Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng bắn trưa ngày 5/4 theo thỏa thuận đạt được giữa tổng tham mưu trưởng quân đội hai nước tại Moscow dưới sự trung gian hòa giải của Nga. Tuy chiến sự 4 ngày đã tạm lắng nhưng Nga đang ở tình thế khá khó xử và thù địch vẫn còn nguyên, theo RT.
Azerbaijan nhờ bùng nổ kinh tế dầu mỏ trong những năm qua đã mua sắm khá nhiều loại vũ khí hiện đại. Một trong những vụ tấn công bằng máy bay không người lái “cảm tử” IAI Harop của Israel đã tấn công một chiếc xe buýt chở lực lượng Armenia tăng cường ra mặt trận khiến 7 binh sĩ Armenia thiệt mạng.
Tuy nhiên phần lớn vũ khí mới cả hai bên sử dụng đều do Nga sản xuất. Armenia là một đồng minh của Nga trong hiệp ước CSTO (Azerbaijan cũng là một thành viên cho tới năm 1999) và đã đồng ý cho Nga đặt hai căn cứ quân sự trên lãnh thổ để được hưởng ưu đãi khi mua vũ khí Nga. Hai nước còn tính chuyện hợp nhất hệ thống phòng không.
Năm 2014, Armenia đã gia nhập Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga sáng lập cùng với Belarus và Kazakhstan. Học thuyết quân sự Armenia coi Nga là yếu tố bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước và trong những năm gần đây Nga đã điều động tới hai căn cứ Gyumri và Erebuni tại Armenia các tiêm kích MiG-29 và trực thăngMi-24, hơn 70 xe tăng, xe bọc thép và hệ thống pháo. Tháng 2/2016, Moscow thông báo bán cho Armenia 200 triệu USD vũ khí.
Azerbaijan năm 2013 đã chi tới 4 tỷ USD mua sắm vũ khí của Nga, giai đoạn 2011-2015 vũ khí Nga chiếm tới 85% tổng mua sắm trang bị của nước này, bao gồm các hệ thống phòng không S-300, trực thăng tấn công Mi-35, xe tăng T-90, tên lửa chống tăng Kornet và pháo tự hành Msta-S 152mm.
Trên thực tế Armenia là đồng minh khăng khít với Nga, còn Azerbaijan lại thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ lại xem nhau như kẻ thù. Hiện Nga và Azerbaijan đã nỗ lực làm việc để duy trì quan hệ hữu nghị tốt đẹp, bất chấp cam kết với Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức của vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh từng trả lời phỏng vấn The Daily Beast rằng cả Armenia và Nagorno-Karabakh đều không thể đứng vững nếu không có sự ủng hộ của Nga trong một cuộc xung đột với Azerbaijan.
Armenia là đồng minh của Nga còn Thổ Nhĩ Kỳ lập tức tuyên bố hậu thuẫn Azerbaijan “đến cùng” khi giao tranh bùng phát. Trong cuộc chiến Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang trong chiến tranh lạnh sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga hồi tháng 11/2015. Cho nên chiến sự bùng nổ giữa hai kẻ địch Armenia và Azerbaijan thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều so với hai thập kỷ trước.
Nghĩ sị quốc hội Armenia Tevan Poghosyna nói với The Daily Beast, nếu như cộng đồng quốc tế không góp phần ngăn chặn cuộc chiến, nhiều nước có thể sẽ nhảy vào can dự, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Pakistan hậu thuẫn Azerbaijan còn Nga chắc chắn sẽ “bênh” Armenia.