Lợi nhuận ABBank "bốc hơi" 69%, tỷ lệ nợ xấu gần 4%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ba tháng đầu năm, phần lớn các chỉ số tài chính của ABBank đều sụt giảm, trong đó lợi nhuận "đi lùi" 69%, nợ xấu tăng lên 3.102 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 3,92%

Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank - ABB) vừa công bố báo cáo tài chính với thu nhập lãi thuần đạt 660 tỷ đồng, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 265 tỷ đồng, giảm 22,2%. Ba tháng đầu năm, lãi thuần kinh doanh ngoại hối của ABB chỉ ở mức gần 117 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 50%.

Lợi nhuận sau thuế của ABB giảm 69%, còn 153,7 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của ABB giảm 69%, còn 153,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ABBank ghi nhận khoản lỗ thuần 45,5 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi hơn 90 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, thu nhập từ lãi cho vay khách hàng của ABB cũng giảm hơn 274 tỷ đồng về mức 1.810 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần là 861 triệu đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc quý I/2024, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng "bốc hơi" 69%, còn 153,7 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của ABBank tính đến hết kỳ là 3.102 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 2,91% đầu năm lên 3,92%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 2,63%.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là 914 tỷ đồng, nợ nghi ngờ đạt 1.109 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn là 1.077 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng tăng 51% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho quý I, tương ứng với 60 tỷ đồng.

Tổng tài sản của ABBank hết quý giảm 11% so với số đầu năm, còn 144.777 tỷ đồng. Cho vay khách hàng (giảm 19%) và tiền gửi khách hàng (giảm 17%) đều tăng trưởng âm, lần lượt đạt 79.132 tỷ đồng và 83.524 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ABBank cũng rút hơn 2.221 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Việc này đã khiến tổng tiền gửi NHNN giảm hơn 70% so với đầu năm.

Không chia cổ tức, cổ phiếu mãi không tăng

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ABB ở mức 7.700 đồng/cp, vốn hóa đạt 7.969 tỷ đồng. Kể từ mức đỉnh hơn 16.400 đồng/cp vào tháng 2/2022, mã ABB liên tục bị xả về vùng 7.000-8.000/cp.

Trong một năm trở lại đây, mặc dù cổ phiếu nhóm ngân hàng liên tục tăng trưởng, song mã ABB vẫn chỉ đi ngang quanh vùng giá hiện tại.

Trong một năm trở lại đây, cổ phiếu ABB vẫn chỉ đi ngang quanh vùng giá hiện tại.

Trong một năm trở lại đây, cổ phiếu ABB vẫn chỉ đi ngang quanh vùng giá hiện tại.

Tại ĐHĐCĐ năm 2024, nhiều cổ đông của ngân hàng bày tỏ không vui vì giá cổ phiếu ABB không tăng, cũng như đặt câu hỏi với lãnh đạo ngân hàng về kế hoạch niêm yết HoSE.

Theo đó, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank cho biết, ngân hàng cũng mong muốn đưa cổ phiếu ABB lên sàn HoSE. Tuy nhiên, điều kiện năm nay, đánh giá chung chưa thuận lợi để đưa lên sàn.

Về giá cổ phiếu, lãnh đạo ngân hàng cho biết: "Chúng tôi không kiểm soát giá cổ phiếu ABB trên thị trường, không đánh lên để mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Mặc dù ai cũng muốn cổ phiếu tăng trưởng".

Đặc biệt, trái với làn sóng chia cổ tức cao của các ngân hàng, ABBank lại không đưa ra kế hoạch chia cổ tức. Lãnh đạo ngân hàng đề xuất để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Về kế hoạch kinh doanh, ABBank mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023.

Huy động từ khách hàng tăng 13% lên 113.349 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 13% lên 116.272 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bộ chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 được xây dựng căn cứ trên kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2024 - 2028 với mục tiêu cụ thể cuối năm 2028 sẽ đạt tổng tài sản: 420.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.200 - 10.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường: 57.000 - 68.000 tỷ đồng.