|
Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc sẽ khiến tình hình trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu ngư căng thẳng (Ảnh: Dwnews). |
Sau khi chính phủ Trung Quốc công bố Luật Hải cảnh sửa đổi áp dụng từ ngày 1/2/2021 cho phép hải cảnh (cảnh sát biển) sử dụng vũ khí, liên tục trong nhiều ngày Nhật Bản đã bày tỏ quan điểm, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu tiết lộ trong cuộc họp báo ngày 29/1 rằng ông đã bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh.
Theo tin của Hãng thông tấn Kyodo ngày 30/1, ông Motegi Toshimitsu bày tỏ lo ngại về Luật Hải cảnh của chính phủ Trung Quốc cho phép cảnh sát biển nước này sử dụng vũ khí, đồng thời cho rằng “điều quan trọng là nó không thể được áp dụng dưới hình thức vi phạm luật pháp quốc tế”. Ông nhấn mạnh, “chính phủ Nhật Bản đã lợi dụng các cơ hội để bày tỏ quan ngại đối với phía Trung Quốc và sẽ chú ý cao độ theo dõi các hoạt động của cảnh sát biển Trung Quốc, phối hợp giữa các bộ, ban ngành liên quan để ứng phó một cách bình tĩnh và kiên quyết”.
Hãng Kyodo đề cập rằng các tàu hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần đi vào lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku của Nhật Bản (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Phát biểu của Ngoại trưởng Motegi nhằm kiềm chế phía Trung Quốc để tránh phát sinh tình huống bất trắc khôn lường bắt nguồn từ Luật Hải cảnh của Trung Quốc.
|
Các tàu công vụ Nhật Bản và Trung Quốc đụng độ nhau tren vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dwnews). |
Đồng thời, Ủy ban quốc phòng của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã yêu cầu hoàn thiện luật pháp để đối phó với các sự kiện bất ngờ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói trong cuộc họp báo rằng ông “sẽ theo dõi chặt chẽ các động thái của tàu hải cảnh Trung Quốc và sẽ xem xét hệ thống pháp luật hiện hành sao cho sát với điều kiện thực tế".
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp của 4 bộ trưởng trong Hội nghị An ninh Quốc gia (NSC) tại tư dinh của Thủ tướng vào ngày 29/1 để thảo luận về tình hình ở Đông Á, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên có một cuộc họp tập trung vào vấn đề quan trọng hàng đầu là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Bộ trưởng Ngoại giao Motegi Toshimitsu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nobuo Kishi và Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato; ông Akabane Kazuka, quan chức chịu trách nhiệm về Giao thông vận tải quốc gia của Cảnh sát biển cũng tham dự cuộc họp.
Theo kế hoạch, Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép cảnh sát biển sử dụng vũ khí sẽ được thực hiện từ ngày 1/2/2021.
|
Tại cuộc họp báo hôm 24/11/2020 ở Tokyo sau hội đàm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ lập trừng cứng rắn về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (Ảnh: Reuters). |
Hãng thông tấn Kyodo lưu ý, chính phủ Nhật Bản phân tích thấy rằng sau tháng 8/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã thay đổi thành nếu phát hiện tàu đánh cá Nhật Bản gần vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, về nguyên tắc lập tức truy đuổi. So với khoảng thời gian trước đây, phản ứng của phía Trung Quốc ngày càng hung hãn.
Luật Hải cảnh của Trung Quốc được thông qua và ban hành hôm 22/1/2021 nêu rõ quyền hạn của hải cảnh “chịu trách nhiệm về bảo vệ an ninh trên biển”, quy định phạm vi thực thi pháp luật của hải cảnh bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng lân cận, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Đáng chú ý, Điều 20 của luật này còn cho phép: “Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài xây dựng các cấu trúc, công trình, lắp đặt các thiết bị cố định hoặc nổi trên các vùng biển, đảo thuộc phạm vi quản lý của nước ta (Trung Quốc) mà không được cơ quan có thẩm quyền của nước ta chấp thuận thì Hải cảnh có quyền ra lệnh dừng hành vi trái pháp luật nêu trên hoặc ra thời hạn phá dỡ; nếu không dừng việc trái pháp luật hoặc không phá dỡ trong thời hạn thì Hải cảnh có quyền ngăn chặn hoặc cưỡng chế tháo dỡ”.
|
Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hãn truy đuổi tàu Nhật Bản trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dwnews). |
Điều này bật đèn xanh cho việc Trung Quốc phá hoại các cấu trúc, công trình của các nước khác xây dựng trên vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền một cách vô lý, không được quốc tế thừa nhận, kiểu như cái gọi là “”đường biên giới 9 đoạn” trùm lên 90% diện tích Biển Đông, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước xung quanh.
Luật Hải cảnh Trung Quốc cũng quy định chức trách của cơ quan Hải cảnh bao gồm “tuần tra, canh gác, bảo vệ, đóng giữ các đảo, bãi đá ngầm trọng điểm thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi gây nguy hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh và các quyền, lợi ích trên biển”.
Điều 48 viết: “Trong một trong các trường hợp sau đây, nhân viên hải cảnh không những được sử dụng vũ khí cầm tay mà cả vũ khí trên tàu hoặc đường không: (1) Thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố trên biển; (2) Đối phó với các vụ bạo lực nghiêm trọng trên biển; (3) Tàu hoặc máy bay thực thi pháp luật bị tấn công bằng vũ khí hoặc các phương pháp nguy hiểm khác”.
Điều 49 cũng quy định rằng “nếu quá muộn để cảnh báo hoặc có thể gây ra tác hại nghiêm trọng hơn sau khi cảnh báo, thì có thể trực tiếp sử dụng vũ khí”.
Các quy định trên tương đương với việc bật đèn xanh cho lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí hạng nặng trên tàu hoặc trên không (như súng máy, pháo, v.v.) mà không cần cảnh báo trước.
Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo phân tích rằng luật mới này cho thấy khả năng Trung Quốc kiểm tra tàu đánh cá hoặc xua đuổi các tàu tuần tra trên biển của Nhật Bản trong vùng biển quần đảo Senkaku, qua đó nêu bật “quyền tài phán” và các hành động của họ sẽ trở nên gay gắt hơn, và bởi vì hải cảnh Trung Quốc được quyền sử dụng vũ khí mang trên máy bay, cuộc đối đầu trên không phận quần đảo Senkaku cũng có thể trở nên gay gắt.
|
Trung Quốc đang xây dựng đội tàu Hải cảnh hùng mạnh để đủ sức thực hiện Luật Hải cảnh mới. Trong ảnh: một trong 2 hạm tàu 12 ngàn tấn được trang bị pháo hạm (Ảnh: Sina). |
Ông Tiết Trì, một học giả Trung Quốc sống ở Mỹ, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc đã phân tích, cho rằng Luật Hải cảnh Trung Quốc, so với luật tương tự của một số nước trên thế giới, độc đoán hơn và có tính vũ lực hơn. Ví dụ, cơ quan hải cảnh cấp tỉnh trở lên được phép hoạch định các khu vực an ninh trên biển tạm thời; trong khi theo thông lệ quốc tế, chỉ một quốc gia mới chỉ định các khu vực an ninh trên biển tạm thời cho các cuộc diễn tập quân sự hoặc thử nghiệm vũ khí trên biển.
Thứ nữa, Trung Quốc có một quy hoạch vũ lực khổng lồ trên biển, thể hiện “tam vị nhất thể”, gồm hải quân, hải cảnh và dân quân biển (dân binh). Năm 2018, toàn bộ hệ thống tổ chức của Hải cảnh được chuyển giao cho Quân ủy ĐCSTQ. Nay lực lượng này lại được ủy quyền rõ ràng trong việc sử dụng vũ lực và thực hiện các nhiệm vụ chiến tranh. Hải cảnh đã công khai trở thành "Hải quân thứ hai" của Trung Quốc, có thể thấy trước nó sẽ phát triển bành trướng mạnh, tạo thành ưu thế áp đảo đối với các nước xung quanh, có tác động lớn đến hòa bình và sự ổn định chiến lược trong khu vực.
Điều đáng chú ý là Trung Quốc đã thông qua một đạo luật để răn đe các nước láng giềng vào thời điểm mà Mỹ thay đổi chính phủ và chính quyền Trump, vốn cứng rắn với Trung Quốc, đã rời khỏi Nhà Trắng. Học giả người Trung Quốc sống ở Mỹ Lý Lâm Nhất nói, động thái của Trung Quốc đang thử thách giới hạn của ông Biden; đồng thời, gây sức ép lên Nhật Bản và ASEAN trên Biển Đông. Ông Lý cho rằng, nếu ông Biden không hành động, quan hệ giữa ASEAN và Mỹ sẽ càng trở nên xa nhau hơn trong tương lai.