Các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao trong kinh doanh nhằm đạt được lợi nhuận lớn, nhưng hiển nhiên đi cùng với nó là rủi ro cao. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ ra sao nếu bạn sử dụng đòn bẩy nhưng khi khó khăn thua lỗ thì lại được cứu trợ (!?).
Dĩ nhiên bạn sẽ lại càng dùng đòn bẩy cao hơn nữa, vì rủi ro đã được đẩy về phía một ai đó khác, không phải là bạn.
Vậy ai đó ở đây là ai (!?)
Người phải trả cuối cùng cho những đồng tiền cứu trợ, chắc chắn sẽ là dân chúng thông qua thuế. Vì khi Fed bơm tiền ra là Fed đang cho chính phủ Mỹ vay tiền, và chính phủ Mỹ có trách nhiệm phải hoàn trả lại khoản tiền này trong tương lai. Trong khi đó, nguồn thu chủ yếu của chính phủ là từ các khoản thuế.
Vì thế chắc chắn sau khi dịch bệnh qua đi, chính phủ sẽ phải tăng các loại thuế để bù lại các khoản chi của mình. Điều này đồng nghĩa với việc lấy tiền từ đại đa số người dân nhằm cứu giúp một nhóm nhỏ trong nền kinh tế.
Dĩ nhiên sẽ có những ý kiến phản bác, kiểu như: “Nếu không cứu các doanh nghiệp lớn thì tất cả sẽ cùng kéo nhau xuống vực”, hay câu nói phổ biến là “Too big to fail”.
Thế nhưng điều này rõ ràng đã tạo ra một lỗ hổng cực lớn trong cách vận hành nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Khi mà các nhà tư sản, các doanh nghiệp lớn, là những người được ưu tiên hàng đầu ngay khi có bất cứ biến cố gì xảy ra.
Trong rất nhiều năm, các nhà tư sản này đã hưởng lợi từ tăng trưởng, nhiều hơn tất cả những thành phần khác của nền kinh tế cộng lại.
Thế nhưng khi có khủng hoảng, họ lại là những người được cứu giúp đầu tiên, mặc cho sự thật là tài sản của họ đã gia tăng hàng chục lần so với trước kia.
Còn đại đa số người dân, thành phần không được hưởng lợi nhiều từ tăng trưởng, sẽ lại phải đóng thuế nhiều hơn để trả những khoản tiền cứu trợ kia cho các nhà đại tư sản.
Khủng hoảng kinh tế vẫn luôn là một vấn đề cố hữu mà chủ nghĩa tư bản phải đối mặt, và mỗi lần khủng hoảng là một lần tài sản được phân bố lại, vì trong các giai đoạn bình thường rất khó để xảy ra sự tái phân bố trên diện rộng.
Thế nhưng sự phân bố lại này lại có tính thiên lệch quá cao, khi những thành phần giàu nhất của nền kinh tế lại được cứu giúp nhiều hơn đại đa số người dân.
Cho đến nay, chủ nghĩa tư bản đã liên tiếp tạo ra những cuộc khủng hoảng có tính chu kỳ (Covid chỉ là chất xúc tác cho cuộc khủng hoảng lần này), cũng như những sự tái phân bố tài sản hết sức thiên lệch sau mỗi lần khủng hoảng qua đi.
Vậy liệu có phải chủ nghĩa tư bản đang có những lỗ hổng khổng lồ trong chính bản thân mình (!?)./.
(*) Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore)