|
Linh kiện bán dẫn Trung Quốc. Ảnh minh họa Tech Wire Asia. |
Tại Mỹ, chỉ có một dự luật được Quốc hội đưa thành luật hàng năm: Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA). Vì dự luật này được thông qua hàng năm với độ tin cậy cao, các nhà lập pháp thường cố gắng đưa những vấn đề tâm huyết, bổ sung vào dự luật với hy vọng những đề xuất pháp điển hóa.
NDAA ở Mỹ hiện đang là một công cụ thường xuyên cho những điều khoản liên quan đến Trung Quốc, được lưỡng đảng ủng hộ mạnh mẽ.
Trong cuộc xung đột Mỹ-Trung đang diễn ra xoay quanh chất bán dẫn, bắt đầu từ cuối năm 2019, hai thượng nghị sĩ Mỹ đã nỗ lực vận động hành lang nhằm cấm chính phủ kinh doanh với các nhà sản xuất chip Trung Quốc, theo một bài báo ngày 17/11 của Politico, trích dẫn từ 3 nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.
Chính xác là, Lãnh đạo đa số Thượng viện, thượng nghị sĩ Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ John Cornyn đưa ra một đề xuất sửa đổi nhằm ngăn chặn quyền tiếp cận của liên bang đối với những sản phẩm và dịch vụ sản xuất linh kiện bán dẫn do các công ty Trung Quốc sản xuất.
Do đề xuất của hai thượng nghị sĩ được thêm vào NDAA của Thượng viện vào trong gói quản lý (các sửa đổi không gây tranh cãi với nhau) tháng 10, nên hai nhà lập pháp hiện đang làm việc để đưa vào phiên bản cuối cùng của NDAA năm 2022. “Dự luật này sẽ mở rộng những điều khoản trong Mục 889, vốn đã cấm các cơ quan chính phủ kinh doanh với những tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc hoặc những nhà thầu, sử dụng công nghệ, trang thiết bị của những tập đoàn này,” bài báo của Politico cho biết.
Mục 889 của NDAA có ý nghĩa gì đối với quan hệ Mỹ-Trung?
Lần đầu tiên được thông qua trong NDAA 2019, Mục 889 chủ yếu nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc như Huawei hay ZTE. Hiện nay, những biện pháp Schumer-Cornyn sẽ mở rộng danh sách hạn chế đến các công ty sản xuất chip Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp, Yangtze Memory Technologies Corp. và ChangXin Memory Technologies.
Hiện nay, cả Thượng viện và Hạ viện đang tranh cãi về phiên bản cuối cùng của dự luật quốc phòng phải được thông qua. Về cơ bản, những sửa đổi nào được thông qua đều có thể vạch ra một đường hướng mới trong quan hệ Mỹ - Trung và gây ra mâu thuẫn giữa các nhà lập pháp, cũng muốn những đề xuất của mình được nêu trong đạo luật khổng lồ này.
Bài báo của Politico cho thấy, vẫn chưa rõ liệu Schumer và Cornyn có thành công trong nỗ lực vận động hay không, nhưng điều đáng chú ý là sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với đề xuất hạn chế bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của chính phủ liên bang với các công ty Trung Quốc.
Lợi thế cho đề xuất bổ sung vào dự luật là, thượng nghị sĩ Schumer là quan chức hàng đầu của thượng viện. Dù nói và làm gì, NDAA tài khóa 2023 phải được Thượng viện và Hạ viện thông qua vào cuối năm 2022 trước khi được gửi tới Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Các nhà sản xuất chip Trung Quốc được nêu trên nói chung và YMTC nói riêng đang bị giám sát chặt chẽ hơn do bị cáo buộc vi phạm những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington khi tiếp tục cung cấp chip cho Huawei và đồng thời nỗ lực tiến hành các hoạt động kinh doanh với Apple.
Ông Schumer và Cornyn cùng với các thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã lên tiếng phản đối các động thái của công ty YMTC và các công ty khác. Apple dưới áp lực chính trị của lưỡng đảng đã bỏ kế hoạch sử dụng chip YMTC vào tháng 10. Chính phủ Mỹ bổ sung thêm YMTC vào “danh sách chưa được xác minh”, số những công ty mà Mỹ không thể kiểm tra xác định độ tin cậy để đảm bảo, những doanh nghiệp này tuân thủ những quy tắc xuất khẩu theo quy định của chính phủ Mỹ.
Những đề xuất mới vào bộ luật Ủy quyền Quốc phòng khiến công ty chip từ Trung Quốc đối mặt với nguy cơ bị đưa vào Danh sách thực thể tháng 12/2022, về cơ bản là cấm YMTC giao dịch thương mại tại Mỹ. Tin tức về những sửa đổi NDAA của Schumer và Cornyn được công bố chỉ 1 tháng sau khi chính quyền ông Joe Biden công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng, bao gồm cả biện pháp cắt Trung Quốc khỏi những chip bán dẫn tiên tiến, được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng các công cụ của Mỹ.
Phản ứng trước động thái của Mỹ, các quan chức Trung Quốc tuyên bố, rằng quyết định chia cắt thương mại cứng rắn hơn sẽ khiến các công ty bán dẫn của Mỹ mất 18% thị phần toàn cầu, 37% doanh thu và tới 40.000 việc làm.
Năm 2021, truyền thông Trung Quốc ghi nhận, doanh thu của Intel là 74,7 tỉ USD, trong đó có 30% đến từ Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng, thậm chí những khoản hỗ trợ từ Đạo luật CHIPS sẽ không đủ để lôi kéo các công ty Mỹ rời khỏi thị trường Trung Quốc.
Theo Tech Wire Asia