Đó là phát biểu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (Đoàn đại biểu TP. HCM) tại phiên thảo luận tổ sáng 24/3, Báo cáo của Chính phủ về “Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm tiếp theo”.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã nêu được những thành tựu 5 năm qua, nêu ra được những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành nhưng chưa làm rõ được một số nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những vấn đề bức xúc lâu nay của người dân, như vấn đề lợi ích nhóm.
“Vậy có “lợi ích nhóm” hay không? Tại sao nói có mà chưa chỉ ra được “lợi ích nhóm” cụ thể là nhóm nào? Liệu lợi ích nhóm có chi phối chính sách, làm lũng đoạn chính sách. Lợi ích nhóm có tới diễn đàn Quốc hội. Và đây có phải nguyên nhân chúng ta không tiếp thu được những ý kiến, hiến kế của chuyên gia”, Đại biểu Tâm chất vấn,
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chính sách của Đảng bị làm sai lệch, thậm chí bị vô hiệu hóa được Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cùng Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chỉ rõ là do “Lợi ích nhóm đang lũng đoạn chính sách. Lợi ích nhóm là vấn đề được nêu ra ở rất nhiều hội nghị, đưa vào nghị quyết nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra nó đang ở đâu. Thậm chí nhiều người đặt câu hỏi lợi ích nhóm đang len lỏi, chi phối đến cả Quốc hội? Vậy các nhà làm chính sách có nhận diện được lợi ích nhóm khi làm luật hay không?".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn nhấn mạnh rằng vấn đề cải cách thể chế được nói đến nhiều nhưng không ai dám thực hiện. Cải cách thể chế, đổi mới cơ chế chính trị đã được nêu ra từ năm 1986 nhưng đến nay chúng ta cứ ngần ngại, chưa tin tưởng ở người dân vì sợ một điều gì đó.
Trong khi đó bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng, cũng nêu vấn đề về lợi ích nhóm. Ông Tiến nhắc đến dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) vừa kéo dài thời gian, vừa đội vốn, thậm chí đội vốn lên 100% và ông coi đó “là bài học rất đắt giá cho Việt Nam”.
“Không hẳn do kinh tế khó khăn nên chúng ta ham rẻ mà ở đây là do tầm nhìn. Chúng ta thấy rẻ trước mắt đấy nhưng liên tục phải bỏ vốn thêm ra 2, 3 lần hoặc lẽ ra sử dụng công trình cả trăm năm thì nay chỉ vài năm đã hỏng, chúng ta lại đập đi làm lại thì tốn kém hơn rất nhiều”, ông Tiến nói.
Chiều 24/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật tiếp cận Thông tin.