Lục tìm trong Minh Thực Lục - Kỳ IV: Những kẻ từng to nhỏ với Vương Thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhân vật Việt gian nữa mà Minh thực lục đã chi tiết là Lương Nhữ Hốt người Hoằng Hóa - Thanh Hóa...
Quân đội nhà Minh
Quân đội nhà Minh

Lương Nhữ Hốt thuộc loại hàng thần mau mắn. Chính Hốt đã tố cáo Lê Lợi có ý định nổi dậy với người Minh. Đây là nguyên nhân chính khiến vị thủ lĩnh kháng chiến phải gấp rút dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn vào năm Vĩnh Lạc XVI (1418).

Minh Thực Lục ghi rõ hành trạng của Hốt.

Ngày 3 tháng 5 năm Vĩnh Lạc XVII (27/5/1419): Ngày Đinh Mùi, Thổ quan ty Bố Chính Giao Chỉ, bọn Tả Tham chính Lương Nhữ Hốt đốc suất các Thổ quan quận, huyện dưới quyền, cống đồ dùng vàng, bạc cùng sản vật địa phương….

Ngày 17 tháng 12 năm Hồng Hy I (25/1/1426): Thổ quan Tả Tham chính Ty Bố chính Giao Chỉ Lương Nhữ Hốt đến triều đình tiến cống đồ dùng vàng bạc, cùng sản phẩm địa phương

Sau khi thua trận Ninh Kiều – Tụy Động, Vương Thông muốn giải hòa để kéo quân về nước. Lương Nhữ Hốt đem chuyện tù binh Ô Mã Nhi chết đuối do bị quân Trần đục thuyền trên đường trao trả để thuyết phục Vương Thông tiếp tục chiến đấu. Hốt đã khiến binh đao kéo dài dù không thay đổi được hồi kết cục. Họ Lương chỉ xếp giáo qui hàng khi Vương Thông kéo quân về Bắc. Lương Nhữ Hốt bị Lê Lợi giết ngày 24 tháng 11 ÂL năm Thuận Thiên I (1428) cùng với Trần Phong và Trần An Vinh bởi cái tội vẫn ngấm ngầm giao thiệp với người Minh để khởi loạn.

Bị giết cùng Lương Nhữ Hốt là Trần Phong. Phong là ai?

Theo Minh Thực Lục, Trần Phong (? – 1428) người châu Nam Sách (Hải Dương)

Trần Phong đầu hàng quân Minh ngay từ đầu cuộc chiến.

Ghi chép ngày 19 tháng 11, Vĩnh Lạc V (18/12/1407) Ngày Kỷ Tỵ, quan Chỉ huy Đồng tri Hữu Vệ Giao Châu người địa phương tên là Trần Phong, cùng bọn Thiên hộ Nguyễn Chính, Bách hộ Tống Như Lộ tất cả 20 người đến kinh sư cống phương vật. Bèn ban 80 đĩnh tiền giấy, một bộ tơ gai; cùng ban cho bọn tùy tòng tiền (Minh Thực Lục. NXB Hanoi. Tập I. Trg 241).

Ngày 20 tháng 2 năm Vĩnh Lạc XIII (31/3/1415), Minh Thực Lục ghi nhận việc ban thưởng của vua Minh cho những quan tướng có công trong việc trấn áp Trần Quý Khoáng. Trần Phong cũng có tên trong danh sách lĩnh thưởng.

Ngày 27 tháng 11 năm Vĩnh Lạc XX (10/12/1422), Minh Thực Lục chép việc Trần Phong dẫn đầu một đoàn gồm tám mươi ba người đến kinh đô dâng cống đồ vàng bạc cùng nhiều thứ khác. Vua Minh ban tặng quần áo lụa thêu kim tuyến, lụa, gấm, tiền giấy.

Khi bị vây trong thành Đông Quan, Trần Phong cùng Lương Nhữ Hốt đã tác động Vương Thông bãi bỏ giảng hòa lần đầu tiên với Lê Lợi khiến cuộc kháng chiến kéo dài thêm một năm theo nhận định trong Toàn thư. Minh Thực Lục không chép. Nhưng Toàn thư ghi rõ, Trần Phong bị Lê Lợi giết ngày 24 tháng 11 ta năm Thuận Thiên I (1428), cùng với Lương Nhữ Hốt.

Không thể không nói đến Việt gian Nguyễn Huân, kẻ có công thứ 2 với giặc Minh chỉ sau Mạc Thúy. Huân người Chí Linh, Hải Dương. Huân đầu hàng quân Minh cùng lúc với Mạc Thúy dưới danh nghĩa làngười họ Mạc.

Trong ghi chép việc ban thưởng của vua Minh ngày 27/9/1408 tại Kim Lăng (Bắc Kinh) Minh Thực Lục chép rõ Nguyễn Huân họ Mạc, được thăng từ Tri châu Lạng Giang lên chức Hữu Tham nghị.

Ngày 10 tháng 6 năm Vĩnh Lạc XIV (4/7/1416): Ngày Canh Ngọ, Hữu Tham nghị Mạc Huân thuộc ty Bố chính Giao Chỉ đưa các thổ quan tại các phủ Tam Giang, Phụng Hóa gồm 139 người đến triều cống ngựa cùng đồ dùng vàng bạc.

Hoàng thượng khen Huân có lòng thành ra qui thuận trước tiên. Minh Thành Tổ xây dựng kinh đô Bắc Kinh. Huân gửi 500 người sang Trung Hoa để phụ giúp. Vua Minh ban thưởng rồi cho về.

Ngày 21 tháng 10 năm Tuyên Đức I (20/11/1426): Thăng Hữu Bố chính sứ Giao Chỉ Nguyễn Huân làm Tả Bố chính sứ vì tại chức được chín năm và có công bắt giặc, cai trị dân chúng. (Minh Thực Lục. NXB Hanoi. Tập 2. Trg 152)

Với chức vụ này, Nguyễn Huân là thổ nhân đạt địa vị cao nhất trong hệ thống hành chính của nhà Minh tại Giao Chỉ.

Mỗi tên một vẻ mười phân vẹn mười. Đám Việt gian đã góp phần làm bức tranh Đại Việt thời kỳ thuộc Minh thêm phần u ám. Động cơ phản tặc bán nước của lũ Việt gian đã khiến cuộc kháng chiến chống quân Minh của Bình Định vương Lê Lợi tất tả gian nan thêm.

Thân phận những kẻ tòng vong

Con số cộng những đợt di dân, những quan lại người tài do quân Minh bắt về Trung Quốc, do đám Việt gian cưỡng ép sang tạm tính 17 ngàn người chắc chắn không phản ảnh đầy đủ số lượng người Giao Chỉ đã có mặt ở Trung Hoa thời Minh. Dưới đây là vài hình ảnh những gương mặt tòng vong.

Tòng vong là từ đầu tiên của sử cũ viết về vua Lê Chiêu Thống chỉ những kẻ theo giặc sống lưu vong. Nay mạn phép xin dùng lại để ngược về sử cũ của thời Minh.

Trong cuộc chiến giữa Trung Quốc và bộ tộc Ngõa Lạt xảy ra vào năm 1449, vua Minh, Anh Tông ngự giá thân chinh đi đánh. Chuẩn bị cho chiến dịch này, nhà vua điều động mọi tiềm năng trong nước. Ngay đến Vương Thông, kẻ bại trận tại nước ta thời vua Tuyên Tông, lúc đầu bị xử tội chết, nhưng sau đó được tha làm dân, thời kỳ này cũng được phục chức cho đi trấn thủ một miền biên viễn.

Con số tòng chinh thiếu hụt nên phải vơ váo quàng xiên cho đủ số lượng? Và thân phận những người Việt lưu vong tại Trung Quốc cũng đã được tính đếm đến. Phần lớn những người này đã từng theo nhà Minh lúc họ cai trị nước ta, rồi tình nguyện sang Trung Quốc khi Vương Thông thua rút quân về nước vào năm 1427. Nếu lúc đó ở vào khoảng ngoài 20 tuổi, thì lúc xảy ra cuộc chiến phương Bắc, tuổi họ cũng đã xấp xỉ 50?

Tuổi đã luống, lại không phải cầm gươm, giáo vì cuộc chiến đấu chống quân xâm lược cho tổ quốc mình, thế mà các chiến binh Giao Chỉ đánh thuê cho nhà Minh không hẳn phải bất đắc dĩ nhập cuộc? Minh thực lục ghi trong sử một người Việt họ Nguyễn hẳn hoi. Người này được nêu làm gương trong đoàn quân “chí nguyện” đánh giặc cho nhà Minh ở mạn Bắc Trung Hoa:

“Ngày 1 tháng 9 năm Chính Thống thứ 14

Hồng lô tự Thông sự tự ban Nguyễn Tông Kỳ tâu:

‘Thần gốc người Giao Chỉ. Xin lệnh bộ Binh ra bảng chiêu dụ những người Thổ quan Giao Chỉ qui thuận. Thần sẽ tổ chức thành đội ngũ, thao luyện quân sự, sử dụng lá chắn, súng, cung nỏ giết giặc.’ Thiên tử chấp thuận.” (Minh Thực Lục, NXB Hanoi Tập 3. Trg 55)

Lại có một người Việt tình nguyện huấn luyện voi, một binh chủng sở trường của người phương Nam, để tham gia vào cuộc chiến:

“Ngày 8 tháng 9 năm Chính Thống thứ 14

Thổ quan Giao Chỉ Bách hộ Trần Phục Tông tâu:

‘Nên chọn voi rồi cho diễn tập, chế tạo yên ngựa và áo giáp. Thần nguyện lãnh quân kỵ, voi phá trận.” ( Minh Thực Lục, NXB Hanoi, Tập 3 Trg 55)

Dã Tiên là phiên âmcủa Esen Tayisi, (?-1454) thủ lĩnh người Oirats (Ngõa Lạt - một sắc tộc Mông Cổ nay còn khoảng 500.000 người sống ở Mông Cổ, Trung Hoa và Nga) vốn là bộ tộc thiện chiến. Vốn quen thung thổ như quan quân nhà Minh còn khó lường nữa là đám tù nhân lẫn tù tượng (voi chiến bắt được ở Giao Chỉ) người Nam.

Số phận của những người này ra sao? Sử sách thời Minh lẫn Minh Thực Lục không hề có một dòng nào cả! Nhưng cuộc hành quân lên phương Bắc đánh giặc Ngõa Lạt ấy do vua Anh Tông đích thân cầm quân đã bị thất bại thảm hại. Vua Anh Tông bị giặc Dã Tiên bắt làm tù binh. Oái oăm thay, Minh Thực Lục không chép, nói đúng hơn là không dám chép!

Nhưng trong Đại Việt sử ký Toàn thư (Toàn thư) lại chép mới lạ?

Chăc chắn sử gia Ngô Sĩ Liên và nhóm biên soạn chả thể sáng tác ra mà phải căn cứ vào chính sử vào tư liệu sử nào đó của nhà Minh? Hoặc họ rất quan tâm và luôn dõi theo thân phận của đám người tòng vong nhưng đành chấp nhận thân phận đánh thuê? Đó là đoạn trong Toàn thư dù chỉ vài dòng phác họa nhưng thể hiện đầy đủ sinh động hoàn cảnh trớ trêu sứ giả nhà Minh gặp vua Anh Tông lúc nhà vua bị Dã Tiên bắt làm tù binh:

“Mùa thu tháng bảy, nhà Minh sai Lý Thực làm Chánh sứ đi cùng sứ giả cuả giặc lên phương Bắc. Ngày 15, bọn Thực ra mắt Anh Tông, rỏ nước mắt khóc, làm lễ lạy xong, thấy chỗ của vua Anh Tông lều bằng da, màn bằng vải, trải chiếu xuống đất mà ngủ, bèn tâu rằng: “ Muôn tâu, Bệ hạ ăn mặc kham khổ quá!” … (Ðại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, tập 2, tr. 377)

Số phận vua Trung Quốc còn như vậy, thì những người Việt tham gia cuộc chiến chắc phải rất bi thảm? Một nhân vật tòng vong nữa là Đào Quí Dung. Dung theo giặc Minh, hăng hái chống Lê Lợi đến mức được vua Tuyên Tông đặc cách thăng chức Tri phủ Tuyên Hoá.

Tượng Lê Lợi được đặt trước trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Tượng Lê Lợi được đặt trước trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Minh Thực Lục đã dẫn cụ thể.

“Ngày 12 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 2

Thăng Đồng tri phủ Tuyên Hóa Giao Chỉ Đào Quí Dung làm Tri phủ phủ này. Sai người mang sắc đến ủy lạo Quí Dung rằng nay phản tặc Lê Lợi cuồng bạo, ngươi thể hiện tận trung, cẩn thận giữ thành bảo vệ nhân dân, thật đáng khen! Đặc cách thăng ngươi làm Tri phủ Tuyên Hóa; hãy gắng sức trung thành để đáp ứng sự ưu đãi của triều đình.” ( Minh Thực Lục. NXB Hanoi. Tập 2, Trg 163)

Cuộc kháng chiến chống quân Minh giành được thắng lợi hoàn toàn, Quí Dung đem cả gia đình chạy sang Trung Quốc và xin sống vĩnh viễn tại tỉnh Vân Nam.

“Ngày 18 tháng 8 năm Tuyên Đức thứ 3

Thổ quan phủ Tuyên Hóa, Giao Chỉ bọn Tri phủ Đào Quí Dung đến triều cống phương vật. Tự trình bày vì không theo phản loạn Lê Lợi nên được thăng Tri phủ phủ Tuyên Hóa.

Nay đất cũ đã bị mất, không có đường về; bèn cùng với Thổ quan Chủ bạ Khổng Văn Tái, Thổ lại Trần Hiếu Trung, Đầu mục Đào Tế đến triều đình. Thiên tử khen, mệnh ban cho các vật như tiền, áo, theo lệ đã ban cho Vũ Hiếu Thiên; lại cho ở kinh đô. Bọn Quí Dung trình bày xin cư trú tại châu Ha Mễ, Vân Nam; được chấp thuận. Lại ra lệnh các quan có trách nhiệm cấp phòng ốc, đất đai, giúp đỡ thêm để không bị thất sở.” (Minh Thực Lục. NXB Hanoi, Tập 2, Trg 207)

Nhưng rồi thân phận của kẻ bán nước làm Việt gian Đào Quí Dung vẫn không yên ổn. Mặc dù được vua Minh để mắt quan tâm lại được bố trí ở đất Vân Nam theo nguyện vọng, được quan sở tại cấp phòng ốc đất đai, không rõ bị ruồng rẫy ra làm sao mà mấy năm sau đành gạt nước mắt để con là Ðào Lộc lại, trở về Đại Việt sống trốn tránh chui nhủi miền rừng thiêng nước độc. Tất nhiên Minh Thực Lục đã lờ đi không chép đoạn hậu nhưng Ðại Việt sử ký toàn thư (tập 2, tr. 317) đã có những dòng bi đát về hậu vận của Việt gian họ Đào.

Còn tiếp...