 tỷ đồng.
Việc TCBS đề xuất tăng vốn vào thời điểm này dường như “chậm chân” so với thị trường chung. Trong năm 2021, có 44 công ty chứng khoán đã thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ…
Vốn điều lệ của nhóm công ty chứng khoán trong năm 2021 đã tăng thêm khoảng 35.300 tỷ đồng, trong khi tổng mức tăng 4 năm trước đó cộng lại chỉ là 25.200 tỷ đồng. Với nguồn vốn huy động bổ sung, các công ty có thể tăng vốn kinh doanh, cho vay margin, tự doanh, đầu tư… chớp thời cơ khi thị trường chứng khoán trong con sóng tăng trưởng mạnh.
Song thực tế, không phải TCBS không chú trọng về nguồn vốn, mà hoạt động huy động vốn của Công ty tập trung nhiều hơn tại thị trường nước ngoài. Hai năm vừa qua, TCBS chọn cách huy động các khoản vay tín chấp từ các tổ chức quốc tế, trong đó có thương vụ đình đám: hoàn thành việc vay hợp vốn tín chấp trị giá 170 triệu USD (khoảng 3.900 tỷ đồng) với nhóm định chế tài chính Đài Loan; thiết lập kỷ lục mới về giá trị hạn mức vay vốn quốc tế đối với một công ty chứng khoán Việt Nam.
Tính tới hiện tại, TCBS đã huy động được hơn 378 triệu USD tín chấp trên thị trường vốn quốc tế. Việc liên tiếp ký kết thành công nhiều hợp đồng vay vốn tín chấp khẳng định mức tín nhiệm rất cao của Công ty đối với các định chế tài chính nước ngoài.
Tham vọng vị thế số 1
Theo TCBS, kế hoạch tăng vốn lần này nằm trong chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 và đang được triển khai đúng lộ trình nhằm đưa Công ty lên vị trí công ty chứng khoán lớn nhất thị trường.
Vị trí quán quân lợi nhuận ngành chứng khoán luôn được TCBS giữ vững kể từ năm 2019 cho tới nay. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của TCBS đạt 2.692 tỷ đồng, lớn hơn tổng lợi nhuận của hai công ty chứng khoán xếp ngay phía sau là SSI và Bản Việt.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 40%, dẫn đầu thị trường, gấp ba mức bình quân chung của nhóm mười công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới.
Tới năm 2021, TCBS tiếp tục giữ vị trí số 1, đạt lợi nhuận trước thuế 3.810 tỷ đồng với mức tăng trưởng 42%, bỏ xa các đối thủ đứng phía sau. Và trong 3 quý đầu năm 2022, khi chỉ số VN-Index giảm hơn 37% và thị trường trái phiếu gặp khó, TCBS vẫn đứng đầu trong bảng xếp hạng các công ty chứng khoán có lợi nhuận cao nhất, với lợi nhuận trước thuế đạt 2.738 tỷ đồng.
TCBS đang giữ vị trí Top 3 về mảng cho vay ký quỹ trên thị trường với dư nợ cho vay margin cuối quý 3 đạt 14.907 tỷ đồng. Từ nhiều năm, TCBS có chủ trương không tự doanh cổ phiếu niêm yết trên sàn, vì vậy, kết quả lợi nhuận không bị ảnh hưởng do đầu tư tự doanh khi thị trường chứng khoán giảm điểm.
Có thể thấy, hiệu quả hoạt động của TCBS luôn vượt trội so với các công ty chứng khoán hàng đầu, với ROA bình quân cao hơn 25% và ROE bình quân trên 35% trong vòng 5 năm qua.
Với hiệu quả kinh doanh tích cực ngay cả trong thời điểm thị trường khó khăn, TCBS là công ty con đang đóng góp tỷ trọng không nhỏ vào lợi nhuận hợp nhất của Techcombank (đóng góp 13% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất theo báo cáo tài chính quý III/2022 của nhà băng này).
Dễ hiểu lý do vì sao, đề xuất tăng vốn từ TCB cho TCBS được các thành viên HĐQT ủng hộ. Với nguồn vốn mới, TCBS được kỳ vọng tiếp tục đóng góp lớn cho lợi nhuận và ROE hợp nhất của Techcombank.
Chưa kể, thời điểm hiện tại, với việc thị trường chứng khoán và trái phiếu đã điều chỉnh sâu và được đánh giá đang ở mức định giá hấp dẫn, TCBS có thể tận dụng vốn mới để tạo sức bật kinh doanh và lợi nhuận.
Công ty Chứng khoán KB nhận định: “Các quy định nghiêm ngặt hơn là cần thiết cho sự phát triển của thị trường trái phiếu trong dài hạn. Với vị thế sẵn có của mình, TCBS sẽ nắm bắt được cơ hội và tiếp tục đem lại nguồn thu từ nghiệp vụ ngân hàng đầu tư về cho ngân hàng mẹ”.
Đầu tư nguồn lực cho sản phẩm đầu tư mới
Đáng chú ý, khi thị trường trái phiếu gặp khó, giới đầu tư mới nhận ra một diễn biến “âm thầm” khác. Dù mới đẩy mạnh hoạt động ở mảng cổ phiếu theo mô hình chiến lược từ đầu năm 2021, chỉ sau 1 năm, TCBS đã lọt Top 4 thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE (chiếm 5,52% thị phần) và Top 3 công ty chứng khoán về dư nợ cho vay ký quỹ.
Chưa kể, mảng kinh doanh sản phẩm đầu tư trong 9 tháng 2022 tăng trưởng tích cực (26%), đóng góp lớn nhất vào doanh thu.
Với nguồn vốn mới từ TCB, việc đầu tư nguồn lực để giành thị phần tại mảng cổ phiếu và sản phẩm đầu tư càng có cơ sở.
Đáng chú ý, 2 khoản chi phí lớn nhất ăn vào lợi nhuận của các công ty chứng khoán truyền thống vốn chỉ tập trung vào mảng cổ phiếu niêm yết chính là chi phí đầu tư và chi phí môi giới. Tuy nhiên, TCBS theo mô hình “lai” giữa công ty chứng khoán truyền thống và Fintech.
Thay vì thu hút khách hàng thông qua môi giới, Công ty tập trung vào việc đầu tư vào công nghệ và trải nghiệm trong quá trình giao dịch. Kết quả là số lượng nhà đầu tư chủ động tìm tới TCBS tăng nhanh.
Tính cả năm 2021, tại Việt Nam, khách hàng cá nhân mở mới 1,53 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 4 lần so với năm 2020. Trong đó, số tài khoản mở mới tại TCBS chiếm tới 23% toàn ngành, tăng 214% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Đây cũng là điểm đặc thù giúp chi phí hoạt động của TCBS thấp hơn nhiều so với các công ty chứng khoán khác, từ đó cải thiện biên lợi nhuận. Chỉ số thu nhập (CIR) - thể hiện % tổng chi phí/tổng doanh thu của TCBS ở mức chỉ 15%, so với 41% của SSI hay 48% của VND – các công ty chứng khoán top đầu thị trường. Nhờ CIR thấp, biên lợi nhuận trước thuế của TCBS ở mức 52%, con số “đáng mơ ước” so với biên lãi mỏng hơn hẳn của các công ty cùng ngành.
Năm 2021, TCBS công bố chiến lược tập trung hoàn thiện hệ sinh thái tài chính công nghệ Wealthtech trọn vẹn, kết hợp phân bổ nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là mảng dịch vụ nhằm hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư với quy mô và chi phí cạnh tranh.
Để thực hiện chiến lược này, tiềm lực tài chính vững mạnh chính là điều TCBS cần để đầu tư vào công nghệ, hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm và tiếp tục duy trì thị phần top đầu cho vay ký quỹ trên thị trường chứng khoán. Nguồn lực mới với giá trị hơn 10.000 tỷ đồng từ công ty mẹ chính là bước đi đã được tính toán nhằm thực hiện chiến lược tham vọng này.