Loạt lãnh đạo Gemadept chi hàng trăm tỷ đồng "bắt đáy" cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi cổ phiếu "dò đáy" trước những lo ngại tác động của thuế quan, loạt lãnh đạo và người nội bộ của Công ty CP Gemadept (HoSE: GMD) đã chi hàng trăm tỷ đồng mua vào hàng triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu GMD "dò đáy" do những lo ngại tác động của thuế quan tới ngành cảng biển và logistic
Cổ phiếu GMD "dò đáy" do những lo ngại tác động của thuế quan tới ngành cảng biển và logistic

Giai đoạn từ ngày 11/4-15/5, loạt lãnh đạo cùng người nội bộ của Gemadept đã mua vào hàng triệu cổ phiếu GMD trong bối cảnh mã này giảm sâu do dấy lên những lo ngại thuế quan tác động mạnh tới ngành cảng biển và logistic.

Theo đó, hai Phó Tổng Giám đốc là ông Đỗ Công Khanh và ông Phạm Quốc Long đã lần lượt mua vào 1 triệu cổ phiếu và 280.000 cổ phiếu GMD, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 0,36% và 0,16% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, một Phó Tổng Giám đốc khác là ông Nguyễn Thế Dũng cũng mua vào thành công 651.700 cổ phiếu trên tổng số 1 triệu đơn vị đăng ký.

Hai Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) là Vũ Ninh và Nguyễn Minh Nguyệt cũng lần lượt gom 50.000 cổ phiếu và 500.000 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,28% và 0,33% vốn điều lệ.

Ngoài ra, ông Đỗ Nhật Tân - bố của Chủ tịch HĐQT Gemadept Đỗ Văn Nhân - cũng gom 1 triệu cổ phiếu GMD, nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,25% vốn điều lệ.

Tạm tính theo giá cổ phiếu tại phiên 11/4 (46.000 đồng/đơn vị) nhóm lãnh đạo Gemadept đã chi hơn 160 tỷ đồng để mua vào gần số cổ phiếu trên.

Động thái mua vào của lãnh đạo Gemadept diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu GMD rớt giá mạnh do những lo ngại ngành cảng biến chịu thiệt hại đáng kể từ chính sách thuế quan của Mỹ. Sự suy giảm của GMD mạnh hơn so với mức bình quân thị trường do hoạt động kinh doanh logistics liên quan chặt chẽ với dòng chảy thương mại quốc tế.

Đến nay, dù đã ghi nhận những nhịp hồi phục, thị giá GMD ở vùng giá thấp nhất 1,5 năm và đang được giao dịch ở mức 53.000 đồng/đơn vị. So với thời điểm trước thông tin Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng 46% đối với một số hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, thị giá GMD đã "bốc hơi" gần 10%.

GMD_2025-05-22_16-28-44.png
Diễn biến giá cổ phiếu GMD từ đầu năm đến nay. Nguồn: VPS

Trong bối cảnh cổ phiếu giảm sâu, việc lãnh đạo gia tăng mua vào thường khiến cổ đông an tâm hơn về doanh nghiệp. Bên cạnh đó, HĐQT Gemadept còn lên kế hoạch mua lại cổ phiếu của chính mình (cổ phiếu quỹ), để đảm bảo quyền lợi của cả công ty và các cổ đông trong tình hình thị giá cổ phiếu GMD đang ở mức thấp, không phản ánh đúng hiệu quả hoạt động kinh doanh và giá trị thực của Gemadept.

Lợi nhuận sụt giảm do không còn doanh thu tài chính trợ lực

Về tình hình kinh doanh, quý I/2025, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.277 tỷ đồng, lãi gộp đạt 561 tỷ đồng, cùng tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cũng tiết giảm được 28% chi phí tài chính.

Do không còn ghi nhận lãi từ việc chuyển nhượng khoản đầu tư tài chính dài hạn, doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm mạnh (giảm 92%). Điều này khiến lãi sau thuế quý I/2025 chỉ đạt 527 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước.

Dù vậy, nếu chỉ xét hoạt động kinh doanh cốt lõi, Gemadept vẫn đang tăng trưởng so với cùng kỳ. Cộng với triển vọng trong quý II/2025, việc công ty đạt được tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2024 là tương đối khả thi.

Tại hội nghị với nhà đầu tư hồi tháng 4, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Gemadept, cho hay thời gian qua, Gemadept đã làm việc với các hãng tàu, điều chỉnh tuyến tàu, cơ cấu khách hàng để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Chẳng hạn Gemalink đã có tuyến tàu mới đi châu Phi, châu Âu, Canada.

Vì vậy, công ty không có chủ trương giảm sản lượng đã đề ra. Cảng Nam Đình Vũ vẫn giữ mục tiêu 1,3 triệu TEU, cảng Gemalink giữ mục tiêu 1,7 – 1,8 triệu TEU. Công ty cũng giữ tỷ suất lợi nhuận thông qua việc nâng doanh thu trên mỗi container.

Đáng chú ý, ông Bình cho rằng Việt Nam sẽ có thể đón nhận một làn sóng container rỗng. Điều này cộng với việc Việt Nam có triển vọng hồi phục nhanh hơn các thị trường khác dẫn đến sản lượng, doanh thu của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam sẽ không bị biến động lớn.

Gemadept là một trong những doanh nghiệp tốp đầu trong lĩnh vực logistic và khai thác cảng. Công ty hiện có 4 cảng tại miền Bắc hoạt động tại khu vực cảng biển Hải Phòng, 1 cảng tại miền Trung hoạt động tại khu công nghiệp Dung Quất - Quảng Ngãi và 3 cảng tại khu vực Bình Dương, Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu.