“Lời nguyền Nhà Xanh” và số phận các đời Tổng thống Hàn Quốc

Dù đã chuyển khỏi Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) ngay khi mới nhậm chức nhưng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol dường như vẫn không thể thoát khỏi “Lời nguyền Nhà Xanh”.
Tất cả 12 vị Tổng thống trước ông Yoon Suk-yeol đều dính tai họa trong hoặc sau khi giữ chức trong Nhà Xanh. Ảnh: Baidu.

Đêm 3/12, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tuyên bố thiết quân luật, nhưng ngay lập tức bị Quốc hội bác bỏ. Ông cũng sẽ phải đối mặt với việc luận tội. Vì đã có những lời kêu gọi ông Yoon Suk-yeol từ chức trong đảng cầm quyền nên dự kiến ​​ông sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm kỳ của mình.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đang phải đối mặt với việc bị luận tội. Ảnh: Singtao.

Kể từ khi Hàn Quốc được thành lập vào năm 1948, đã có 13 vị tổng thống với 20 nhiệm kỳ. Tất cả 12 vị Tổng thống trước Yoon Suk-yeol, hầu như không ai rời khỏi chức vụ mà không bị tổn hại gì. Người nhẹ nhất là bị buộc phải từ chức, phải lưu vong ở nước ngoài, bản thân hoặc thành viên trong gia đình bị điều tra. Những người tệ nhất bị kết án tù, tự sát hoặc bị ám sát.

Ông Rhee Syng-man (Lý Thừa Vãn). Ảnh: Singtao.

Tổng thống đầu tiên bị buộc phải từ chức, sống lưu vong

Rhee Syng-man (Lý Thừa Vãn) là người lãnh đạo phong trào đòi độc lập trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản, sau đó thành lập Đại Hàn Dân Quốc với sự hỗ trợ của Mỹ. Tháng 4/1960, sau khi ông Rhee Syng-man được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc lần thứ tư, các cuộc biểu tình của sinh viên trên toàn quốc đã nổ ra do gian lận trong quá trình bầu cử.

Ngày 26/4/1960, ông buộc phải tuyên bố từ chức do áp lực. Sau đó, ông sống lưu vong ở Hawaii, Mỹ và qua đời tại Honolulu tháng 7/1965.

Ông Yun Bo-seon (Doãn Phổ Thiện). Ảnh: Singtao.

Tổng thống Yun Bo-seon bị đảo chính quân sự và buộc phải từ chức

Sau khi ông Rhee Syng- man ra nước ngoài sống lưu vong, ông Yun Bo-seon được bầu làm Tổng thống vào tháng 8/1960.

Chưa đầy một năm sau, ông Park Chung-hee, khi đó là phó tư lệnh Tập đoàn quân dã chiến số 2 của Quân đội Hàn Quốc, đã phát động cuộc đảo chính quân sự ngày 16/5/1961, sau đó lên nắm quyền kiểm soát thực tế Hàn Quốc. Ông Yun Bo-seon bị buộc phải từ chức vào tháng 3/1962. Sau đó, ông thành lập đảng Dân chủ Mới, đặt nền móng cho cuộc bầu cử sau đó của Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun. Ông Yun Bo-seon qua đời vào tháng 7/1990.

Ông Park Chung-hee. Ảnh: Singtao.

Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát

Park Chung-hee phát động cuộc đảo chính quân sự để giành chính quyền vào năm 1961. Ông bắt đầu giữ chức Tổng thống từ năm 1962. Năm 1963, ông ra tranh cử Tổng thống với tư cách là ứng cử viên của đảng Dân chủ Cộng hòa và trúng cử.

Trong nhiệm kỳ của ông, nền kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng và mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cách thống trị kiểu độc đoán của ông đã bị chỉ trích. Ngày 15/8/1974, vợ của Park Chung-hee là Yook Young-soo vô tình bị Moon Se-kwang, người của Triều Tiên, người đến ám sát Park Chung-hee ngộ sát. Ngày 26/10/1979, ông Park Chung-hee bị Kim Jae-gyu, lúc đó là giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc, bắn chết.

Ông Choi Kyu-ha (Thôi Khuê Hạ). Ảnh: Singtao.

Tổng thống Choi Kyu-ha bị buộc từ chức

Ông Choi Kyu-ha tạm thời giữ chức Tổng thống sau khi Park Chung-hee bị ám sát, và chính thức lên nắm quyền sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 6/12/1979.

Chỉ vài ngày sau, Thiếu tướng quân đội Hàn Quốc Chun Doo-hwan đã tiến hành đảo chính và ông Choi Kyu-ha chỉ là Tổng thống trên danh nghĩa. Ngày 16/8/1980, ông Choi Kyu-ha tuyên bố từ chức tổng thống và qua đời vào tháng 10/2006.

Ông Chun Doo-hwan. Ảnh: Singtao.

Tổng thống Chun Doo-hwan bị kết án tù chung thân

Ông Chun Doo-hwan, vốn là một quân nhân, lên nắm quyền sau khi phát động cuộc đảo chính quân sự năm 1979 và được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc năm 1980.

Năm 1987, "Phong trào Dân chủ Tháng Sáu" nổ ra ở Hàn Quốc và ông Chun Doo-hwan chấp nhận đề xuất bầu cử Tổng thống trực tiếp của người kế nhiệm Roh Tae-woo. Sau khi từ chức Tổng thống năm 1988, ông Chun Doo-hwan sống ẩn dật cùng vợ.

Năm 1996, ông bị Tòa án Hàn Quốc đã kết án tử hình vì tội chủ động tham gia phản loạn quân sự và gây nội loạn, âm mưu sát hại cấp trên và nhận hối lộ. Bản án sau đó được giảm xuống tù chung thân. Tháng 12/1997, ông Chun Doo-hwan được Tổng thống Kim Young-sam ân xá và được thả vào đầu năm 1998. Ông qua đời vào tháng 11/2021.

Ông Roh Tae-woo. Ảnh: Singtao.

Tổng thống Roh Tae-woo bị kết án sau khi rời nhiệm sở

Ông Roh Tae-woo là bạn cùng lớp của ông Chun Doo-hwan tại Học viện Quân sự Hàn Quốc. Trong thời gian nắm quyền của ông Chun Doo-hwan, ông lần lượt giữ chức Trưởng quan hành chính thứ hai và Bộ trưởng Nội vụ.

Năm 1987, ông Roh Tae-woo được bầu làm Tổng thống và từ chức năm 1993. Tháng 11/1995, ông bị kết án tù chung thân vì bị phát giác có hàng trăm tỷ won trong các quỹ bí mật, sau đó được giảm xuống còn 17 năm tù. Tháng 12/1997, ông Roh Tae-woo được Tổng thống lúc đó là Kim Young-sam ân xá và qua đời vào tháng 10/2021.

Ông Kim Young-sam. Ảnh: Singtao.

Tổng thống Kim Young-sam có con trai cả vướng tội tham nhũng

Ông Kim Young-sam được bầu làm Tổng thống vào năm 1992. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã cố gắng tăng cường cải cách kinh tế và chính trị, đồng thời dốc sức chống tham nhũng. Ông đã đưa hai cựu tổng thống là Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo ra tòa.

Khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc vào năm 1997, nội các của ông Kim Young-sam đã không thể xử lý thỏa đáng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, dẫn đến việc Hàn Quốc phải nộp đơn xin vay tiền từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để vượt qua khủng hoảng.

Tháng 1/1997, vụ bê bối cho vay của Công ty Thép Hanbo bị vạch trần. Con trai của ông là Kim Hyun-cheol bị bắt và bỏ tù vì nhận hối lộ, trở thành con trai đầu tiên của một Tổng thống đương nhiệm bị bắt trong lịch sử Hàn Quốc. Ông Kim Young-sam qua đời vào tháng 11/2015.

Ông Kim Dae-jung. Ảnh: Singtao.

Tổng thống Kim Dae-jung: Cả 3 người con dính bê bối tham nhũng

Ông Kim Dae-jung trở thành Tổng thống Hàn Quốc vào năm 1998. Trong thời gian cầm quyền, ông đã nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ông đã tích cực thúc đẩy "chính sách Ánh dương" nhằm làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, tổ chức thành công các cuộc đàm phán song phương giữa miền Bắc và miền Nam vào năm 2000 và đoạt giải Nobel Hòa bình cùng năm.

Vào cuối triều đại của ông Kim Dae-jung, con trai thứ hai và con trai thứ ba của ông bị bắt và bị kết án vì tội nhận hối lộ; người con trai cả cũng bị khởi tố vì tội nhận hối lộ sau khi ông rời nhiệm sở. Ông Kim Dae-jung qua đời vào tháng 8/2009.

Ông Roh Moo-hyun. Ảnh: Singtao.

Tổng thống Roh Moo-hyun tự sát vì bị nghi nhận hối lộ

Ngày 12/3/2004, ông Roh Moo-hyun, người mới nhậm chức Tổng thống được một năm, đã bị cáo buộc vi phạm nguyên tắc trung lập của Luật bầu cử và bị Quốc hội luận tội, buộc phải đình chỉ chức vụ.

Ngày 14/5 cùng năm, Tòa án Hiến pháp đã lật lại vụ án luận tội và khôi phục quyền lực cho Roh Moo-hyun. Ông chủ trương nền chính trị trong sạch, nhưng bị điều tra sau khi rời nhiệm sở. Ngày 23/5/2009, ông đã tự sát bằng cách nhảy khỏi vách núi trong khi cuộc điều tra của chính phủ Lee Myung-bak về hành vi hối lộ của ông đang diễn ra.

Ông Lee Myung-bak. Ảnh: Singtao.

Tổng thống Lee Myung-bak bị kết án sau khi rời nhiệm sở

Ông Lee Myung-bak có chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên. Trong nhiệm kỳ của ông, vụ chìm tàu ​​Cheonan và pháo kích vào đảo Yeonpyeong đã xảy ra, dẫn đến sự đối đầu nghiêm trọng giữa miền Bắc và miền Nam.

Năm 2008, các cuộc “biểu tình dưới ánh nến” quy mô lớn đã diễn ra ở Hàn Quốc phản đối nhập thịt bò Mỹ. Sau khi ông Lee Myung-bak từ chức Tổng thống, các công tố viên Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra về cáo buộc lạm dụng quyền lực của ông.

Tháng 2/2018, Lee Myung-bak bị bắt vì tình nghi nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, biển thủ công quỹ. Vào tháng 10/2018, ông bị kết án 15 năm tù, sau đó đổi thành 17 năm. Ngày 27/12/2022, ông Lee Myung-bak được chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol ân xá.

Bà Park Geun-hye. Ảnh: Singtao.

Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội, kết án 20 năm tù

Bà Park Geun-hye là con gái của cựu Tổng thống Park Chung-hee và là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Tuy nhiên, bê bối chính trị bị phanh phui vào tháng 10/2016. Bà bị cáo buộc giành đặc quyền cho người bạn thân Choi Soon-sil, dẫn đến làn sóng biểu tình rộng khắp.

Ngày 9/12 cùng năm, Quốc hội Hàn Quốc thông qua hồ sơ luận tội, khiến bà Park Geun-hye bị đình chức chờ điều tra. Ngày 10/3/2017, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết về vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye, chính thức bãi nhiệm bà. Bà trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc mất chức vì bị luận tội.

Tháng 4/2018, bà Park Geun-hye bị kết án 24 năm tù vì 16 tội danh bao gồm nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực, sau đó mức án được giảm xuống còn 20 năm. Tháng 12/2021, chính phủ Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố ân xá cho bà.

Ông Moon Jae-in. Ảnh: Singtao.

Tổng thống Moon Jae-in bị nghi nhận hối lộ

Ông Moon Jae-in đã trải qua Thế vận hội mùa Đông PyeongChang, ba cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và dịch bệnh COVID-19 trong nhiệm kỳ của mình. Ông đã mở một hiệu sách sau khi rời nhiệm sở.

Vào ngày 30/8/2024, các công tố viên Hàn Quốc đã khám xét nơi ở của Moon Jae-hye, con gái của Moon Jae-in, và đưa ông vào danh sách nghi phạm hối lộ trong lệnh khám xét. Đảng Dân chủ Hàn Quốc, mà ông Moon Jae-in là thành viên, chỉ trích hành động của các công tố viên Hàn Quốc là "sự trả thù chính trị".

Theo Singtao