Lục tìm trong Minh Thực Lục - Kỳ VI: Lờ đi sự kiện Nguyễn An xây Cố Cung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung tâm thủ đô Bắc Kinh nổi bật cụm kiến trúc có mái vàng rực rỡ, trang nghiêm huyền bí, đó là Tử Cấm Thành, tức Cố Cung từng được đưa vào “Danh mục di sản thế giới”.
Toàn cảnh Cố Cung.
Toàn cảnh Cố Cung.

Cố Cung do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đời vua thứ hai nhà Minh ra lệnh xây dựng vào năm 1406 suốt trong thời gian 14 năm mới xây xong. Diện tích Cố cung hơn 70.000m2, chiều dài Nam - Bắc gần 1.000m, chiều Đông - Tây rộng 800m, xung quanh có tường thành cao hơn 10m bao bọc, bên ngoài bức tường có sông hộ thành rộng hơn 50m.

Điện Thái Hoà là kiến trúc tráng lệ nhất trong Cố cung. Trên quảng trường hướng Nam rộng 30.000m2, điện Thái Hoà được xây trên các bậc thang màu trắng cao 8m, chiều cao của điện gần 40m, là kiến trúc cao nhất trong Cố Cung. Nền móng bằng đá trắng của điện Thái Hoà từng huy động hàng trăm nghìn thợ các loại và hàng triệu phu xây dựng, tất cả các nguyên vật liệu đều chở từ khắp các nơi trong cả nước đến.

Giới kiến trúc trước nay đều công nhận, thiết kế và kiến trúc của Cố Cung Bắc Kinh là một kiệt tác không gì sánh nổi, thể hiện thành tựu xuất sắc về kiến trúc của các thợ Trung Quốc cách đây hơn 500 năm.

Hẳn chả ít du khách chúng ta đã đến Cố Cung? Nhưng với tôi lần tham quan Cố Cung năm 2008 ấy xiết bao bất ngờ và ngạc nhiên được nghe một cán bộ tùy viên văn hóa của Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cùng đi giới thiệu, tác giả của công trình kỳ vĩ một vưu vật gần như của tạo hoá - Cố Cung ấy là một người Việt! Đó là kiến trúc sư Nguyễn An.

Chuyện biên ra thì dài. Và cũng khá khen thay cho người nhà Sứ thời nay bận bịu bao công việc ở xứ người nhưng vẫn nặng lòng với cố quốc đã chu đáo lẫn tỷ mẩn chỉ cho tôi mấy tài liệu từng lưu giữ.

Cũng cần nói thêm, trong Minh thực lục, đã không có một dòng nào chép về Nguyễn An và việc xây dựng Cố Cung cả!

Đầu tiên là nhà bác học Lê Quý Đôn.

Thời gian đi sứ Trung Hoa, Lê Quý Đôn đã lần mò đến nguồn thư tịch ở Bắc Kinh. Thử chắp nối lại những tư liệu trong cuốn Kiến văn tiểu lục, tôi đang cố hình dung hình ảnh một thanh niên người Việt tuấn tú khôi ngô trong số hàng ngàn thanh niên (thuở ấy người ta dùng từ mỹ tú) để chỉ những người có tài về mộc nề về thủ công về chữ viết... trong một ngày bi thương ảm đạm của nước Đại Việt qua bao lần những là tầm nã lọc tuyển chọn lựa đã bị Trương Phụ, viên toàn quyền nhà Minh cai trị Đại Việt khi ấy bắt sang đây năm 1407!

Một hình phạt khốc hại là tất thảy đều bị hoạn thiến! Để làm chi vậy? Để chẳng thể làm cái việc nối dõi tông đường kế tổ tông chi nghiệp nghĩa là thiên triều chỉ dùng hết cái đời của các nạn nhân mỹ tú ấy mà thôi.

Vốn thông thạo nghề mộc lại đuợc tạo nhiều điều kiện thuận lợi để hành nghề nên Nguyễn An tay nghề thăng tiến rất mau. Rồi như một sự tất yếu, những người tài phải được đặt ở những việc lớn việc trọng... Bây giờ thì gọi là kiến trúc sư, Tổng công trình sư nhưng thuở ấy có lẽ Nguyễn An chỉ khiêm tốn là người thợ thông thạo nề ngoã lẫn mộc được trao toàn quyền chỉ huy các cánh thợ phối hợp tham gia xây cất Cố Cung?

Lê Quý Đôn viết:

"Nguyễn An thờ 5 triều vua: Thái Tông, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông, làm quan đến chức Thái Giám. An là người giản dị, khắc khổ, cứng rắn, liêm khiết, giỏi về mưu lược tính toán, rất sở trường về công việc xây dựng. Những việc tu tạo thành hào Bắc Kinh, 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, công đường, nha môn, 6 bộ và các trường sở, nhà trạm, An đều thân hành sắp đặt, tỏ ra rất có công lao; các ty, tào trong Bộ Công chỉ theo kế hoạch của An đã thành lập mà thôi. Bình sinh vua ban cho thứ gì đều lấy ở kho công, sau đó An lại đem nộp vào kho công không sót một ly nào cả. Việc này thấy chép trong Hoàng Minh thông kỷ" (Lê Quý Đôn toàn tập, chương II, trang 256).

Ngoài nhà bác học Lê Quý Đôn từng đề cập đến nhân vật Nguyễn An, thời nay còn có thêm một người nữa, đó là nhà sử học nhà nghiên cứu Trung Hoa Trương Tú Dân đã đề cập khá chi tiết đến Nguyễn An, KTS thiết kế Cố Cung.

Trương tiên sinh đã có bài viết với đầu đề Thị dân Bắc Kinh nên kỷ niệm Nguyễn An, người An Nam, Thái giám nhà Minh, Tổng công trình sư tạo dựng lầu thành Bắc Kinh thế kỷ XV, đăng trên tờ Ích Thế Báo số ra ngày 11.11.1947.

Xin dẫn lại như sau:

Nguyễn An còn có tên là A Lưu đến Trung Quốc vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), là một trong số trẻ em trai mỹ tú của Giao Chỉ, do Trương Phụ đưa về Nam Kinh để hoạn sau khi bình Giao Nam. Năm Vĩnh Lạc thứ 14 (1416), theo lệnh của Thành Tổ (1403-1424), tạo dựng thành trì, cung điện Bắc Kinh cùng phủ thự trăm ty. Đến tháng 12 năm thứ 18 (1420) cung điện, đền miếu hoàn thành. Quy chế tuy phỏng theo Nam Kinh nhưng vượt xa về hoành tráng và vẻ đẹp. Một thanh niên trạc hai, ba mươi tuổi được lệnh tạo dựng công trình to lớn như vậy mà sơ bộ hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn ngủi bốn, năm năm, có thể thấy rõ lòng tận tâm với chức vụ và sức sáng tạo của con người đó to lớn biết chừng nào! chứng tỏ An có tài bẩm sinh về suy xét, tính toán, há chẳng phải là thiên tài trong lịch sử kiến trúc sao!

Anh Tông (1436-1450) lên ngôi, thực hiện tiếp chí của Thành Tổ. Công việc đầu tiên là xây dựng Lầu thành 9 cửa. Khi lệnh ban ra, Thị lang Bộ Công Sái Tín cho rằng, khối lượng công việc lớn, không đủ 18 vạn người không xong, vua liền sai Nguyễn An đảm nhận tiếp công việc.

Khởi công xây dựng năm Chính Thống (niên hiệu Anh Tông) thứ 2 (1437), tháng Tư năm thứ 4 (1439) xây dựng xong Lầu chính, Lầu nguyệt, thành, hào, cầu, đập 9 cửa. Đó là tiền thân của Lầu Thành 9 cửa nội thành Bắc Bình ngày nay.

Ba điện xây dựng xong năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420). Chưa đầy nửa năm bị hỏa hoạn. Tháng 3 năm Chính Thống thứ 5 (1440) mới sai Nguyễn An xây dựng lại. Lực lượng xây dựng 7 vạn người gồm thợ và quân quan đang luyện tập, năm thứ 6 (1441) thì 2 cung Càn Thanh, Khôn Ninh, 3 điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân xây xong, tức là tiền thân của 3 điện lớn Thái Hoà, Trung Hoà và Bảo Hoà ngày nay.

Một góc cố cung.

Một góc cố cung.

Bài đăng trên Ích Thế Báo, số ra ngày 11 tháng 11 năm Trung hoa Dân quốc thứ 36 (1947) của Trương Tú Dân viết tiếp: "Hoạn quan là chế độ tội ác của thời đại phong kiến chuyên chế nước ta. Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan thì trăm ngàn người không được lấy một. Còn An thì hết lòng vì việc công, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không còn lấy một nén vàng ở trong túi!

Trong bài báo của mình, Trương Tú Dân còn đưa ra một bất ngờ nữa. Không biết ông đã phải lao tâm khổ tứ như thế nào để lục tìm trong kho sách cổ Trung Hoa để moi ra được một viên kim cương của nước Việt bấy lâu nay bị chìm khuất trong lớp bụi thời gian và những gì gì nữa.... Đó là việc Trương Tú Dân dẫn ra một đoạn trong cuốn chính sử Trung Hoa Anh Tông Chính Thống thực lục và sau này còn viết tới 4 chương về Nguyễn An trong sách Trung Việt Quan hệ sử luận Văn Tập, Trương Tú Dân, 1991. Sách ấy chép về Nguyễn An như sau:

"Nguyễn An còn có tên là A Lưu, người Giao Chỉ. Năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Trương Phụ bình Hồ Quý Ly ở Giao Nam, mang theo về những em trai mỹ tú đất Giao Chỉ, chọn để hoạn. Nguyễn An và Phạm Hoằng cùng Vương Cần là những người trong số đó. An có tài nghệ, giỏi mưu lược, tính toán, càng giỏi về xây dựng thổ mộc.

Cũng cần nói thêm rằng, người đầu tiên nói đến Nguyễn An là nhà bác học Lê Quý Đôn. Trong những ngày thực hiện nhiệm vụ sứ thần dằng dặc ở xứ người, thói quen quý báu sưu tầm tra cứu đã dẫn nhà bác học Lê Quý Đôn đến một kho sách tại Bắc Kinh. Có thể nói ông là người Việt đầu tiên phát hiện ra Nguyễn An. Chắc phải trong tâm thế bồi hồi và không kém phần sửng sốt, Lê Quý Đôn đã viết trong Kiến Văn Tiểu Lục những dòng như thế này:

"Nguyễn An thờ 5 triều vua: Thái Tông, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông, làm quan đến chức Thái Giám. An là người giản dị, khắc khổ, cứng rắn, liêm khiết, giỏi về mưu lược tính toán, rất sở trường về công việc xây dựng. Những việc tu tạo thành hào Bắc Kinh, 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, công đường, nha môn, 6 bộ và các trường sở, nhà trạm, An đều thân hành sắp đặt, tỏ ra rất có công lao; các ty tào trong Bộ Công chỉ theo kế hoạch của An đã thành lập mà thôi. Bình sinh vua ban cho thứ gì đều lấy ở kho công, sau đó An lại đem nộp vào kho công không sót một ly nào cả. Việc này thấy chép trong Hoàng Minh thông kỷ" (Lê Quý Đôn toàn tập, Chương II, trang 256).

... Rời Cố Cung, một câu hỏi cứ giăng mắc vấn vít. Tất nhiên Minh sử lờ đi sự kiện ấy đã đành một nhẽ? Nhưng tại sao một sự kiện có thể nói là hy hữu, một niềm tự hào vinh danh dân tộc lại bị quên lãng quên trong nhiều năm như vậy?

Còn nhớ sau chuyến đi ấy, về nước, qua trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc và vài nhà nghiên cứu sử, tôi cũng được biết thêm, những năm đầu 50, các nhà sử học, nghiên cứu Việt Nam như Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Đào Duy Anh và Đặng Thai Mai… đã từng sang Trung Quốc đến Thư viện Bắc Kinh để nghiên cứu sưu tầm sử liệu Việt Nam trong đó có sự kiện Nguyễn An xây Cố Cung. Nhưng tiếc thay, chưa hiểu vì lý do gì, cho đến thời điểm này, người đọc vẫn chưa được tiếp cận công trình nghiên cứu của các vị ấy về Nguyễn An?

Việc nghiên cứu về Nguyễn An có lẽ chỉ thực sự bặt đi từ thời điểm những năm đầu 50 ấy? Nên đến bây giờ trong thư tịch Trung Hoa vẫn chỉ hiếm hoi công trình nghiên cứu biên khảo nào về Nguyễn An của học giả Trương Tú Dân?

Thiển nghĩ, nếu sự kiện đó là chân thực, nhà nước ta nên khẩn trương phối hợp với các cơ quan hữu trách của ta và bạn để làm tốt công việc thẩm định nghiên cứu lẫn công bố vấn đề này.

Và ngành kiến trúc Việt, tại vị trí trang trọng nhất của Trụ sở của Hội kiến trúc sư Việt Nam, trong những dịp lễ lạc này khác cũng nên treo một tấm hình Ông Tổ của ngành mình như Nguyễn An chẳng hạn?