- Cục Hải sự Trung Quốc vừa thông báo giàn khoan bán chìm Hải Dương 981 đã được kéo tới khu vực có tọa độ 17-29.53N, 110-57.18E và hoạt động từ ngày 28/12 đến 10/2/2016. Ông nhận định như thế nào về động thái này?
- Giáo sư Carl Thayer: Hải Dương 981 là giàn khoan rất đắt tiền của Trung Quốc. Theo ước tính, Bắc Kinh chi khoảng 6 tỷ nhân dân tệ (hơn 925 triệu USD) để xây dựng nó. Xét trên phương diện thương mại, Trung Quốc sẽ không thể để công trình này nhàn rỗi.
Vị trí hạ đặt giàn khoan mà Cục Hải sự Trung Quốc thông báo hôm 28/12 nằm phía bắc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp – PV) và phía đông nam đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí.
Nó nằm bên phía Trung Quốc nếu xét theo đường trung tuyến phân chia vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ.
Trên phương diện này, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc chỉ đơn thuần thực hiện các hoạt động thương mại và không đe dọa tới chủ quyền của Việt Nam như thời điểm nó xuất hiện ngoài khơi đảo Tri Tôn từ tháng 5 đến tháng 7 năm ngoái.
- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Nguyên Giám đốc Học viện Hải quân:
Theo tọa độ trên hải đồ, giàn khoan Hải Dương 981 đang nằm cách Đông Bắc đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khoảng 55 hải lý, trong khi đó, nó cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 150 hải lý.
Hành động của Trung Quốc có nguy cơ đe dọa thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, về việc không tạo căng thẳng trên biển.
- Theo ông, Trung Quốc có lựa chọn thời điểm để kéo Hải Dương 981 vào khu vực?
- Giáo sư Carl Thayer: Với những thông tin hiện có, tôi không nghĩ có mối liên hệ nào giữa việc Hải Dương 981 hoạt động trên Biển Đông với các sự kiện quan trọng của Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang nỗ lực giành lại niềm tin từ phía Việt Nam và ngăn chặn những ảnh hưởng từ phía Mỹ. Nếu Trung Quốc kéo Hải Dương 981 tới nhằm khiêu khích, mọi điều họ mong muốn sẽ phản tác dụng và gây nên tâm lý chống Trung Quốc ở Việt Nam.
- Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Tôi nghĩ là có, nếu xét từ lịch sử nói không đi đôi với làm của nước này. Quan hệ hai bên vừa tốt lên sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng...
- Ông dự đoán thế nào về những diễn biến tiếp theo?
- Giáo sư Carl Thayer: Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, động thái của Trung Quốc sẽ không gây náo động. Việt Nam có thể phản ứng thông qua các thông báo của Bộ Ngoại giao.
- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ. Nếu họ đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cần phát động nhân dân đấu tranh, đồng thời huy động các lực lượng chấp pháp trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân vào cuộc.
Cần vạch rõ cho thế giới thấy hành động sai trái của Trung Quốc và huy động công luận lên án như những gì ta đã từng làm trong vụ giàn khoan năm ngoái.
Theo Zing