|
Xe tăng Nga mang "Tsar-Grill" để chống drone FPV (Ảnh: Topwar) |
"Mai rùa" trên xe tăng Nga
Ngày 6/5, trên một số trang mạng xã hội của Nga và Ukraine xuất hiện đoạn video quay cảnh một xe tăng Nga gắn thiết bị rà phá mìn phía trước đang hoạt động ở mặt trận. Điều khiến người ta chú ý là xe tăng này được bọc kín, chỉ hở mỗi nòng pháo và thiết bị phá mìn phía trước.
Thiết kế phòng vệ này hiện khá phổ biến, được cho là đáng tin cậy và có khả năng bảo vệ xe tăng Nga khỏi máy bay không người lái của Ukraine. Hiện tại, những chiếc xe tăng gắn lồng sắt, được gọi là “mai rùa”, đang xuất hiện ngày một nhiều trên chiến trường.
Trước đây, các chuyên gia coi mối đe dọa chính đối với xe tăng–thiết giáp, chủ yếu đối với xe tăng chiến đấu chủ lực, là hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) đã phát triển đến thế hệ thứ ba.
Bởi vậy, hệ thống bảo vệ chủ động (APS) được phát triển để chống lại tên lửa chống tăng và việc thiếu chúng được coi là một lỗ hổng nghiêm trọng đối với bất kỳ xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nào.
Bên cạnh đó, đạn xuyên giáp (BOPS) cũng là một mối đe dọa tiềm tàng nên khả năng bảo vệ phía trước của xe tăng chiến đấu chủ lực đã được tối đa hóa. Người ta tin rằng các lớp giáp phản ứng nổ hiện đại sẽ cung cấp khả năng bảo vệ trước đạn xuyên giáp.
Thực tế trái ngược trên chiến trường
Thực tế chiến trường Ukraine hiện nay lại chứng minh rằng, kẻ thù chính của xe bọc thép lại là những chiếc máy bay không người lái tương tự flycam - hay còn gọi là FPV (First Person View) drone. Loại máy bay không người lái tự sát (Kamikaze drone) này xuất hiện ngày càng nhiều trên chiến trường Ukraine.
Giá thành của máy bay không người lái FPV thấp hơn rất nhiều so với giá của tên lửa chống tăng thế hệ thứ hai, chưa nói đến giá của tên lửa chống tăng dẫn đường thế hệ thứ ba, và càng không thể so với giá thành của xe bọc thép.
Hiện nay, một chiếc xe chiến đấu bọc thép trị giá hàng triệu USD hoàn toàn có thể bị phá hủy bởi một chiếc drone loại FPV trị giá vài trăm nghìn rúp (giá trị chênh lệch hàng nghìn lần).
Ban đầu, lưới và rào sắt xuất hiện trên xe bọc thép của Nga - được gọi là "lò nướng" - thường khá thưa, được sử dụng trước các cuộc tấn công quy mô lớn của máy bay không người lái FPV của Ukraine.
Hệ thống lồng thép này đương nhiên không cung cấp khả năng bảo vệ 100%, nhưng làm tăng khả năng sống sót của xe bọc thép và làm phức tạp thêm công việc của người điều khiển máy bay không người lái FPV.
Theo thời gian, số lượng lưới và hàng rào trên xe bọc thép tăng lên đến mức một số phương tiện bọc thép bắt đầu trông giống những chiếc chuồng gà di động. "Lò nướng" còn được lắp đặt phía trên một số xe bọc thép và nhiều loại xe quân sự khác có lắp đặt thiết bị tác chiến điện tử (EW).
Mặc dù các thiết bị phòng hộ cho xe bọc thép đã được sản xuất với số lượng có hạn, nhưng hầu hết các thiết bị kiểu "lồng sắt" này vẫn do các binh sĩ hoặc các tình nguyện viên chế tạo thủ công.
Một trong số những thiết bị phòng hộ chống máy bay không người lái dành cho xe bọc thép của Nga được gọi là "Tsar-Grill" (Lò nướng của Sa Hoàng).
Khi lắp đặt hệ thống tự chế này, xe tăng gần như bị bao phủ hoàn toàn. Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ cấu trúc xe tăng bị che kín, trông không khác một ngôi nhà di động.
“Tsar-Grill” xuất hiện
Việc lắp đặt “Tsar-Grill” làm dấy lên nhiều ý kiến trái ngược.
Một số người coi "Tsar-Grill" gần như là một "wunderwaffe" (vũ khí thần kỳ) mới, số khác cho rằng đó chỉ là thứ ngoài ý muốn, kết quả của việc sử dụng xe tăng không hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng việc áp dụng “Tsar-Grill” cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt trước điều kiện thay đổi nhanh chóng trên chiến trường.
Theo một số phân tích, nếu muốn tiêu diệt một chiếc xe tăng thông thường, ngay cả khi nó được bảo vệ bởi một loại lưới và rào sắt, cần khoảng 3-4 máy bay không người lái FPV. Trong khi, để tiêu diệt một chiếc xe tăng được bảo vệ bởi "Tsar-Grill", sẽ cần tới hàng chục chiếc. Bởi vậy, những thiết bị bảo vệ như vậy là rất cần thiết.
Theo quan sát của giới chuyên gia quân sự, có rất nhiều máy bay không người lái FPV của Ukraine trên chiến trường. Bởi vậy, các đơn vị tăng-thiết giáp Nga khó có thể di chuyển ở các khu vực trống trải.
Điều này khiến các đơn vị đột kích không những không có xe bọc thép để chi viện hỏa lực mà còn không thể luân chuyển nhân sự, vận chuyển đạn dược và sơ tán người bị thương về hậu phương.
Do vậy, việc ứng dụng “Tsar-Grill” được cho là giải pháp cần thiết, không chỉ giúp các đơn vị tăng-thiết giáp sống sót mà còn giúp duy trì tốc độ tấn công hiện tại của lực lượng Nga.
Những nhược điểm của "Tsar-Grill"
Với chiếc “mai rùa” phía trên, góc quay của tháp pháo và góc bắn bị hạn chế. Ngoài ra, khả năng luân chuyển quân, vận chuyển đạn dược và sơ tán người bị thương của các đơn vị tăng-thiết giáp cũng bị giảm.
Tầm nhìn của kíp xe (chủ yếu là người lái xe) bị hạn chế. Nếu tầm bắn của pháo bị hạn chế thì tầm nhìn cũng tương tự. Trong trường hợp này, mục tiêu chính phải được chỉ thị bằng máy bay tấn công.
Mặc dù "Tsar-Grill" bị nhiều người coi là một sai lầm trong quá trình phát triển của xe bọc thép, nhưng phần còn lại coi nó như giải pháp đơn giản và hiệu quả, giúp tăng cường khả năng sống sót và cứu mạng nhiều binh sĩ.
Một giải pháp hiệu quả hơn và ít cụ thể hơn có thể được đưa ra trong tương lai, nhưng vào thời điểm hiện tại, việc sử dụng "Tsar-Grill" được nhiều người đánh giá là hợp lý.
Trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát, ít ai có thể nghĩ rằng một hệ thống xấu xí như vậy lại có thể được áp dụng trên chiến trường.
Có ý kiến cho rằng nếu "Tsar-Grill" được sản xuất hàng loạt trong nhà máy, chúng sẽ có thiết kế đẹp mắt và hiệu quả hơn nhiều nếu so với hệ thống được các binh sĩ sản xuất thủ công.
Theo Topwar